| Hotline: 0983.970.780

Cây mắc ca ở Lào Cai hiệu quả chưa rõ ràng

Thứ Ba 25/07/2023 , 15:40 (GMT+7)

Một số địa phương ở Lào Cai người dân tự phát trồng cây mắc ca, có nơi cho thu hoạch, nhưng có nơi hiệu quả chưa như mong muốn.

Cây mắc ca của nông dân xã Bản Lầu bước đầu cho thấy hiệu quả. Ảnh: Hải Đăng.

Cây mắc ca của nông dân xã Bản Lầu bước đầu cho thấy hiệu quả. Ảnh: Hải Đăng.

Xã Bản Lầu của huyện Mường Khương (Lào Cai) hiện đã có hàng chục ha mắc ca do người dân trồng tự phát. Theo người dân, khí hậu và đất đai ở đây cho thấy khá phù hợp với loại cây này nên mắc ca sinh trưởng phát triển khá tốt.

Ông Lừu Phừ ở thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu cho hay, diện tích mắc ca của gia đình ông trồng cách đây 8 năm đã bước đầu cho thu hoạch. Ông Phừ cho biết chăm sóc loại cây này không khó và không mất nhiều công sức nhưng lại cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây khác.

Chưa vào chính vụ thu hoạch nhưng cây mắc ca của ông Lừu Phừ quả đã sai trĩu và khá to. Khi ăn hạt mắc ca có độ giòn, tươi và ngọt, mùi thơm đặc trưng.

Ông Lừu Phừ cho biết, cây mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” của vùng Tây Nguyên nhưng không ai nghĩ sẽ trồng được ở Bản Lầu. Hiện gia đình ông có khoảng 500 gốc mắc ca, trong đó khoảng 300 cây đã hơn 8 năm tuổi, số còn lại mới trồng được hơn 1 năm. 

“Vụ đầu tiên ra quả bói chỉ lác đác, gia đình tôi chỉ thu được 2 tạ quả, thế nhưng năm sau sản lượng quả tăng vọt, trừ chi phí gia đình tôi thu được khoảng 70 triệu đồng”, ông Lừu Phừ nói.

Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết, diện tích mắc ca tại xã hiện có khoảng trên 30ha, chủ yếu do người dân tự phát trồng ở thôn Na Lốc 1, 2 và 3, chưa có chính sách hỗ trợ. 

Đến nay, có những hộ tự trồng cách đây khoảng 8 năm đã cho thu hoạch quả được 1 - 2 vụ. Diện tích mắc ca của những hộ đã cho thu hoạch hiện mới khoảng 0,3ha. Thấy có hiệu quả nên 2 - 3 năm gần đây, người dân trên địa bàn xã tiếp tục trồng tự phát lên tới 30ha.

"Về chăm sóc, người dân sau khi thu hoạch quả có làm cỏ, tỉa cành và khi ra hoa bà con bón phân lân. Tuy nhiên, việc chăm sóc mới chỉ dừng ở cách làm truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản. Ngoài ra, cũng chưa có cơ quan chuyên môn nào hướng dẫn bà con để cây mắc ca ra hoa đậu quả tốt”, ông Nguyễn Văn Mão nói. 

Cây mắc ca tại khu vực xã Vạn Hòa (TP Lào Cai) cho quả lác đác, chưa thấy rõ hiệu quả. Ảnh: Hải Đăng.

Cây mắc ca tại khu vực xã Vạn Hòa (TP Lào Cai) cho quả lác đác, chưa thấy rõ hiệu quả. Ảnh: Hải Đăng.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương chia sẻ, huyện chưa có kế hoạch đưa cây mắc ca vào định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Qua khảo sát, đánh giá, cây mắc ca cũng chưa đạt được năng suất mong muốn, đặc biệt đầu ra của loại quả này hiện chủ yếu do bà con tự bán lẻ vì số lượng ít, chưa có doanh nghiệp liên kết, bao tiêu đầu ra. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện không khuyến khích người dân phát triển ồ ạt cây mắc ca.

Được biết, tại tỉnh Lào Cai có trồng khảo nghiệm mắc ca một số nơi tại các xã Nậm Pung, Y Tý (huyện Bát Xát) và xã Tả Phời, Vạn Hòa (TP Lào Cai). Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa tuyết, diện tích mắc ca tại huyện Bát Xát đã hư hại hoàn toàn. Còn diện tích mắc ca tại TP Lào Cai cây sinh trưởng bình thường, có trổ hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp. 

Tại trang trại của Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan thuộc xã Vạn Hòa (TP Lào Cai) cách đây 5 năm, Công ty trồng khoảng 11 nghìn cây giống mắc ca trên diện tích khoảng 20ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 10ha loại cây này.

Cây mắc ca tại đây tỷ lệ đậu quả rất thấp, mặc dù cây sinh trưởng phát triển bình thường. Theo người quản lý, cuối năm nay, Công ty sẽ bón thúc để kích quả cho cây để đánh giá hiệu quả của loại cây này đến đâu. Mặc dù cây được trồng rất bài bản tuy nhiên hiệu quả mang lại tới nay chưa đạt được như kỳ vọng.

Được biết, từ năm 2016, Bộ NN-PTNT phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. Và Lào Cai không nằm trong quy hoạch phát triển loại cây trồng này trong khu vực các tỉnh Tây Bắc.

Tại Lào Cai đến nay cũng chưa có đánh giá, nghiên cứu cụ thể của ngành chuyên môn về cây mắc ca. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 120ha cây mắc ca, một số diện tích đã cho thu hoạch quả.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã lên kế hoạch, liên hệ với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để khảo sát, đánh giá các điều kiện phát triển loại cây này tại một số vùng của địa phương.

Điều kiện tự nhiên của xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) là vùng đất nâu xám, nằm lệch Tây nhiều nên giai đoạn tháng 2 - 3 thời tiết khô nóng... Mặt khác, tại khu vực bà con trồng mắc ca có độ cao khoảng 300m so mức nước biển. Tại khu vực này, cây mắc ca phát triển và đã cho thu hoạch.

Trong khi đó, thời tiết tại khu vực xã Vạn Hòa (TP Lào Cai, trước đây thuộc huyện Bảo Thắng) lệch Đông nhiều nên thời tiết tháng 2 - 3 nồm ẩm, đặc biệt nhiệt độ giai đoạn tháng 5 - 6 rất cao, có thể trên 40 độ C... Cây mắc ca trồng tại khu vực này chưa thấy hiệu quả.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Chống dịch tả lợn Châu Phi: Chính sách đã đủ, chỉ thiếu sự quyết liệt

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, tại Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và công tác kiểm soát giết mổ động vật sáng 23/7.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất