Những người cạo mủ cao su trong đêm
Tôi sinh ra và lớn lên giữa những vườn cao su bạt ngàn ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (cũ), nay là xã Trừ Văn Thố, TP.HCM. Hồi nhỏ, tôi không biết đi cạo mủ cao su là gì. Tôi chỉ biết mỗi sớm mai thức dậy khi trời đã sáng và tôi còn ngái ngủ thì ba mẹ mới từ rừng cao su trở về.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, đi học xa nhà, tôi có thời gian để suy nghĩ, chiêm nghiệm, thấu hiểu được những vất vả của ba mẹ trong bao năm qua để cho tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Dịp này về thăm ba mẹ, tôi quyết tâm vượt qua chính mình, đi vào rừng, trên con đường cạo mủ cao su mà ba mẹ đã đi và đang đi, để tìm câu trả lời cho cái nghề đã nuôi tôi lớn khôn.

Chị Thoa cạo mủ cao su trong đêm để có tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Ảnh: Khánh Linh.
Đêm ấy, từ 2 h sáng, tôi theo chân những người cạo mủ cao su vào cánh rừng cao su bạt ngàn. Ba mẹ tôi vẫn đi cạo như mọi khi, nhưng tôi không đi cùng họ vì muốn có những trải nghiệm thực sự khi không có người thân bên cạnh.
Vừa qua một cơn mưa, tiếng ủng của những người đi cạo mủ đạp vào vũng nước lọp bọp, mùi đất ẩm ướt mang theo hơi lạnh trộn lẫn với mùi thuốc muỗi. Trong bóng tối, tiếng lưỡi dao cạo sẹt qua thân cây mỏng và khô. Những giọt mủ trắng đục bắt đầu chảy theo đường cạo đi xuống máng và nhỏ giọt vào chiếc tô sành gắn ở gốc, chờ đợi từng chén mủ đầy.
Chị Lưu đứng dưới tán cây cao su, chiếc đèn pin nhỏ gắn trên trán le lói rọi sáng những thân cây trắng xám trong màn sương đêm. Dáng chị cao, người gầy. Tôi hỏi chị “Hồi mới đi cạo, chị có sợ không?". Chị cười, hàm răng trắng nổi bật giữa gương mặt khắc khổ mờ ảo trong đêm tối: "Sợ chứ em! Hồi mới đi cạo, chị sợ ma muốn chết luôn. Trời thì tối hù, đi một mình mà cứ nghe lá rụng sau lưng là hết hồn. Sợ ma có, mà sợ rắn rết còn nhiều hơn. Nhiều hôm trời mưa, lá mục dày đặc, đang đi thấy con rắn trườn ngang là đứng cứng người luôn. Mà sau này thì quen rồi nên cũng chả sợ nữa".
Chị cúi xuống lấy cái chén hứng mủ treo trên thân cây, giọng vẫn đều đều giữa tiếng lá xào xạc: “Cạo khuya thì cực dữ lắm. Một, hai giờ sáng đã phải dậy, lội bộ vô lô, trời lạnh run mà cũng phải ráng. Cạo không đúng giờ là mủ không chảy, không cạo được là mất ngày công, khổ lắm. Nhưng ráng cạo để nuôi ba đứa con ăn học. Một đứa giờ đang du học bên Nhật, đứa giữa chuẩn bị học đại học trên thành phố, còn đứa út học cấp 1. Nghĩ tới con là thấy đáng hết”.
Bóng dáng người phụ nữ gầy guộc lại lặng lẽ khuất dần sau hàng cây, tiếp tục công việc trong bóng tối. Tôi tiếp tục đi vào vườn cao su khác. Từng cơn gió lạnh len lỏi qua từng vạt lá, tiếng côn trùng rì rầm như một dàn đồng ca không lời giữa rừng đêm. Lúc này, bóng những người cạo mủ cao su lác đác giữa các hàng cây, mỗi người mang theo một luồng sáng nhỏ từ chiếc đèn pin gắn trên trán. Ánh sáng nhỏ nhoi nhưng vững vàng như chính cuộc đời họ vậy.

Từng giọt mủ cao su chảy xuống trong đêm. Ảnh: Khánh Linh.
Tôi gặp chị Thoa, người đàn bà có gương mặt đã hằn vết thời gian. Chị đội nón rộng vành có gắn đèn pin phía trước để soi sáng thân cây, cái áo khoác màu hồng chị mặc đã dính lốm đốm nhựa mủ khô. Mỗi động tác của chị đều nhanh gọn.
Nói về nghề cạo mủ cao su, chị nhìn tôi mỉm cười rồi đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán: “Nghề này là nghề chịu. Không chịu được thì bỏ giữa chừng. Mình quen hơi đất, quen tiếng dao, quen luôn cái mùi mủ. Không còn thấy ghê nữa, mà thấy nhớ. Nghỉ vài bữa là tay chân lại ngứa ngáy”.
Chị dừng lại cắm một cây nhang khác để đuổi muỗi. Gió lùa qua, làm khói bay ngược về phía tôi. Chị thổ lộ: "Khó khăn vất vả nhưng cũng phải ráng vì còn phải nuôi một đứa học trên Sài Gòn nữa. Trên đó đủ thứ tiền hết, nào là tiền trọ, tiền học phí, rồi tiền ăn uống, đi lại… Cạo mủ riết cũng không dư được bao nhiêu, nhưng cũng phải cố để cho con ăn học tới nơi tới chốn".
Tôi nhìn đôi vai nhỏ bé ấy mà thấy như gồng gánh cả một bầu trời. Giữa cái lạnh, và sự cô độc trong rừng cao su lúc nửa đêm về sáng, chị vẫn thắp lên một đốm lửa tên là “hi vọng”. Những đứa con còn đang đi học không chỉ là một niềm tự hào, mà còn là lý do để chị Thoa tiếp tục gắn đời mình với cây cao su.
Gửi tình thương vào dòng nhựa trắng
Gần 4 giờ sáng, tôi men theo con đường về. Trước mắt tôi là dáng hình thân thuộc. Một người đàn ông mặc chiếc áo bạc màu, đội chiếc nón cũ sờn đang cầm cây dao cạo bước những bước chậm rãi. Người đàn ông ấy là... ba tôi, người có ánh mắt luôn nghiêm nghị và vẫn được chúng tôi bầu là khó tính nhất trong nhà.

Mẹ tôi - ban ngày làm thợ may, ban đêm đi cạo mủ cao su để có thêm tiền nuôi các con ăn học. Ảnh: Khánh Linh.
Trái với dáng người cao lớn, nghiêm nghị của ba, mẹ tôi đi bên cạnh lại như một làn gió mềm, nhẹ nhàng và phúc hậu. Đuôi mắt mẹ dù đã có nhiều nếp nhăn vì nắng gió và thời gian, nhưng ánh nhìn luôn ấm áp, gói ghém trong đó niềm tự hào của một người phụ nữ đã sống cả đời vì chồng vì con, nhưng chưa từng để lòng mình hoen đi bởi khổ cực. Họ đã đi cùng nhau hơn biết bao mùa mủ, chia đôi rừng, chia đôi giấc ngủ, rồi gom hết thành một cuộc đời đồng cam cộng khổ bên nhau.
Sau phút giật mình vì thấy con xuất hiện trong rừng cao su, ba mẹ chăm chú nghe tôi kể chuyện về chuyến "đi thực tế". Mẹ cười hiền và bảo "đã thấy cực khổ của nghề này chưa con?”.
Ba tôi là cán bộ làm việc ngoài xã, mẹ làm thợ may tại nhà. Hai công việc tưởng chừng ổn định và đủ sống, nhưng để nuôi hai đứa con ăn học thì nguồn thu nhập đó chưa bao giờ là đủ để trang trải dễ dàng. Không dư sức nhưng dư tình thương, họ chọn cách kiếm thêm bằng công việc cạo mủ cao su đêm.
Ban ngày, ba chỉn chu trong chiếc áo sơ mi, đi họp, đi kiểm tra, giải quyết công việc của xã. Đêm đến, ông thay chiếc áo sơ mi bằng áo thun bạc màu, mang đôi ủng cũ, cùng mẹ lội vào rừng cao su, lặng lẽ gánh thêm một phần vất vả khác để nuôi tôi đi học.
Còn mẹ, ban ngày ngồi trước máy may hàng giờ liền, mắt mỏi nhòe, lưng đau, vải vóc chất đầy một góc nhà. Chưa kịp vơi bớt những nhọc nhằn ban ngày, đến nửa đêm, mẹ lại cột tóc gọn gàng, đi cạo mủ cao su cùng ba. Chưa khi nào mẹ than mệt, chỉ nói gọn “được thêm đồng nào hay đồng nấy, nuôi con ăn học phải gắng thôi”.

Dòng nhựa trắng cao su đã cho tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Ảnh: Khánh Linh.
Tôi từng nghĩ mình đủ biết ba mẹ vất vả, biết họ cực nhọc để cho tôi được đi học, được làm điều mình thích. Nhưng không, chỉ khi đi bên họ giữa những gốc cao su đứng thành hàng im lìm trong đêm tối, tôi mới thực sự thấm thía những cực nhọc hy sinh. Ba tôi người đàn ông nghiêm nghị, lầm lì, hóa ra mỗi ngày đều lặng lẽ gồng mình lên gánh cả gia đình. Mẹ tôi người phụ nữ mạnh mẽ đã dốc cạn sức cho từng đường kim mũi chỉ ban ngày, rồi lại tiếp tục bước chân vào rừng đêm để kiếm thêm từng đồng gửi lên cho tôi học tập ở thành phố.
Gần 5 giờ sáng, ánh nắng đầu tiên của ngày rón rén len qua những tán lá cao su, nhẹ nhàng rải xuống mặt đất còn đẫm sương. Rừng cao su dần bừng lên thứ ánh sáng dịu dàng, vàng nhạt như lòng đỏ trứng, làm hiện rõ những khuôn mặt đã lấm tấm mồ hôi, những đôi tay đen sạm vì mủ, vì đất, vì biết bao tháng ngày nhọc nhằn. Ba mẹ tôi cùng những người cạo mủ cao su khác bắt đầu trở về. Những bước chân chậm rãi, mệt nhoài, nhưng ánh mắt ai cũng ánh lên lấp lánh như thể họ vừa hoàn thành một nhiệm vụ thiêng liêng: giữ cho gia đình đủ đầy. Tôi đi giữa họ, không còn là một đứa trẻ ham ngủ, cũng không còn là người ngoài cuộc. Tôi tự hào là một phần máu thịt của mảnh đất này. Tôi biết ơn bởi sự trưởng thành của tôi là kết tinh từ những gì quý giá nhất mà nơi này đang có, những giọt mủ trắng đục, những đêm dài ẩm lạnh, bàn tay chai sạn, tinh thần bền bỉ, và tình yêu bất tận mà ba mẹ dành cho tôi.