| Hotline: 0983.970.780

Một ngày với làng Triêl xa xôi

Thứ Hai 14/07/2025 , 05:27 (GMT+7)

Gia Lai Một sáng mùa mưa ẩm ướt của đất trời Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến làng Triêl của xã Ia Pnôn (Gia Lai) để gặp vị 'thủ lĩnh' của làng, ông Rơ Mah Blơi.

Đường vào làng Triêl ngằn ngặt xanh dưới tán rừng cao su. Ảnh: Đăng Lâm. 

Đường vào làng Triêl ngằn ngặt xanh dưới tán rừng cao su. Ảnh: Đăng Lâm. 

Xanh thẳm vùng biên

Để đến được làng Triêl xa xôi, chúng tôi phải đi qua khu vực các xã biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Xa thật, bởi từ Quy Nhơn, trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai đến làng Triêl gần ba trăm cây số. Tuy nhiên, khác với những vất vả mà chúng tôi tưởng tượng, đường đi toàn là đường nhựa phẳng lỳ. Đặt chân vào khu vực biên giới là bạt ngàn cao su xanh tốt, báo hiệu sự trù phú của miền biên viễn này.

10 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại làng. Trước mắt chúng tôi là cổng chào của làng với dòng chữ: “Làng Triêl, làng nông thôn mới”. Nếu với những ai lần đầu đặt chân đến vùng biên giới xa xôi này, sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự trù phú nơi đây. Đường đi trong làng là những con đường thảm nhựa phẳng lỳ, hai bên đường là trường học, trạm y tế, hàng quán sầm uất... Làng Triêl với gần 800 nhân khẩu của 95 hộ, hầu như hộ gia đình nào cũng có một căn nhà xây khang trang, bên cạnh là ngôi nhà sàn truyền thống của người J’rai.

Đầu làng, một tốp trẻ tầm khoảng 13, 14 tuổi đang đứng trò chuyện. Biết được chút ít tiếng J’rai nên tôi bập bõm nghe lỏm được câu chuyện của chúng, đó là nhân dịp nghỉ hè, đứa thì đi chăn bò, hoặc ra đồng phụ giúp cha mẹ, đứa khác lại ra suối bắt cá, bắt ếch đầu mùa mưa... Hỏi đường đến nhà già làng Rơ Mah Blơi, hai đứa lớn nhất liền giơ tay xung phong: “Để tụi cháu đưa chú đến”.

Căn nhà xây khang trang của già Rơ Mah Blơi. Ảnh: Đăng Lâm.  

Căn nhà xây khang trang của già Rơ Mah Blơi. Ảnh: Đăng Lâm.  

Đó là một căn nhà xây khá khang trang theo phong cách hiện đại. Cửa mở, nhưng không có ai ở nhà. Người đàn ông nhà bên nhìn chúng tôi, dò xét hỏi: “Các anh là ai? Tìm Blơi có việc gì?”. Tôi hiểu, khu vực biên giới mà, bà con đã tạo được thói quen nâng cao cảnh giác, nhất là đối với người lạ vào làng. Không như vậy thì làm sao bảo vệ được sự bình yên nơi phên dậu Tổ quốc!

Khi đã hiểu mục đích của chúng tôi, người đàn ông cho biết, già Blơi đi chăn bò, còn vợ ông Blơi, bà Siu Chan thì vừa đi đâu đó trong làng. Nói rồi ông tất tả chạy đi gọi bà Siu Chan về. “Ông đi chăn bò rồi, cần gì thì gọi điện”, bà Siu Chan nói, và đọc cho chúng tôi số điện thoại của chồng. Gọi, nhưng... “tò... te... tí”, bà lại đưa chúng tôi đi tìm ông.

Trốn chạy quân Pol Pot

Trải áo mưa xuống đất, ông tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền lành của người đàn ông đã đi qua 70 mùa rẫy. Hóa ra, Rơ Mah Blơi là người gốc Campuchia. Năm 1978, gần 40 hộ dân của làng Lâm thuộc xã Pó Nhầy, huyện Ozadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) vượt biên sang vùng đất này để lánh nạn diệt chủng của quân Pol Pot.

Con voi Khăm Pui trung thành cõng 4 người của gia đình ông vượt suối, băng rừng cùng dân làng "đi tìm sự sống". Họ đi trong cái đói, cái mệt và trong nỗi lo sợ quân Pol Pot truy đuổi. Nhiều người đã lả đi vì kiệt sức. Làng Triêl đã dang tay đón họ, làng khi ấy còn nghèo lắm, lại chưa vào vụ thu hoạch. Người J’rai nơi đây đã lấy thóc giống ra giã thành gạo, nấu cơm cho họ ăn. Rồi chủ đưa khách vào rừng, cùng nhau chặt cây, cắt tranh dựng nhà để ở, rồi chia đất đai, ruộng nương, cùng làm ăn...

Đã gần 50 năm, giờ đây, những người dân Campuchia chạy nạn năm ấy đã ổn định cuộc sống nơi vùng biên giới này. Cũng đã kịp có vài thế hệ ra đời, lớn lên, chững chạc và cần mẫn như chính những người J’rai nơi đây.

Trên những con đường làng thảm nhựa, ô tô chạy ngày đêm, hai bên đường là những vườn cây trái xanh tốt. Ảnh: Đăng Lâm. 

Trên những con đường làng thảm nhựa, ô tô chạy ngày đêm, hai bên đường là những vườn cây trái xanh tốt. Ảnh: Đăng Lâm. 

