Sáng mùa hạ, cảng cá Mỹ Á, phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) (nay là phường Trà Câu, tỉnh Quảng Ngãi) nhộn nhịp kẻ bán - người mua. Những mẻ cá trăm ký được ngư dân sử dụng ròng rọc kéo lên bờ. Nhiều người đổ dồn đến xem. Nào là cá cờ gòn (cá cờ Ấn Độ, cá cờ vây lưng đen, cá marlin đen), cá ngừ… tươi rói nhanh chóng được chuyển lên xe tải đưa đi tiêu thụ.

Ngư dân Ngô Tấn Lộc chỉnh sửa thiết bị gắn trên cột tàu trước chuyến ra khơi. Trên đỉnh cột tàu là lá cờ Tổ quốc - điều không thể thiếu của mỗi con tàu trong những chuyến vươn khơi. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.
Tôi đang mải mê chụp ảnh chợt nghe tiếng gọi phía sau, từ trên cao vọng xuống. Vội ngoái nhìn, tôi nhận ra ngư dân Ngô Tấn Lộc (42 tuổi, phường Phổ Quang cũ) đang trên đỉnh trụ gỗ khá cao phía mũi tàu. Trên đầu anh, lá cờ Tổ quốc trên đỉnh trụ tung bay phần phật trong gió. Cuộc gặp gỡ tình cờ bỗng trở thành cơ duyên để tôi có một chuyến lênh đênh cùng buồn vui nghề cá của Lộc và các ngư dân.
Nhớ biển
Ba năm trước, Ngô Tấn Lộc bị tai nạn khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Lộc kể, rạng sáng hôm ấy, anh cùng bạn chài mưu sinh cách đảo Bom Bay chừng 90 hải lý về hướng Đông Nam. Khi đang đứng trên mui tàu thả dụng cụ xuống sàn để thuyền viên dùng chứa hải sản trước khi đưa vào hầm ướp lạnh thì con sóng bổ mạnh làm tàu chao đảo, anh trượt chân ngã từ trên mui xuống sàn tàu.
Vết thương khá nặng, Lộc bị mất nhiều máu, kèm theo triệu chứng khó thở. Rồi bất tỉnh. Anh nhanh chóng được bạn thuyền, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, Trung tâm cấp cứu thành phố Đà Nẵng phối hợp sơ cứu. Qua chẩn đoán ban đầu, Lộc bị gãy xương, thủng vùng hố chậu phải, nếu không cứu nạn kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Thế là tàu SAR 412 được lệnh khẩn trương rời bến với ê kíp bác sĩ cùng trang thiết bị của Trung tâm Cấp cứu thành phố Đà Nẵng. Đến hơn 23 giờ cùng ngày, Lộc được các bác sĩ cấp cứu tại chổ rồi chuyển sang tàu SAR 412 đưa vào bờ chuyển đến bệnh viện Đà Nẵng điều trị.

Đại diện Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang (cũ) thăm hỏi và tặng quà ngư dân Ngô Tấn Lộc bị nạn khi đánh bắt trên biển Hoàng Sa. Ảnh chụp năm 2022.
Sau hơn mười ngày điều trị tích cực và hơn 1 tháng dưỡng bệnh, anh nhất quyết lên tàu đi biển. "Bị đau ốm hay mưa bão phải ở nhà nhiều ngày nhớ biển Hoàng Sa lắm anh à! Dù cho Trung Quốc có đưa ra lệnh cấm bắt cá trên Biển Đông nhưng chúng tôi vẫn ra khơi buông lưới. Bởi vì, đấy là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam...", Lộc tâm sự.
