Chia sẻ bí quyết phát triển nông nghiệp Sơn La 10 năm qua, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương đã và đang tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững, với định hướng rõ ràng về nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, công nghiệp tái tạo và phát triển bền vững gắn với thị trường. Từ nền tảng điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng sự ủng hộ của Trung ương, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng nội lực để chuyển hóa thành động lực tăng trưởng.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững phải đi vào chiều sâu. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong chu kỳ 10 năm qua, Sơn La luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế dương, đặc biệt năm 2022 đạt trên 8% và 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục tăng trưởng trên 8%. Đây là những con số khẳng định tính ổn định và năng lực điều hành kinh tế địa phương, đồng thời tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh giữ vững vai trò của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, lấy nông nghiệp làm điểm tựa xuyên suốt.
Một trong những dấu ấn quan trọng là kết quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 4% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng/năm - vượt mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2015 - 2025.
Hiện nay, Sơn La sở hữu hơn 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 85.000 ha cây ăn quả, trở thành vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp lớn của cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu… nhờ triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU từ năm 2015 về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc không chỉ cải thiện sinh kế người dân miền núi mà còn góp phần chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với cây ăn quả, ngành mía đường của tỉnh cũng ghi dấu ấn khi có nhà máy duy nhất tại miền Bắc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh ngành này gặp nhiều khó khăn trên cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Công, để bứt phá và giữ vững vị thế, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường.
Trong đó, công nghệ sau thu hoạch sẽ quyết định chất lượng và giá trị thương phẩm, là khâu cần được tập trung đầu tư. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Sơn La cũng mong muốn phát triển các loại cây dược liệu như sâm, nhưng hiện điều kiện thổ nhưỡng chưa thuận lợi như Lai Châu.

Dây chuyền chế biến xoài tại Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong định hướng tương lai, tỉnh tiếp tục quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo vùng dựa trên điều kiện tự nhiên, khí hậu từng khu vực. Các loại cây đặc sản và dược liệu như sâm cũng được kỳ vọng phát triển, dù điều kiện thổ nhưỡng hiện chưa thuận lợi bằng các tỉnh bạn như Lai Châu. Sơn La sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đặc biệt là kiểm soát sâu bệnh trên các loại cây chủ lực như cà phê, cây ăn quả.
Một trụ cột trong chiến lược phát triển sắp tới là ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường, tưới thông minh… được xem là hướng đi tất yếu nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và đảm bảo chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững, nơi cây trồng không chỉ là sinh kế, mà còn là sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường”, ông Công nhấn mạnh.
Với những nền tảng đã xây dựng, địa phương đang mở ra một chương mới trong phát triển nông nghiệp miền núi phía Bắc, gắn công nghệ, thị trường và đời sống người dân trong chiến lược hài hòa và dài hạn.