Tháng 8, tháng 9 ở ĐBSCL cao điểm mùa mưa và thường bị cộng hưởng bởi các đợt áp thấp nhiệt đới, bão. Thời điểm này nông dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp thu hoạch lúa HT cuối vụ và lúa TĐ trước khi nước lũ thượng nguồn đổ về.
Tổn thất khâu phơi, sấy
Khi nông dân đã chủ động được khâu thu hoạch nhờ đưa máy gặt đập liên hợp xuống đồng thì khâu phơi, sấy vẫn còn bị động. Nỗi lo lớn nhất là gặt lúa gặp mưa dầm kéo dài, thương lái không tới thu mua kịp, lúa lên mộng (nẩy mầm) mất giá. Các Trung tâm Khuyến nông trong vùng đang tiếp tục tìm giải pháp phù hợp tư vấn giúp nông dân xử lý, bảo quản lúa.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL hiện còn ở mức cao. Tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với lúa khoảng 11-13%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi, sấy, bảo quản xay xát, chế biến. Lúa ướt phơi, sấy không kịp sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và bị tổn thất thêm khi tiêu thụ bị giảm hoặc mất giá 10-20%.
Như vậy nếu tính với mức tổn thất 12% và sụt giảm 13% về giá cả trên thị trường, với sản lượng lúa 24 triệu tấn/năm ở ĐBSCL thì tổng giá trị tổn thất sau thu hoạch lúa tới khoảng 6 triệu tấn lúa.
Hiện nay sau thu hoạch, do tỷ lệ máy sấy còn thấp, nông dân làm khô lúa chủ yếu phơi ngoài nắng trời và thường bị động vì không có sân phơi hoặc sân phơi không đảm bảo kỹ thuật.
Máy sấy lúa hiện đại do DNTN Năm Nhã SX
Theo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL, đến năm 2012 toàn vùng hiện có hơn 9.600 lò sấy, đáp ứng khoảng 40-50% lúa HT. Mặt khác do nông hộ quy mô SX nhỏ nên nhiều năm qua tìm giải pháp đầu tư sấy lúa với công nghệ phù hợp gần như không khả thi.
TS Huỳnh Văn Nghiệp, cán bộ Viện lúa ĐBSCL cho rằng: Trong việc xử lý lúa bị mưa liên tục, biện pháp trước đây một số nhà khoa học có khuyến cáo sử dụng muối ăn để hạn chế lúa nẩy mầm, nhưng biện pháp này hiện nay xem ra không khả thi.
Do vậy, về cơ bản lâu dài người dân hoặc nhóm nông dân phải tự làm sân phơi để phơi lúa chủ động, khi mưa vẫn có thể sử dụng sân phơi này và dùng tấm nylon che mưa để tạo hiệu ứng nhà kính giúp lúa ráo không bị nẩy mầm.
“Về lâu dài không thể có giải pháp nào khác ngoài việc đầu tư sân phơi, máy sấy của nông dân, nhóm nông dân và của các DN kinh doanh chế biến lương thực. Nhà nước có thể hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay để giúp nông dân, nhóm nông dân làm sân phơi, nhà máy sấy; Khuyến khích các DN đầu tư cụm thu mua, chế biến lương thực ở các vùng SX trọng điểm, nhằm thu mua lúa của nông dân ngay cả trong điều kiện có mưa bão liên tục”, TS Nghiệp nói.
Lựa chọn công nghệ
Các chuyên gia theo dõi, phân tích 30 năm qua về công nghệ sấy lúa ở ĐBSCL khá đa dạng. Trong 15 năm đầu (1982-1996) từ chiếc máy sấy vỉ ngang đầu tiên do Trường Đại học Nông lâm TPHCM lắp ở Kế Sách (Sóc Trăng) đến năm 1996 trong vùng có khoảng 1.600 máy. Chất lượng sấy được đánh giá không đều.