"Nhớ biển Hoàng Sa..." là cảm xúc của nhiều ngư dân ở Phổ Quang bao năm lênh đênh trên sóng nước khơi xa. Họ nhớ những cơn gió tràn trên biển như bầy ngựa hoang tung vó giữa thảo nguyên bao la. Nhớ lá cờ đỏ sao vàng cột trên trụ cao chót vót phần phật tung bay như hồn nước non nhắn nhủ ngư dân kiên trì bám biển. Nhớ nắng chiều nghiêng cho mặt biển xanh lấp lánh ánh vàng. Nhớ những cơn sóng vỗ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa…
Bên từng con sóng, tàu cá của con dân đất Việt dọc ngang trên biển. Bầy cá ngừ nhiều vô kể bơi lượn trong làn nước xanh mơ màng. Những con cá lớn quẫy mạnh gần thân tàu khiến mặt nước sôi sục vì sự chuyển động. Anh Lộc và các ngư dân đã quay lại những hình ảnh tuyệt đẹp ấy.
"Tôi quay được nhiều đoạn phim rồi gửi cho bạn bè, họ thích lắm. Biển Hoàng Sa đẹp lắm anh à! Đẹp nhất là vào lúc bình minh hay buổi chiều nắng dịu...", ngư dân Ngô Thanh Phong cho biết.
Biển cả bao la với sóng nước hiền hòa nhưng cũng ẩn chứa những hiểm nguy khôn lường. Bao lần, biển nổi phong ba như thủy thần dọa nạt, muốn nhấn chìm tàu cá và những phận đời bé nhỏ. Sóng dữ bổ mạnh khiến tàu nghiêng ngả. Tàu vỏ gỗ tựa chiếc lá mỏng manh nổi trôi giữa sóng nước. Sóng phủ lên sàn tàu, gió lạnh thấu xương. Những khi ấy, các ngư dân can trường động viên nhau sẵn sàng đối diện với bất trắc. Còn thuyền trưởng thì luôn nhìn về phía trước, tay giữ vô lăng điều khiển tàu cá vượt qua những cơn sóng dữ. Rồi cuồng phong cũng qua, tàu cá ngạo nghễ rẽ sóng lướt trên biển rộng. Những ngư dân lại cần mẫn buông kéo lưới sau những giờ nặng trĩu âu lo.
Ngư dân Trần Văn Kiểng cho biết: "Chúng tôi luôn theo dõi dự báo thời tiết để có cách ứng phó phù hợp nhưng cũng có khi xảy ra dông gió bất ngờ. Nhiều lúc sóng to, gió lớn không thể chạy thì thả dù (dụng cụ tựa chiếc neo nhưng không chạm đến đáy biển, giúp giữ thăng bằng cho tàu trong tình huống nguy hiểm). Hết gió bão rồi tiếp tục đánh bắt".
Những mẻ lưới đầy
Lộc chung vốn với anh trai cùng anh rể đóng mới tàu cá hơn 3,2 tỷ đồng, chưa kể tiền sắm hai giàn lưới cản và lưới vây rút cùng trang thiết bị. Chớm hạ đến thu tàn, các anh cùng bạn chài hành nghề lưới vây rút với mỗi chuyến ra khơi từ 10 - 20 ngày.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng giữa chừng khi tàu phát hiện luồng cá hiển thị trên máy tầm ngư. Tín hiệu buông lưới được phát ra. Thuyền trưởng vẫy tay và nhấn ga, máy nổ giòn, con tàu rẽ sóng chồm lên phía trước vẽ thành vòng tròn rộng. Bạn chài thoăn thoắt thả lưới vào lòng biển. Vòng tròn khép kín, một ngư dân dạn dày sóng nước cùng thúng chai rời tàu men theo mép lưới. Thuyền viên trợ lực với máy kéo thu lưới lên boong tàu. Vòng tròn hẹp dần. Lộc vội leo lên đỉnh cột phía trước mũi tàu để xỏ dây thừng và điều khiển ròng rọc đưa chiếc vợt lưới khá lớn xuống nước. Mọi người vô cùng hào hứng, niềm vui hiện lên trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Vợt lưới được kéo lên khỏi mặt nước rồi đổ cá ra sàn tàu. Bạn chài nhanh tay phân loại hải sản và cho vào rổ nhựa trước khi đưa vào hầm ướp lạnh.

Cá cờ gòn đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.
