| Hotline: 0983.970.780

Chó thả rông nghi mắc bệnh dại cắn liên tiếp 3 người

Thứ Sáu 09/05/2025 , 11:25 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Ba người ở xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ bị chó thả rông có dấu hiệu mắc bệnh dại, không rõ chủ cắn lại một lần nữa đặt ra câu chuyện quản lý chó, mèo.

Chiều muộn 8/5, một con chó lạ, không rọ mõm, không dây xích, bất ngờ lao vào đường dân cư tại ấp 3, xã Sông Nhạn (Cẩm Mỹ, tĐồng Nai), cắn liên tiếp 3 người.

Cú cắn đầu tiên nhắm vào chân bà L.T.H. (80 tuổi), khi bà đang từ chợ trở về. Ít phút sau, ông P.T.L., (57 tuổi) cũng bị nó tấn công trong lúc đi lễ chùa. Đáng sợ nhất là lần cắn thứ ba là bé gái N.B.P. (12 tuổi), bị con chó lao vào khi đang chơi trước sân nhà.

Đồng Nai luôn là điểm nóng của dịch bệnh dại tại khu vực phía Nam. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai luôn là điểm nóng của dịch bệnh dại tại khu vực phía Nam. Ảnh: Lê Bình.

Theo người dân sống trong khu vực và lời khai của cả 3 nạn nhân, không ai biết con chó ấy từ đâu đến, của nhà ai, tiêm phòng hay chưa. Con chó thả rông được mô tả là “có biểu hiện hung hăng, chảy dãi, di chuyển bất thường”. Sau khi bị ông L. đuổi đánh, con chó bỏ chạy rồi bị người dân phối hợp bắt giữ, tiêu hủy. Con chó đang được cơ quan chức năng gửi mẫu đi xét nghiệm, xác định chính xác xem có mắc dại hay không.

Sau khi bị chó cắn, 3 nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế địa phương, tiêm huyết thanh kháng dại và vacxin phòng bệnh. May mắn được xử lý kịp thời, cả ba đều trong tình trạng sức khỏe ổn định. Song, theo BS.CK1 Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, đây là sự cố y tế nghiêm trọng vì con chó thả rông, nghi dại không xác định được chủ nuôi, tức là không thể truy vết nguồn bệnh hay khả năng lây lan từ đâu.

Tại hiện trường, chính quyền xã Sông Nhạn đã khoanh vùng bán kính 5km, triển khai tiêm phòng bắt buộc cho toàn bộ đàn chó, mèo. Khu vực con vật đi qua được khử trùng. Tổ thú y xã cho biết, đây là biện pháp phòng ngừa khẩn cấp, vì nếu con chó nhiễm virus dại thật sự, khả năng các con vật khác đã tiếp xúc cũng bị lây nhiễm là rất cao.

Đây không phải lần đầu huyện Cẩm Mỹ xảy ra tình trạng này. Hồi tháng 3 năm nay, xã Nhân Nghĩa từng ghi nhận một ổ dịch chó dại, khi nhiều con chó có hành vi lạ rồi chết bất thường. Cả hai vụ việc đều có điểm chung: chó thả rông, không tiêm phòng, không ai nhận là chủ.

Chó thả rông là vấn nạn chung tại hầu hết các địa phương của tỉnh Đồng Nai, khiến dịch bệnh có nguy cơ lây truyền mạnh. Việc chủ nuôi chó, mèo để vật nuôi thả rông, không rọ mõm và lơ là việc tiêm vacxin ngừa dại… hết sức phổ biến. Thậm chí, không ít người cho rằng như vậy là “tự nhiên” hoặc “quen rồi”. Tuy nhiên, chính sự quen ấy đang gieo mầm cho những thảm kịch y tế tiềm ẩn.

Quy định pháp luật đã rất rõ: chó nuôi phải được tiêm phòng dại định kỳ, không được thả rông, khi ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm và có người dắt. Vi phạm có thể bị xử phạt hành chính đến 3 triệu đồng, nếu gây hậu quả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những năm gần đây, Đồng Nai luôn quyết liệt với việc nâng cao ý thức người dân trong phòng chống bệnh dại như mạnh tay với nạn chó thả rông và phủ vacxin trên đàn chó, mèo. Ảnh: Lê Bình.

Những năm gần đây, Đồng Nai luôn quyết liệt với việc nâng cao ý thức người dân trong phòng chống bệnh dại như mạnh tay với nạn chó thả rông và phủ vacxin trên đàn chó, mèo. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản Đồng Nai, nhiều hộ dân vẫn giữ tâm lý “chó nhà quen người”, “nó hiền lắm, có cắn ai đâu”. Có người còn không biết tiêm phòng dại cho chó là bắt buộc.

“Một số khác thì ngại chi phí, ngại đưa chó đến trạm thú y. Về phía chính quyền, công tác tiêm phòng định kỳ hằng năm có triển khai, nhưng chủ yếu theo hình thức tự nguyện và thiếu kinh phí hỗ trợ. Không ít xã không có thú y viên chuyên trách, việc thống kê số lượng chó, mèo gần như không thực hiện được”, ông Giang chia sẻ.

Một con chó dại, ba nạn nhân, cả trăm người hoang mang. Đó không chỉ là một tai nạn bất ngờ. Nó là hồi chuông cảnh tỉnh. Nếu hệ thống thú y cơ sở tiếp tục mỏng yếu, nếu người dân vẫn chủ quan, nếu chó mèo vẫn chạy rông như chốn không người thì sinh mạng con người dễ dàng bị đe dọa chỉ bởi một cú cào, cắn từ con vật không ai chịu trách nhiệm.

BS.CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm, một khi đã phát bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối. Nạn nhân chỉ có thể sống sót nếu được tiêm phòng sớm sau khi bị phơi nhiễm. Dại lây qua vết cắn, nước dãi, trầy xước tiếp xúc với niêm mạc hoặc máu. Không phải cứ bị cắn chảy máu mới nguy hiểm - chỉ cần liếm vào vết thương hở cũng có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp.

Vì thế, mỗi khi có trường hợp chó nghi dại xuất hiện, ngành y tế lập tức kích hoạt cảnh báo đỏ. Tuy nhiên, biện pháp y tế chỉ là phần ngọn. Cái gốc nằm ở nhận thức cộng đồng và hệ thống quản lý vật nuôi.

Xem thêm
Thủ phủ gà thả vườn phát triển mạnh thêm vật nuôi mới

VĨNH LONG Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm đặt mục tiêu nâng tổng đàn thỏ lên 18-20 ngàn con và trở thành một trong những đối tượng chăn nuôi chủ lực của địa phương.

Dưa hấu được mùa, giá giảm nhưng nông dân vẫn lãi khá

ĐÀ NẴNG Nông dân Hòa Vang (Đà Nẵng) đang vào mùa thu hoạch dưa hấu chính vụ. Nhờ được mùa, năng suất cao nên dù giá giảm bà con vẫn lãi khá.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

Khoa học công nghệ - chìa khóa mở con đường mới cho ngành chè

'Khoa học công nghệ góp phần quan trọng vẽ bức tranh ngành chè Việt Nam', TS Lưu Ngọc Quyến, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nhấn mạnh.

Tạo nền tảng vững chắc trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững

BẮC NINH Tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền pháp luật, tổ chức thả giống thủy sản, huy động cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Để dược liệu dưới tán rừng ‘cất cánh’

Sản xuất dược liệu dưới tán rừng không chỉ là hướng đi tiềm năng mà còn là lời giải bền vững cho sinh kế người dân miền núi nếu được đầu tư bài bản.