Được mùa mất giá
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cao Lộc, cà chua được trồng chủ yếu ở các xã: Lộc Yên, Tân Liên và Gia Cát với diện tích khoảng 55 ha, trong đó Tân Liên trồng nhiều nhất với 33 ha.
Bắt đầu bước vào vụ thu hoạch được khoảng 2 tuần nay, song giá cà chua hiện chỉ khoảng 1.500 đồng đến 3.000 đồng/kg. Còn giá bán lẻ tại các chợ cao nhất cũng chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Giá quá thấp khiến người trồng không mặn mà với việc thu hái.

Cà chua chính nhưng giá xuống thấp khiến người trồng không buồn thu hái. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
Thấy giá cà chua năm ngoái ở mức cao từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, nên vụ năm nay, chị Lăng Thị Duẩn (thôn Bản Dọn, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc) mở rộng diện tích trồng, tăng từ 500 cây lên hơn 2.000 cây. Bước vào vụ thu hoạch đã chục ngày nay, mặc dù được mùa, quả cà chua to, đẹp hơn năm ngoái, nhưng hiện chị chỉ bán được ở mức giá 2.000 đồng/kg, có lúc thì chỉ được từ 500 đồng đến 1.000 đồng, thậm chí không có thương lái vào thu mua.
“Năm ngoái trồng khoảng 500 cây, thu hoạch được 20 triệu đồng. Năm nay giá thấp quá, có lúc mang ra chợ cũng không bán nổi. Bây giờ cứ để rụng thế này thôi, buồn lắm”, chị Duẩn thở dài cho biết.
Tương tự, năm nay, ông Thi Văn Huấn (thôn Bắc Đông 2, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) đầu tư trồng hơn 2 sào cà chua. Tưởng rằng sau một thời gian vất vả chăm bón, đến vụ thu hoạch, cà chua được giá như năm ngoái, ông sẽ có được một nguồn kinh phí để trang trải cuộc sống.
Nhưng với giá bán như hiện nay, nguy cơ mất trắng sau cả một vụ vất vả đã hiện hữu. Giờ ông chỉ còn biết lựa chọn những quả to, đẹp nhất để đem ra chợ bán nhằm vớt vát được một chút tiền mua phân bón mà mình đã bỏ ra.
“Nhìn ruộng cà chua này tôi chỉ muốn khóc, vì công sức, tiền của bỏ ra nhiều. Sáng nay tôi mang hơn 1 tạ ra chợ bán mà chỉ thu về được hơn 150.000 đồng. Tính từ đầu vụ đã bán cả tấn rồi nhưng chỉ thu về khoảng 1 triệu đồng, không đủ tiền mua phân bón”, ông Huấn ngậm ngùi cho hay.

Vụ cà chua năm nay được mùa nhưng ông Thi Văn Huấn chưa kịp mừng đã phải lo vì giá rớt thê thảm. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
Cần liên kết sản xuất, ký kết bao tiêu sản phẩm
Theo những người trồng cà chua, một vụ phải bỏ ra khá nhiều chi phí cho việc cải tạo đất, cây giống, phân bón, công chăm sóc và làm giàn (trung bình mỗi sào tốn từ 3 đến 5 triệu đồng), chưa kể việc tưới tiêu vào mùa đông cũng gặp nhiều khó khăn. Với mức giá rất thấp như hiện nay thì việc thu hồi vốn là không thể.
Một số tiểu thương thu mua cà chua ở khu vực Lộc Yên, Gia Cát cho hay, năm nay ở các tỉnh đồng bằng, cà chua cũng được mùa nên các thương lái không còn lên miền núi thu mua như trước, đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà chua xuống thấp.
Nhằm hỗ trợ phần nào việc tiêu thụ cà chua cho bà con và giảm thiểu thiệt hại, chính quyền các xã đã và đang phối hợp với các thương lái duy trì một số điểm thu gom tập trung, đồng thời hướng dẫn các hộ cách bảo quản, mang đi các chợ trên địa bàn tỉnh tiêu thụ.
Theo ông Dương Trung Hiếu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cao Lộc, việc trồng cà chua tại các địa phương vẫn mang tính tự phát, người trồng chủ yếu bán cho thương lái theo hình thức tự do, thiếu hợp đồng bao tiêu, chưa tiếp cận được hệ thống phân phối lớn. Khi thị trường “đứt gãy”, người trồng hoàn toàn bị động.

Các địa phương hiện đang duy trì điểm thu mua tập trung, giúp giảm thiểu thiệt hại cho bà con. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, Phòng cũng đã chủ động rà soát, tìm hiểu một số cơ sở chế biến nông sản để tìm kiếm đầu mối thu mua. Tuy nhiên việc kết nối vẫn còn khó khăn do trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có rất ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản.
“Về lâu dài, chúng tôi khuyến cáo các địa phương và người dân xúc tiến việc hình thành các nhóm hộ liên kết sản xuất, có ký liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã nông sản. Cùng với đó, người dân cũng cần xây dựng quy trình sản xuất an toàn như: trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,... để nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ một cách bền vững”, ông Hiếu cho hay.