| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Thái Nguyên nổi bật nhờ công nghệ:

Bài 1: Định hình bằng tự động hóa

Thứ Hai 12/05/2025 , 20:12 (GMT+7)

Hệ số chuyển đổi thức ăn (Feed Conversion Ratio) cải thiện nhờ quy trình chăn nuôi tự động hóa từ cho ăn, uống nước, pha thuốc, điều khiển nhiệt độ, đến quản lý môi trường.

Anh Nguyễn Hồng Phong giới thiệu về hệ thống pha và cấp nước, thuốc tự động. Ảnh: Quang Linh.

Anh Nguyễn Hồng Phong giới thiệu về hệ thống pha và cấp nước, thuốc tự động. Ảnh: Quang Linh.

Áp dụng công nghệ cao hướng đến tự động hóa toàn diện

Tọa lạc tại Thái Nguyên, nơi chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trang trại gà của anh Nguyễn Hồng Phong (xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ) áp dụng công nghệ cao đang nổi lên như một điểm sáng đổi mới.

Trang trại không chỉ là bước tiến trong chăn nuôi quy mô lớn mà còn là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Hồng Phong không phải là người tay ngang trong lĩnh vực chăn nuôi. Anh xuất thân là một bác sĩ thú y, được đào tạo bài bản tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, với 16 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty chăn nuôi lớn, cả trong và ngoài nước. Những năm tháng ấy đã cho anh kiến thức sâu rộng về kỹ thuật chăn nuôi, quản lý đàn, phòng dịch và đặc biệt là khả năng nhìn thấy xu hướng phát triển bền vững trong ngành.

Năm 2017, anh quyết định trở về quê hương, bắt tay xây dựng một trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao với kỳ vọng vừa tạo ra mô hình kinh tế hiệu quả, vừa giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Chỉ sau hơn một năm xây dựng, đến tháng 5/2018, trang trại chính thức đi vào hoạt động.

Trang trại quy mô 36.000 con cho mỗi lứa. Ảnh: Quang Linh.

Trang trại quy mô 36.000 con cho mỗi lứa. Ảnh: Quang Linh.

 

Với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, trang trại của anh Phong gồm 4 chuồng nuôi, mỗi chuồng chứa khoảng 9.000 con gà, quy mô đàn lên 36.000 con cho mỗi lứa. Điều đặc biệt là toàn bộ chuồng trại được xây dựng theo mô hình công nghệ cao đầu tiên của  Chi nhánh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam miền Bắc, với mức độ tự động hóa gần như hoàn toàn.

Tại đây, hầu hết các khâu trong quy trình chăn nuôi đều đã được tự động hóa: từ cho ăn, uống nước, pha thuốc, điều khiển nhiệt độ, đến quản lý môi trường chuồng trại. Nhờ đó, trang trại chỉ cần 4 nhân công để vận hành toàn bộ hệ thống, giảm hơn một nửa so với mô hình truyền thống.

Hệ thống cho ăn, uống được tự động hóa giúp tiết kiệm đáng kể thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Hệ thống cho ăn, uống được tự động hóa giúp tiết kiệm đáng kể thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Trước đây, việc cho gà ăn cám là một khâu thủ công, tốn sức và không chính xác. Công nhân phải vác cám, đổ từng máng, vừa mất thời gian, vừa xảy ra tình trạng rơi vãi, lãng phí. Giờ đây, toàn bộ quy trình được vận hành bằng hệ thống cảm biến: chỉ cần đổ cám vào kho chứa ngoài chuồng, hệ thống sẽ tự động dẫn cám đến từng máng ăn.

Lượng cám được phân phối đều, đúng lúc, và gần như không có hao hụt giúp cải thiện đáng kể hệ số chuyển đổi thức ăn FCR (Feed Conversion Ratio).

Nếu trước đây, để tăng 1kg trọng lượng gà cần 1,75kg cám, nay chỉ cần 1,6 - 1,65kg cám. Với mỗi con gà trung bình nặng 3,5 kg, trang trại tiết kiệm 0,35 kg cám/con, tương đương hơn 4.000 đồng.

Nhân với 36.000 con, tổng chi phí tiết kiệm lên đến 144 triệu đồng mỗi lứa, một con số rất ấn tượng.

Tương tự, hệ thống nước uống cũng được thiết kế tự động với van áp lực và cảm biến lưu lượng, đảm bảo gà luôn được cung cấp đủ nước sạch. Đặc biệt, hệ thống pha thuốc tự động giúp khắc phục hoàn toàn nhược điểm của phương pháp thủ công.

“Trước kia, công nhân thường pha không đúng liều lượng, quá đặc hoặc quá loãng, khiến gà bị sốc, thậm chí tử vong. Nay chỉ cần chuẩn bị một lượng thuốc đậm đặc, máy sẽ tự động hút, khuấy đều và pha loãng theo tỷ lệ chính xác, đưa đến từng vòi uống. Nhờ đó, gà hấp thụ thuốc đều, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả điều trị, phòng bệnh”, anh Phong chia sẻ.

Máy phát điện mới được anh Phong đầu tư để phòng trường hợp mất điện đột ngột. Ảnh: Quang Linh.

Máy phát điện mới được anh Phong đầu tư để phòng trường hợp mất điện đột ngột. Ảnh: Quang Linh.

Sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp

Gia cầm, đặc biệt là gà thịt, cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ môi trường. Trang trại anh Phong sử dụng hệ thống điều nhiệt tự động gồm hai nguồn nhiệt chính gồm: Lò đốt than kết hợp cảm biến điều khiển nhiệt; Máy sưởi bằng gas công nghệ Mỹ (heater), vận hành thông qua cảm biến nhiệt độ.

Người quản lý chỉ cần cài đặt nhiệt độ theo từng giai đoạn tuổi của gà, hệ thống sẽ tự động kích hoạt thiết bị sưởi khi nhiệt độ xuống thấp, và ngắt khi đạt ngưỡng. Điều này giúp gà không bị sốc nhiệt, từ đó phát triển ổn định, giảm tỷ lệ chết.

Bên cạnh đó, hệ thống quạt thông gió và làm mát bằng nước cũng được lập trình tự động. Khi nhiệt độ trong chuồng vượt ngưỡng, quạt và máy bơm nước sẽ hoạt động kết hợp để hạ nhiệt. Không khí trong chuồng luôn được lưu thông, giúp gà khỏe mạnh, tránh hiện tượng ngạt khí hoặc ẩm thấp.

Với mức độ tự động hóa cao, hệ thống điện là huyết mạch của toàn bộ chuỗi vận hành. Do đó, anh Phong đầu tư 3 máy phát điện dự phòng công suất từ 75 kW đến 150 kW. Những thiết bị này giúp trang trại duy trì hoạt động liên tục, ngay cả khi mất điện.

“Đợt lũ lụt năm 2024, trang trại mất điện suốt 5 ngày. Nếu không có máy phát, chắc chắn sẽ thiệt hại lớn. Chúng tôi đã tiêu tốn gần 1.000 lít dầu, nhưng bù lại, không để mất một con gà nào”, anh Phong kể lại.

Bên cạnh các tiến bộ kỹ thuật, trang trại cũng áp dụng nghiêm ngặt các quy trình an toàn sinh học: kiểm soát người ra vào, khử trùng phương tiện, sát khuẩn khu vực tiếp nhận thức ăn và sản phẩm. Từ ngày áp dụng quy trình mới, trang trại chưa từng ghi nhận đợt dịch bệnh nghiêm trọng nào

Ngoài ra, trang trại cũng tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo vùng đệm lót sinh học bằng cách kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh đã mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi.

Trang trại được khử khuẩn và cách ly trước khi nhập đàn mới. Ảnh: Quang Linh.

Trang trại được khử khuẩn và cách ly trước khi nhập đàn mới. Ảnh: Quang Linh.

Cụ thể, đàn gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học sẽ khỏe mạnh, ít bệnh tật, phát triển đồng đều hơn. Đàn gia cầm cũng sẽ tăng trọng nhanh hơn do được tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn. Sau mỗi lứa nuôi, trang trại sẽ thu gom lớp đệm lót sinh học để làm phân hữu cơ rồi bán cho các hộ trồng cây ăn quả.

Với anh Phong, việc đầu tư vào công nghệ không chỉ để giảm chi phí, tăng hiệu quả, mà còn để giải phóng sức lao động, tăng sự chủ động. Anh có thể giám sát toàn bộ hệ thống từ xa, phát hiện và xử lý sự cố kịp thời thông qua hệ thống cảnh báo tự động.

Trang trại của anh Phong hiện đang là mô hình điểm của huyện Đồng Hỷ và tỉnh Thái Nguyên trong xây dựng nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ tạo việc làm cho người dân, trang trại còn là nơi để các hộ chăn nuôi khác đến tham quan, học tập. Đây là minh chứng sống động cho giá trị mà công nghệ mang lại trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Trong thời đại biến đổi khí hậu, dịch bệnh và áp lực chi phí ngày càng lớn, chăn nuôi theo hướng tự động hóa - an toàn - bền vững chính là con đường đúng đắn.

“Công nghệ giúp loại bỏ yếu tố cảm tính của con người. Thay vì phụ thuộc vào tay nghề công nhân, mình đặt niềm tin vào hệ thống chính xác, nhất quán. Tôi mong muốn chia sẻ mô hình này rộng rãi hơn, để người dân thấy được lợi ích thật sự khi làm chăn nuôi theo hướng hiện đại, khoa học. Không thể mãi dựa vào sức người và kinh nghiệm truyền thống nếu muốn phát triển bền vững”, anh Phong chia sẻ.

Xem thêm
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 4] EVFTA và ưu thế thuế 0%

Xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu cho hàng Việt Nam là cam kết cao nhất EU từng dành cho đối tác trong các hiệp định thương mại đã ký.

Lao động, thực tập sinh nước ngoài về nước cơ hội việc làm luôn rộng mở

GIA LAI Rất nhiều việc làm hấp dẫn dành cho người lao động không chỉ ở thị trường trong nước mà còn đi nước ngoài làm việc một cách chính thống.

Tập đoàn TH chính thức vận hành nhà máy sữa tươi tại Liên bang Nga

Ngày 11/5, Tập đoàn TH chính thức vận hành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại Liên bang Nga, đánh dấu những hộp sữa TH true MILK đầu tiên sản xuất ở Nga.

Thúc đẩy tín dụng xanh ‘mở đường’ chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp

Thúc đẩy tín dụng xanh hỗ trợ sự hình thành, nhân rộng các khu công nghiệp xanh, góp phần để Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.