| Hotline: 0983.970.780

Xứ Thanh đang đói

Thứ Năm 29/05/2008 , 09:30 (GMT+7)

Chúng tôi về đến thôn 8, nhìn căn nhà thấp lè tè của anh Lê Văn Thao mới cảm thấy xót xa. Anh Thao cùng vợ đang oằn lưng, ngụp sâu dưới cái ao làng để lấy thêm đất bùn trát tường nhà, chuẩn bị “đối phó” mùa mưa bão sắp tới.

Bài 1: Ông trưởng phòng chỉ đạo giảm tỷ lệ nghèo

Xã bảo dân đói, tỉnh bảo không

Em Hoá vì đói mà người gầy teo, đang xe lõi cói giúp bố mẹThực hiện công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, ngày 8/5, UBND huyện Nga Sơn có văn bản gửi cấp trên xin hỗ trợ gạo cho nhân dân bị đói gay gắt. Văn bản do Chủ tịch UBND huyện Mai Bá Luyến ký ghi rõ: “UBND huyện Nga Sơn đã tổ chức rà soát đời sống nhân dân tại các xã trong huyện. Kết quả có 21.524 hộ với 57.791 nhân khẩu trong tình trạng đói gay gắt xin cấp trên tiếp tế gạo”. Như vậy, Nga Sơn có đến 61% hộ trong toàn huyện bị đói giáp hạt.

Nhận được văn bản đề nghị của huyện Nga Sơn, Sở LĐTB- XH đã về địa phương này tìm hiểu đời sống của dân. Tuy nhiên với cách kiểm tra “cưỡi ngựa xem hoa” trong số 27/29 xã, thị trấn huyện đề nghị được cứu trợ, đoàn chỉ đến kiểm tra xã Nga Bạch bằng phương pháp “làm nhanh tính xác suất” rồi ấn định tỷ lệ hộ đói cho xã.

Theo ông Lê Văn Lữa- Trưởng phòng Bảo trợ thuộc Sở LĐTB- XH thì chỉ trong một buổi sáng, đoàn kiểm tra được khoảng ba chục nhà. Ông Lữa cho hay: “Đoàn kiểm tra 30 hộ thì thấy có 3 gia đình cần phải cứu tế, số còn lại các hộ có thể kiếm được 10 đến 15 ngàn đồng/ngày nên không thể gọi là cứu tế được. Chính vì thế chúng tôi đã chỉ đạo cho xã làm lại báo cáo, giảm tỷ lệ hộ đói gay gắt của xã xuống 10%” (!?).

Gia đình anh Thao trong túp lều rách nátXã Nga Bạch hiện có 110/290ha đất nông nghiệp. Chính vì thế toàn xã chỉ có 630/1.908 hộ có ruộng. Ông Mai Văn Giảng- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Bình quân mỗi khẩu 330 m2, năng suất lúa đạt 2 tạ/sào. Số hộ còn lại tham gia làm thủ công nghiệp. Nghề của họ là mua cây cói về xe ra lõi rồi bán sang Trung Quốc. Nhưng mấy năm lại nay, thị trường cây cói biến động trong khi cói thì luôn rớt giá, mà làm ra cũng khó bán”.

Vậy thì thử hỏi nhà có từ 3- 5 khẩu chỉ kiếm được 10- 15 ngàn/ngày liệu có đủ tiền đong gạo để ăn hay không? Ngoài ra hiện cả xã còn nợ ngân hàng gần 20 tỷ đồng. Một tháng mà cắt điện hơn chục ngày thì 15 ngày còn lại làm không đủ tiền mua gạo, trong khi ngân hàng đến tháng lại hỏi tiền lãi suất. Cho nên, cách chỉ đạo của ông Lê Văn Lữa chẳng khác nào “cướp cơm” dân nghèo.

Những cảnh đời cơ cực

Khi chúng tôi về đến thôn 8, nhìn căn nhà thấp lè tè của anh Lê Văn Thao mới cảm thấy xót xa. Lúc đó, anh Thao cùng vợ đang oằn lưng, ngụp sâu dưới cái ao làng để lấy thêm đất bùn trát tường nhà, chuẩn bị “đối phó” mùa mưa bão sắp tới. Lam lũ làm ăn quanh năm, nhà không có ở, ruộng cũng không nên anh Thao phải đi làm nghề cá cho các tàu lớn, kiếm được dăm ba chục về nuôi vợ con cho qua ngày. “An cư mới lạc nghiệp”- các cụ bảo quả không sai. Thế nhưng một quân nhân xuất ngũ sau hai chục năm vẫn chẳng kiếm được miếng đất cắm dùi thì thử hỏi anh Thao có đáng xếp vào diện phải cứu đói không?

