| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Nhiều hạn chế trong công tác kiểm tra thực phẩm ‘bẩn’

Chủ Nhật 06/07/2025 , 19:12 (GMT+7)

Hà Nội còn nhiều hàng giả, thực phẩm ‘bẩn’… là do công tác kiểm tra vẫn mang tính hình thức. Chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Hơn 43.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm 

Theo báo cáo của Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, Hà Nội là đô thị đặc biệt, đông dân cư (ước tính trên 10 triệu người cư trú, sinh sống và làm việc) nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rất lớn, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn là khoảng hơn 80.000 cơ sở, trong đó sản xuất thực phẩm 9.720 cơ sở; kinh doanh thực phẩm 25.244 cơ sở; kinh doanh dịch vụ ăn uống 38.413 cơ sở; kinh doanh thức ăn đường phố 6.890 cơ sở; sản xuất thực phẩm của thành phố Hà Nội đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Công an TP Hà Nội phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội bắt giữ hơn 20 tấn gà 'bẩn' chuẩn bị tuồn ra thị trường. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Công an TP Hà Nội phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội bắt giữ hơn 20 tấn gà 'bẩn' chuẩn bị tuồn ra thị trường. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Từ năm 2021 đến nay, đã có 8.186 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, Sở Y tế cấp 6.166 giấy; Sở Công thương cấp 856 giấy; Sở Nông nghiệp và Môi trường cấp 1.164 giấy.

Toàn thành phố Hà Nội cũng tiếp nhận 95.820 hồ sơ tự công bố sản phẩm. Ngành y tế đã cấp 3.283 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (bao gồm thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi), 324 giấy xác nhận nội dung quảng cáo các nhóm sản phẩm trên.

Công tác kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm được các cấp quan tâm thực hiện, nhưng việc kiểm tra còn mang tính hình thức, nên vẫn có nhiều cơ sở vi phạm. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra 315.133 lượt cơ sở, trong đó số lượt cơ sở đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP) đạt tỷ lệ 86,3%. Số cơ sở vi phạm là 43.225, phạt tiền 19.791 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 102 tỷ đồng, đình chỉ 107 cơ sở, cảnh cáo 5.048 cơ sở, nhắc nhở tại chỗ 26.394 cơ sở .

Tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình kiểm tra

Sở dĩ Hà Nội vẫn còn nhiều còn nhiều hàng giả, hàng nhái, thực phẩm “bẩn”… vì công tác kiểm tra còn mang tính hành chính, chưa xác định trọng tâm kiểm tra đối với sản phẩm.

Đoàn khảo sát chỉ rõ tồn tại, hạn chế kéo dài (từ các năm 2019, 2020, 2023) chậm được khắc phục. Hệ thống cơ sở giết mổ tập trung theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội chưa đạt yêu cầu, mới có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động (đạt 37,5% số cơ sở được phê duyệt), tuy nhiên, hoạt động mới đạt khoảng 40% công suất thiết kế. 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ đến nay chưa triển khai xây dựng. Một số cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại hoạt động chỉ đạt 15-30% công suất thiết kế.

Vẫn còn 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tồn tại trong khu dân cư chưa được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo ATTP, chưa được kiểm dịch, kiểm soát giết mổ vẫn thường xuyên diễn ra.

HĐND TP Hà Nội chỉ rõ ra việc Hà Nội còn nhiều thực phẩm 'bẩn' là do công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế, mang tính hành chính. Ảnh: LLCN cung cấp.

HĐND TP Hà Nội chỉ rõ ra việc Hà Nội còn nhiều thực phẩm "bẩn" là do công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế, mang tính hành chính. Ảnh: LLCN cung cấp.

Tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sử dụng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ, không có truy xuất nguồn gốc vẫn diễn ra. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc rau, củ, hoa quả, thực phẩm, ô nhiễm môi trường tại các chợ, nhất là tại các chợ đầu mối còn hạn chế. Thành phố vẫn còn tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Công tác kiểm tra còn mang tính hành chính, chưa xác định trọng tâm kiểm tra đối với chất lượng sản phẩm hoặc các nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Từ năm 2021 đến nay, số lượt cơ sở được kiểm tra nhiều nhưng số cơ sở phát hiện vi phạm chiếm tỷ lệ thấp (43.205/315.133 = 13,7%); chưa phát hiện được các cơ sở vi phạm có quy mô lớn.

Nguyên nhân để xảy ra các tồn tại trên được Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội chỉ rõ là do: Hoạt động kiểm tra của Ban chỉ đạo về ATTP ở một số xã còn hình thức, hiệu quả chưa cao, có lúc có biểu hiện buông lỏng. Xử lý vi phạm còn nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở, chưa đảm bảo tính răn đe. Chưa phát huy hết vai trò của cộng đồng trong việc phát hiện và tố giác các vi phạm.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách ATTP còn mỏng, nhiều cán bộ kiêm nhiệm và thay đổi vị trí liên tục, chưa được đào tạo kịp thời, nắm bắt thông tin còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu quản lý về ATTP.

Hệ thống chăn nuôi, trồng trọt, giết mổ trên địa bàn Hà Nội còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình; việc kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung còn khó khăn do các chính sách khuyến khích chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến tồn tại các vi phạm trên một phần do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP do nhiều cơ quan ban hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến không hiệu quả. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp quy định không quá 1 lần/năm, hoạt động kiểm tra định kỳ (có thông báo trước) dẫn đến doanh nghiệp có sự chuẩn bị để đối phó với đoàn kiểm tra, sau đó lại không tuân thủ pháp luật.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Huyện Khoái Châu coi thường pháp luật 'làm trước, xin sau'

Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Khoái Châu đã tự ý xây dựng dự án hạ tầng khu dân cư, trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Hưng Yên.

Hà Nội bưng bít thông tin vụ ‘vẽ’ dự án trên ‘đất vàng’

TP. Hà Nội ‘vẽ’ dự án có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng các hạng mục trong dự án được khái toán trước đây chỉ khoảng 7 tỷ đồng.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất