
Người dân đưa chó mèo đến điểm tiêm vacxin phòng bệnh dại tập trung tại nhà văn hoá khu dân cư. Ảnh: Vũ Cường.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố Uông Bí vừa có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường và Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại, diễn ra từ 15/3/2025 đến 15/4/2025.
Trọng tâm của chiến dịch là quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi và thực hiện tiêm phòng vacxin đầy đủ, triệt để, nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh bệnh dại, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.
Bà Ngô Thị Tân Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố cho biết: Tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn hiện ước chừng có trên 8.000 con; tập trung nhiều ở các phường Vàng Danh, Trưng Vương, Phương Nam, Phương Đông…
UBND Thành phố đã yêu cầu rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi và số lượng chó, mèo tại từng khu dân cư để quản lý và tiêm phòng vacxin dại triệt để.
Yêu cầu các hộ nuôi cam kết khai báo, đăng ký chó nuôi, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, xích giữ chó và chấp hành quy định phòng, chống bệnh dại theo Luật Thú y và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vacxin dại, đảm bảo tối thiểu 90% đàn chó, mèo được tiêm chủng và tiêm bổ sung cho các trường hợp phát sinh.
Cùng với đó, các xã phường tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý vật nuôi, đặc biệt là tiêm vacxin phòng dại và điều trị dự phòng khi bị chó, mèo cắn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc nuôi, quản lý vật nuôi; làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
"Dịch bệnh dại luôn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ổ dịch. Cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của các cơ quan hữu quan, mỗi chủ nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vật nuôi, thực hiện tiêm vacxin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi.
Đối với các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại, người bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cào, cắn, người dân phải nhanh chóng thông tin đến Trung tâm Y tế, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố và UBND xã, phường nơi xảy ra vụ việc để được hướng dẫn tiêm phòng và có các biện pháp xử lý.
Việc triển khai đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh dại sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ an toàn, sức khỏe cho cộng đồng", bà Ngô Thị Tân Hợp khuyến cáo.

Cán bộ thú y thành phố Uông Bí tiêm vacxin phòng dại cho chó. Ảnh: Vũ Cường.
Trước đó, tháng 9/2023, cháu V.Đ.T., sinh năm 2016, trú tại khu Đền Công 1, phường Trưng Vương (thành phố Uông Bí) bị chó nhà ông Đ.V.T. (chó chưa tiêm phòng dại) cắn vào cẳng tay trái, 2 vết cắn rách sâu, chảy nhiều máu. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí xử lý khâu vết thương và tiêm phòng uốn ván. Trong thời gian nằm viện, từ ngày 26/09, bệnh nhân được tiêm phòng dại 3 mũi vacxin Verorab tại phòng tiêm chủng vacxin dịch vụ tại Uông Bí; không tiêm huyết thanh kháng dại.
Ngày 01/10, bệnh nhân ổn định, gia đình xin ra viện, gia đình cho trẻ đi thử dại và điều trị bằng thuốc nam tại Hải Dương. Đến ngày 10/10, trẻ xuất hiện sốt cao trên 39 độ, đau đầu; nhập viện khoa Nhi - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng sốt, lơ mơ, không co giật không sợ nước, không sợ ánh sáng và được chẩn đoán viêm màng não theo dõi do virus, chưa loại trừ bệnh dại. Đến 16h ngày 12/10, bệnh nhân chuyển biến nặng dần, được chuyển lên viện Nhi Trung ương.
Tại Khoa điều trị tích cực - Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng co giật, sợ tiếng ồn, sợ nước, tăng tiết đờm dãi, chẩn đoán Viêm màng não nghi do dại. Ngày 13/10, lấy mẫu xét nghiệm virus dại lần 1 kết quả âm tính; ngày 14/10, bệnh nhân viêm cơ tim được điều trị an thần, giãn cơ, thở máy. Bệnh nhân vẫn có các triệu chứng của cơn dại, Bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm dại lần 2. Ngày 15/10, tình trạng bệnh của bệnh nhân diễn biến xấu, tiên lượng rất nặng và đến 22h22p cùng ngày, bệnh nhân tử vong tại nhà.