Giai đoạn 10 năm sau đó (1997-2006) số lượng máy sấy tăng nhanh lên 6.200 máy. Sự gia tăng này có phần tác động từ chương trình sau thu hoạch DANIDA (Bộ NN-PTNT) góp phần giải quyết sấy cho 30% lúa HT. Các máy sấy vỉ ngang trong giai đoạn này có cải tiến nên chất lượng lúa sấy tốt hơn.
Từ năm 2007 đến 2011, nhất là từ 2009 đến những năm gần đây máy gặt đập liên hợp tăng nhanh, hoạt động phổ biến đặt ra nhu cầu sấy lúa công suất lớn, giải quyết nhanh gọn. Công suất máy sấy vỉ ngang cũng tăng lên từ 15-20 đến 30 tấn/mẻ. Bên cạnh đó, các nhà máy xay xát có xu hướng đầu tư máy sấy tháp công suất trên 200 tấn/ngày.
Chủ DNTN Năm Nhã - ông Dương Xuân Quả ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên (An Giang) chuyên SX lắp ráp máy sấy cải tiến không trở mẻ từ 5 - 50 tấn/mẻ cho biết: Tuy thị trường lúa gạo tiêu thụ không thuận lợi như mấy năm trước, vốn vay ngân hàng gặp khó, song nhu cầu sấy lúa ở vùng nông thôn xa hiện vẫn còn lớn. Từ đầu năm đến nay nông dân đặt hàng phổ biến loại máy sấy công suất 5 tấn/mẻ/ngày đến 30 tấn/mẻ/ngày.
Bên cạnh đó, dịch vụ sấy lúa máy công suất 150 tấn/mẻ/ngày đang có xu hướng nở rộ như ở Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có 5 máy sấy công suất 150 tấn/mẻ/máy/ngày, tại Phú Tân (An Giang) có 3 máy công suất 50 tấn/mẻ/máy/ngày; tại Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) lắp đặt máy sấy dịch vụ tổng công suất 300 tấn/mẻ/ngày.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng cần cải tiến khâu làm khô, tồn trữ lúa theo hướng cơ giới, và hiện đại hóa ngành công nghiệp xay xát và chế biến gạo để nâng chất lượng hạt gạo ĐBSCL.
Gần đây, Cty TNHH Cơ khí Công Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (TPHCM) giới thiệu với các chủ nhà máy xay xát lúa gạo ở ĐBSCL hệ thống tháp sấy đốt theo phương pháp gián tiếp, bảo đảm chất lượng lúa gạo trong suốt quá trình sấy tự động hóa.
Nguyên lý vận hành là tháp sấy được thiết kế độ nghiêng, chia dòng nguyên liệu thật nhỏ để sấy cho đều rồi tổng hợp nguồn nguyên liệu đã được xử lý. Rải đều nguyên liệu trong tháp sấy đóng vai trò quan trọng và sấy như thế nào mùi thơm đặc trưng không thay đổi, làm giống tốt;
Sấy hạt còn sống do điều chỉnh dòng khí nóng đầu vào, khí ẩm đầu ra bảo đảm độ ẩm còn 14% thì đạt yêu cầu. Phần không khí có lẫn bụi đi xuyên qua màng lọc bằng vải chuyên dụng, bụi được giữ lại lớp ngoài vải lọc. Không khí sạch đi vào phía trong túi trước khi thải ra môi trường. Tháp sấy dùng năng lượng trấu: Mỗi mẻ 30 tấn cần 900 kg trấu.
Tiếp theo, giải quyết hậu vấn đề sấy lúa, các chuyên gia kỹ thuật cho rằng: Trước khi chuyển sang công đoạn xay xát cần có thiết bị kiểm tra ẩm độ hạt gạo, máy đo độ trắng gạo, máy đo độ dầy lớp phủ bề mặt, máy dò kim…để khẳng định giá trị thang điểm hạt gạo trên thị trường xuất khẩu. |