Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, mất an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm trọng.
Kiểm soát tốt về an toàn thực phẩm
Phát biểu tại Tổ thảo luận số 3, đại biểu Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trôi nổi cũng rất nhiều. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm trước cổng trường học là rất đáng lo. Học sinh ăn uống vô tư, trong khi các món bán rong như thịt nướng, xúc xích giá rẻ khó đảm bảo vệ sinh.

Đại biểu Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại Tổ 3. Ảnh: Nguyễn Trường.
“Nếu không kiểm soát tốt, lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có khoảng 170.000-180.000 ca mắc ung thư, một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao đáng báo động”, ông cảnh báo.
Cũng nội dung này, đại biểu Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dẫn số liệu: Hà Nội hiện có trên 80.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong khi lực lượng quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm chỉ có khoảng 250 người, chiếm khoảng 2,4% trong tổng số hơn 10.000 cán bộ tham gia quản lý (đa phần là kiêm nhiệm).
Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn”, ông nói và cho biết từ năm 2023 đến nay, các cấp của Thành phố đã tiến hành hơn 200.000 lượt kiểm tra, xử phạt trên 12.900 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 52 tỉ đồng. Một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã bị đình chỉ hoạt động hoặc buộc ngừng sản xuất. Tuy nhiên, theo ông, điều đáng lo ngại là tình trạng hàng giả, hàng nhái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong các nhóm thực phẩm chức năng, sữa, đồ uống và bếp ăn tập thể.
Để xử lý căn cơ vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đưa ra một loạt đề xuất, trong đó cần nâng gấp đôi mức xử phạt so với hiện hành để có tính răn đe hơn.
“Cần gắn vi phạm với mã định danh cá nhân, tiến tới đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn với cá nhân, tổ chức tái phạm nghiêm trọng. Tránh tình trạng cơ sở vi phạm bị tước giấy phép, xong lại chuyển địa điểm khác”, ông Hưng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu tại Tổ 3. Ảnh: Nguyễn Trường.
Đảm bảo bữa ăn miễn phí cho học sinh
Phát biểu tại Tổ 3 về đề án hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho rằng đây là một chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Thành phố với thế hệ tương lai. Tuy nhiên, việc triển khai cần được nhìn nhận một cách toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc “có bữa ăn” hay “miễn phí”, mà phải đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và phù hợp với thể trạng của trẻ.
“Không thể chỉ nghĩ rằng cứ có kinh phí hỗ trợ là đủ. Các yếu tố về điều kiện ăn, nghỉ của học sinh cũng rất quan trọng, nhất là với học sinh tiểu học và mầm non. Bàn ghế, không gian sinh hoạt, vệ sinh, thói quen ăn uống, cả yếu tố tâm lý, giới tính… đều phải tính đến”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý.
Hiện nay, gần 100% trường tiểu học của Hà Nội đã tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm trường chưa đảm bảo điều kiện để tổ chức bữa ăn trưa hiệu quả. Với quy mô lớn, việc đảm bảo các suất ăn nóng, đủ dinh dưỡng, an toàn và đúng giờ cho hàng trăm nghìn học sinh là không dễ dàng, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Ông Tuấn cho biết, Thành phố đang triển khai song song hai giải pháp, đầu tiên hỗ trợ kinh phí bữa ăn học sinh, trong đó học sinh ở các vùng khó khăn được hỗ trợ 100% (tương đương 30.000 đồng/suất), học sinh khu vực nội đô được hỗ trợ khoảng 70% (tức 20.000 đồng/suất).
Cùng với đó, Hà Nội cũng đang xây dựng cơ chế đấu thầu minh bạch để lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định.

Các đại biểu Tổ số 3 thảo luận tại tổ. Ảnh: Nguyễn Trường.
Đo hiệu quả vận hành chính quyền 2 cấp
Phát biểu tại Tổ thảo luận số 3, đại biểu Lê Thị Thu Hằng cho rằng, bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến nay là khá khả quan, mục tiêu 2025 có thể đạt được, làm bước đệm cho tăng trưởng hai con số thời gian tới. Nhấn mạnh mọi mục tiêu đều phải có nền tảng từ phát triển kinh tế, đại biểu cho rằng, Thành phố cần quan tâm vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, lấy kết quả phát triển kinh tế từ nay tới cuối năm để đo hiệu quả vận hành chính quyền 2 cấp Thủ đô.
Đa số các đại biểu HĐND Thành phố bày tỏ ấn tượng với chỉ đạo điều hành bài bản, quyết liệt nhiều nội dung và có nhiều đổi mới sáng tạo của Thành phố. Với những kết quả đã đạt được, các đại biểu bày tỏ kỳ vọng Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Thảo luận về công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, đây là nội dung hết sức quan trọng, đặc biệt sau khi Thành phố tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Hiện nay, Luật Quy hoạch cũng đang trong quá trình được xem xét sửa đổi, bổ sung. Thay vì chỉ sửa đổi một vài điều, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất sẽ rà soát, sửa đổi một cách toàn diện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và dự kiến sẽ trình tại kỳ họp cuối năm 2025.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, TP. Hà Nội lợi thế khi có quy hoạch Thủ đô và quy hoạch điều chỉnh chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. "Đây là bộ khung xương sống cho sự phát triển của Thành phố. Vấn đề cốt lõi hiện nay là việc tổ chức thực hiện, rà soát và đưa các quy hoạch này vào cuộc sống. Cần công khai, minh bạch từng khu vực, đồng thời phải có kế hoạch triển khai cụ thể theo từng giai đoạn, tránh tình trạng "quy hoạch treo" kéo dài gây bức xúc cho người dân…", đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho biết.
Một nhiệm vụ được nhiều đại biểu nhấn mạnh là Thành phố cần mạnh dạn đi đầu về đổi mới khoa học công nghệ, coi đây là bước đi tắt đón đầu để phát triển. Trong đó, công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết, là xu hướng tất yếu để vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Hưng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), vào hoạt động quản lý hành chính. Việc này không chỉ giúp tự động hóa các quy trình, nâng cao hiệu suất và độ chính xác mà còn tạo nền tảng cho việc quản lý dữ liệu lớn, như dữ liệu dân cư và y tế, một cách hệ thống…