Giọng già Rơ Mah Blơi đượm bùi ngùi. Già nói, nhờ chính quyền địa phương, nhờ Bộ đội Biên phòng Việt Nam, nhất là nhờ bà con người J’rai nơi đây mà những người Campuchia chạy nạn năm nào, giờ đã có được cuộc sống khá ổn định. Điều đặc biệt nhất là họ không hề bị phân biệt đối xử, hộ nào cũng được cấp đất trồng cao su tiểu điền, trồng lúa, cây ăn quả. Trẻ con được đến trường, người già thì được thăm khám bệnh thường xuyên...

“Nhà tôi có 2ha cao su tiểu điền, 1ha điều và 10 con bò. Ba đứa con đều được đi học, mọi người đều có quốc tịch Việt Nam. Cuộc sống giờ không còn lo ốm đau bệnh tật, không còn lo đói. Nỗi ám ảnh bị quân Pol Pot giết hại giờ chỉ còn là ký ức”, già Blơi chậm rãi nói.

Điểm tựa uy tín của dân làng

“Chỉ còn là ký ức” như già Rơ Mah Blơi nói bởi từ khi ông và những người dân làng Lâm lánh nạn sang Việt Nam năm nào, đến nay cũng đã ngót nghét nửa thế kỷ. Ở nơi ông sinh ra, ngày 7/1/1979, quân và dân Campuchia với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng Phnom Penh, đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cuộc sống đã bước sang trang mới. Còn ở đây - làng Triêl - quê hương thứ hai của già Rơ Mah Blơi và những người dân Campuchia chạy sang lánh nạn năm xưa giờ cũng nhiều thay đổi. “Khi có ai hỏi đến, bà con mới nhắc lại quá khứ thương đau thôi. Bây giờ bà con chỉ biết chí thú làm ăn, nghe lời Nhà nước cùng chung tay xây dựng nông thôn mới trên vùng biên giới này. Mình ơn đất này đã sinh ra mình lần thứ hai. Mình và bà con chỉ muốn gắn bó mãi ở đây”, già Blơi tâm sự.

Khi đã ổn định cuộc sống gia đình, được sự vận động của chính quyền, Rơ Mah Blơi tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông đã có 11 năm làm công an viên, làm cán bộ bán chuyên trách, rồi làm Bí thư Chi bộ. Cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi tuổi cao, ông xin về nghỉ, được bà con tin tưởng bầu ông làm già làng.

Già Rơ Mah Blơi nâng niu phần thưởng cao quý được Bộ Quốc phòng trao tặng. Ảnh: Vĩnh Hoàng. 

Già Rơ Mah Blơi nâng niu phần thưởng cao quý được Bộ Quốc phòng trao tặng. Ảnh: Vĩnh Hoàng. 

Người dân làng Triêl luôn nhắc đến ông với hình ảnh một vị già làng đáng kính. Mỗi sáng, ông đều dậy sớm đi dạo một vòng quanh làng để gọi đám thanh niên hay ngủ dậy muộn ra đồng ra rẫy làm lụng, gọi đám trẻ con dậy sớm đến trường. Mỗi tối, ông cùng tổ tự quản đến thăm hỏi từng gia đình, động viên bà con chăm chỉ làm ăn, nhắc lũ trẻ không được ăn nhậu bê tha, không chạy xe máy ẩu...

“Muốn bà con nghe theo, làm theo mình, trước hết mình phải là người đi đầu gương mẫu, mình phải là chỗ dựa cho bà con những lúc khó khăn”, già Blơi nói.

Theo lời người dân làng Triêl kể, già chính là một trong những người đầu tiên của xã Ia Pnôn mạnh dạn đưa cây cao su tiểu điền vào thay thế những vườn điều già cỗi, kém hiệu quả. Già cũng là người tiên phong trong việc làm chuồng trại chăn nuôi xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh... Người làng Triêl có gì băn khoăn lại mang cái băn khoăn đến nhờ già Blơi giải đáp. Từ chuyện cái nương cái rẫy, cây cao su, con gà con heo, đến chuyện học hành, chuyện gả chồng dựng vợ,... già Blơi biết gì chia sẻ hết, cái gì chưa biết thì già hỏi cán bộ, hỏi Bộ đội Biên phòng. 

Giờ đây, bên cạnh làm lúa đủ ăn, chăn nuôi gà, bò và trồng những loại cây phù hợp, người dân làng Triêl đã có gần 300ha cao su tiểu điền. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với người dân ở vùng biên giới xa xôi này. 

Giờ đây, ấm no không chỉ ở trên những cánh đồng, trong nương rẫy, ấm no nằm trong mỗi ngôi nhà, trong nụ cười của người làng Triêl.

Tạm biệt biên giới, tạm biệt người dân làng Triêl, chúng tôi mang theo về nụ cười viên mãn của già làng Rơ Mah Blơi, nụ cười no đủ và yên bình của dân làng, cả những nụ cười hồn nhiên của đám trẻ đi chăn bò ngoài đồng, bắt cá dưới suối... Không viên mãn sao được, không hồn nhiên sao được khi mà ký ức đau thương đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng. Và phía trước, bầu trời bỗng bừng sáng sau một trận mưa mùa vừa kịp ngưng...

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Pnôn, bà Lê Thị Khánh Hòa cho biết: “Già làng Rơ Mah Blơi là người rất có uy tín đối với dân làng. Những công sức đóng góp của già đã góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh vùng biên giới, được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và chính quyền các cấp tuyên dương, ghi nhận”.

Xem thêm
Hà Nội đối mặt nhiều thách thức về an toàn thực phẩm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội, hàng loạt vấn đề nổi cộm đã được đặt trong công tác quản lý ATTP.

Bình luận mới nhất