Cụ thể, trong khoảng từ 10h - 14h ngày 5/4, ở thôn 6 và 7 của xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu), một con chó thả rông vô chủ, có biểu hiện bất thường như chảy nước dãi, há miệng liên tục và rất hung dữ. Con chó này đã cắn liên tiếp năm người dân địa phương.

Tình trạng chó thả rông còn xảy ra khá phổ biến tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát bệnh dại. Ảnh: Lê Bình.
Nạn nhân bao gồm cả người lớn và trẻ em, trong đó có một bé sinh năm 2019. Người dân đã kịp thời tiêu diệt con chó sau khi nó cắn nhiều người. Tuy nhiên, do xác con vật không còn, ngành thú y không thể lấy mẫu xét nghiệm để xác định có mắc bệnh dại hay không.
Danh sách nạn nhân bao gồm bé N.T.N (sinh năm 2019) và bà N.T.X.H (sinh năm 1982), bà L.T.T.T (sinh năm 1988), bà H.T.T (sinh năm 1983) và ông L.D (sinh năm 1979). Cả năm người đều được đưa đến cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng. Trong đó, ba người đã được tiêm đầy đủ cả huyết thanh kháng dại (SAR) và vacxin phòng dại. Hai người còn lại đã tiêm vaccine và đang tiếp tục được theo dõi.
Ngay sau vụ việc, Trung tâm Y tế thành phố đã báo cáo khẩn cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Cụ thể, ngành y tế phối hợp cùng Trạm Y tế xã Long Sơn và cơ quan thú y rà soát tình hình tiêm phòng dại tại địa phương, vận động người dân có nguy cơ phơi nhiễm đến tiêm phòng và tăng cường tuyên truyền tại khu vực xảy ra vụ việc.
UBND xã Long Sơn cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không thả rông chó, mèo. Đồng thời, chủ nuôi phải chủ động tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi và đến ngay cơ sở y tế khi bị chó, mèo cào, cắn. Trong khi đó, ngành thú y được yêu cầu giám sát chặt chẽ đàn chó mèo trên địa bàn xã, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp nghi mắc bệnh dại, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Vụ việc ở xã Long Sơn thêm một lần nữa cảnh báo nguy cơ tái bùng phát bệnh dại nếu người dân chủ quan, lơ là trong việc tiêm phòng cho vật nuôi và bảo vệ bản thân. Đây là mối nguy hại cho cộng đồng, nhất là Nam bộ đang bước vào mùa nóng, làm tăng nguy cơ bệnh dại dễ bùng phát.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng cường tiêm vaccine ngừa dại cho đàn vật nuôi, nhất là sau khi xuất phát những ổ dịch dại mới. Ảnh: Lê Bình.
Trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại và hàng chục người bị chó, mèo cắn. Dù không bùng phát dịch lớn, nhưng nguy cơ vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng ven biển - nơi người dân còn thói quen thả rông vật nuôi và chưa tiêm phòng định kỳ.
Trong năm qua, toàn tỉnh đã triển khai hơn 30 đợt tiêm phòng dại cho chó, mèo và nhiều đợt truyền thông lưu động, phát tờ rơi, treo băng rôn để nâng cao nhận thức cộng đồng. Tuy vậy, công tác quản lý đàn chó, mèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, chưa có biện pháp chế tài mạnh với các trường hợp vi phạm quy định nuôi, giữ vật nuôi.
Ngành y tế và thú y địa phương nhấn mạnh, để đẩy lùi bệnh dại, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, cơ quan chuyên môn và từng hộ dân. Bởi chỉ cần một con chó mắc bệnh nhưng không được kiểm soát, hậu quả có thể lan rộng và nguy hiểm đến tính mạng con người
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, tỷ lệ tử vong gần như 100% nếu không xử lý kịp thời. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin và các biện pháp chăm sóc y tế đúng cách.
Để chủ động phòng chống, ngành y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ và nhắc lại hằng năm, không thả rông vật nuôi, khi ra đường cần rọ mõm chó. Khi bị chó, mèo cắn hoặc cào, cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy liên tục với xà phòng trong ít nhất 15 phút, sát khuẩn bằng cồn hoặc iod, sau đó đến cơ sở y tế để được tiêm phòng.
Trẻ em, đối tượng dễ bị tấn công và ít biết cách phòng vệ, cần được người lớn hướng dẫn kỹ cách ứng xử với chó, mèo và phải được đưa đi khám ngay nếu bị cắn, tuyệt đối không chữa mẹo hay dùng các biện pháp dân gian.