Chiều phai nắng, Lộc cùng thuyền viên trên tàu thả giàn lưới 300 tấm nối liền nhau với tổng chiều dài tầm 10 hải lý, rộng 20m vào lòng biển xanh. Chừng hai giờ sau, mọi người nghỉ ngơi và đến nửa đêm cùng nhau kéo lưới. Giàn đèn điện công suất cao hai bên mui tàu sáng rực rỡ tỏa rộng ra xung quanh giữa biển đêm. Máy kéo lưới quay tròn. Những đôi tay săn chắc nhanh nhẹn gỡ cá, xếp lưới gọn gàng.
Chợt có tiếng la: "Cá lớn dính lưới" khiến mọi người cùng đổ xô ánh mắt vào vùng nước đang dậy sóng. Ở đó, cá cờ gòn khá lớn mắc lưới đang vùng vẫy. Một ngư dân cầm dây thừng với nút thắt thòng lọng lao xuống nước rồi bơi đến tròng vào đuôi cá. Máy kéo thu dây, ròng rọc gắn trên đỉnh trụ quay tít. Bạn chài reo hò, nói cười rôm rả khi cá lên khỏi mặt nước.
Anh Lộc bảo: "Biển Hoàng Sa nhiều cá cờ lớn, có con nặng vài trăm cân. Đợt vừa rồi tàu của em bắt được 4 tấn cá cờ và 3 tấn cá ngừ sọc dưa. Có con cá cờ gòn nặng gần 200 cân...". Anh Kiểng góp thêm: "Lúc trước, tôi cùng anh em bạn chài bắt được con cá cờ gòn nặng 5 tạ. Khi đó dùng ròng rọc kéo tay nên đưa cá lên tàu rất mệt. Cá lớn vừa khít miệng hầm chứa nên đưa vào và lấy ra hết sức khó khăn. Nhiều khi cá to dính lưới rồi kéo xuống đáy biển đành phải cắt bỏ mất vài chục tấm... Giờ có máy móc hiện đại hỗ trợ nên việc đánh bắt, bảo quản đỡ cực hơn rất nhiều".
Kiên cường bám biển
Hoàng Sa - biển rộng cá nhiều, là nơi mưu sinh của bao đời ngư dân đất Việt. Quanh năm, ngư dân gắn bó với vùng biển này chẳng thể rời xa. Trao đổi với chúng tôi, lão ngư Võ Xuân Cẩm cho biết: Trước khi sáp nhập, chỉ riêng Phổ Quang đã có 401 tàu cá với tổng công suất gần 155.000CV cùng gần 2.500 lao động tham gia đánh bắt trên biển. Trong đó, 247 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đánh bắt trên vùng biển khơi xa. Ba tháng đầu năm, ngư dân Phổ Quang khai thác hơn 4.700 tấn hải sản với doanh thu trên 235 tỷ đồng. Thời gian qua, chính quyền cũng thường xuyên đồng hành hướng dẫn ngư dân hoàn tất hồ sơ chuyển cấp trên xem xét, hỗ trợ kinh phí cho những tàu cá đánh bắt trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 của Chính phủ; phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp phát, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…

Những người kiên cường bám biển. Ảnh: Ngô Tấn Lộc cung cấp.
Mặc dù vất vả khó khăn nhưng ngư dân vẫn thủy chung đeo đuổi nghề. Bất chấp lệnh cấm biển phi lý của Trung Quốc, họ vẫn dọc ngang trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Theo ông Cẩm: "Bà con ngư dân vẫn hiên ngang ra khơi đánh bắt bởi vì đó là vùng biển ông cha bao đời truyền lại...". Còn anh Lộc thì chia sẻ: “Đông đến cuối xuân, tàu em hành nghề lưới cản (lưới rê). Mắt lưới khá rộng nên chỉ bắt những con cá to lớn, chừng hai cân trở lên, chừa lại cá nhỏ để chúng lớn và sinh sôi. Đây là cách đánh bắt theo phương châm "dưỡng cá nơi biển khơi" anh ạ. Cá thương mình cho mình miếng cơm manh áo thì mình cũng phải thương cá, để cá có thời gian nghỉ ngơi, sinh sản, lớn lên, có cái cho mùa đánh bắt sau. Mình thương cá là đặng thương mình đó”.