Cái ao của làng rộng khoảng 500m2 vốn dĩ cỏ mọc quanh năm, anh bàn với vợ xin chính quyền địa phương cho đắp thành nền để dựng cái lán ở tạm, để còn có nơi đi ra đi vào. Cuối năm 2006, anh chị dựng căn nhà với diện tích chỉ vỏn vẹn chưa đầy 18m2. Mọi sinh hoạt cá nhân của 5 con người đều tập trung trong đó. Nhà được trát bùn. Tài sản trong nhà ngoài cái mô tơ xe lõi, hai cái nồi và một chiếc giường con thì không có gì để liệt kê nữa. Chính vì thế anh chị cũng không vay được tiền ngân hàng, kể cả ngân hàng CSXH. Còn vay nợ ngoài thì lãi suất rất cao, vay nợ nóng không có trả rồi cũng thành nợ nguội…

Nhà ông Nguyễn Văn Kỳ- thôn 1 cũng không hơn gia cảnh nhà anh Thao. Trong căn nhà chật hẹp, vợ chồng ông Kỳ phải lam lũ, xe cói cật lực suốt ngày từ sáng đến tối, từ tối về khuya, nhiều đêm không ngủ để làm cho được vài chục cân cói có tiền đong gạo cho cả 10 miệng ăn. Vì nhà nghèo, không có gạo ăn, tiền học không có nên em Nguyễn Văn Quân, đứa con trai thứ 6 của ông Kỳ phải nghỉ học giữa chừng.

Ông Kỳ chỉ tay vào đứa con út là Nguyễn Văn Hoá đang se cói ngoài sân nói: “Thằng anh vừa nghỉ, chứ thằng em rồi cũng phải nghỉ học thôi. Tôi đã gặp thầy giáo đến 5 lần để xin miễn giảm đóng tiền cho con nhưng xem ra rất khó”. Được biết nhà ông Kỳ có 7 người con thì đã có 5 đứa phải nghỉ học giữa chừng khi chưa biết cổng trường cấp II. Vợ ông Kỳ là bà Vũ Thị Thuận ủ rũ: “Hiện nhà tôi còn mắc nợ ngân hàng 5 triệu đồng và 6 triệu của các cá nhân với lãi suất 20- 30%/tháng”.

Cả hai gia đình này đều cho biết, là đoàn kiểm tra của Sở LĐTB- XH không đến thực tế tại nhà họ để nắm bắt tình hình đời sống thực hư.

Không thể liệt kê hết 1.000/1.908 hộ với 4.000 nhân khẩu của 9 thôn trong xã Nga Bạch đang đối mặt với đói. Tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Thanh Hoá cũng hết sức kiên quyết và nhạy bén trong vấn đề này. Thế mà không hiểu sao vai trò của đơn vị tham mưu là Sở LĐTB- XH lại có thể chỉ đạo cho Nga Bạch và một số xã của huyện Nga Sơn phải điều chỉnh con số thực về tình hình đói giáp hạt của người dân?

--------------------

Theo dòng...

Gửi về Quốc hội: Xã có tới 95% hộ đói!
Gửi về Quốc hội: Sơn Động đói!
''Làng đói'' bên phá Tam Giang
Nghệ An: Học sinh bỏ học ồ ạt vì nghèo đói
Tháng ba ngược Tây Bắc (2): Đói giữa vựa lúa
Tháng ba ngược Tây Bắc: Sống đói nghèo trên di sản văn hoá
Mai Châu, cái đói lẩn trong mây mù
Bài 2: Đói cơm, thèm rau
Bình Mỹ: Cái đói lơ lửng trên đầu
''Làng chị Dậu” xứ Thanh...

Xem thêm
Hà Nội đối mặt nhiều thách thức về an toàn thực phẩm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội, hàng loạt vấn đề nổi cộm đã được đặt trong công tác quản lý ATTP.

Bình luận mới nhất