Theo Thường trực HĐND TP, Hà Nội đã nỗ lực chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng thực tế cho thấy những hạn chế rõ rệt, đặc biệt là trong nguồn gốc, quy trình sản xuất, lưu thông, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Với hơn 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, phần còn lại phụ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh và nhập khẩu, gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Việc triển khai mạng lưới giết mổ tập trung theo Quyết định số 761 ngày 17/2/2020 của UBND TP chưa đạt yêu cầu đề ra.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: Lê Hải.
Trong số 8 cơ sở giết mổ công nghiệp được phê duyệt, chỉ có 5 cơ sở đang hoạt động thường xuyên. Tương tự, chỉ 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, xây dựng và đi vào sản xuất, nhưng hoạt động cầm chừng với công suất trung bình chỉ đạt gần 40%. Điều đáng nói là dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ năm 2017, lại chưa được đưa vào vận hành sau hơn 8 năm. Sự lãng phí nguồn lực này đã được HĐND TP chất vấn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong khi các cơ sở giết mổ hiện đại bị "treo" hoặc hoạt động kém hiệu quả, thì Hà Nội vẫn tồn tại 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư. Các cơ sở này hoạt động không được kiểm soát chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các làng nghề chế biến thực phẩm cũng đang trở thành mối lo lớn. Nhiều làng nghề không tuân thủ quy trình sản xuất, xả thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt là nước thải và bã thải từ các hộ làm tinh bột tại khu vực huyện Hoài Đức (cũ) đổ thẳng ra sông Đáy mà không qua xử lý. Nguồn nước ô nhiễm này lại trở thành nước tưới cho nhiều vùng trồng rau trên địa bàn TP, tạo nên một vòng luẩn quẩn đầu độc thực phẩm ngay từ khâu sản xuất.

Đại biểu Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao đổi tại phiên chất vấn. Ảnh: Lê Hải.
Tình trạng chợ cóc, điểm kinh doanh tự phát cũng là một thực tế nhức nhối. Toàn thành phố vẫn còn tồn tại và phát sinh 85 điểm kinh doanh tự phát, như khu chợ tạm gần Ngã Tư Sở tràn ra lòng đường, buôn bán rau xanh, thịt cá, gia cầm khó kiểm định chất lượng, ATTP. Dù các lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp bỏ, nhưng "đâu lại vào đấy". Mặc dù có kế hoạch xây mới 55 chợ và cải tạo 97 chợ giai đoạn 2021-2025, tiến độ đang chậm, mới chỉ có 9 chợ hoàn thành và 41 chợ cải tạo.
Thực trạng vi phạm ATTP trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp. Trong Tháng hành động về ATTP năm 2025, gần 12.800 cơ sở đã được kiểm tra, phát hiện hơn 1.400 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, với khoảng 3.600 bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, bệnh viện, văn phòng phục vụ hàng trăm nghìn người dân mỗi ngày, việc đảm bảo ATTP tại đây là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, qua kiểm tra đột xuất, nhiều bếp ăn cho thấy cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh. Điển hình là bếp ăn của Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, khi xét nghiệm nhanh khay inox đựng thức ăn cho kết quả 100% mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn.
Những hạn chế này cho thấy Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP. Bên cạnh lượng lớn thực phẩm nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu gây khó khăn trong thống kê và quản lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP còn mang tính hình thức, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP mỏng, thiếu đào tạo và hạn chế về công cụ, phương tiện kiểm tra.
Trước thực trạng này, HĐND thành phố nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến dịch tổng lực từ kiểm tra, giám sát đến xử lý nghiêm minh trong lĩnh vực ATTP. Đây không chỉ là vấn đề quản lý nhà nước, mà còn là vấn đề đạo đức, lương tâm và trách nhiệm với cộng đồng, nhằm bảo vệ thị trường tiêu dùng và trên hết, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.