| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025):

Người mang giai điệu vào chiến trường

Chủ Nhật 27/07/2025 , 13:43 (GMT+7)

Người chiến sĩ thông tin sau khi bị trúng bom địch, đã ngã trong vòng tay nhạc sĩ Văn Hòe. Lời trăng trối cuối cùng là nỗi nhớ mẹ, nhớ lời ru à ơi.

Ký ức Mẹ

Người chiến sĩ ấy ngã xuống giữa đỉnh Trường Sơn khi tuổi mới ngoài đôi mươi, bao ước mơ hoài bão thanh xuân gác lại, chỉ còn nỗi nhớ mẹ, nhớ lời ru của mẹ. Giây phút ấy, dáng hình rất đỗi thân thương của người mẹ nơi quê nhà hàng ngày vẫn trông ngóng đứa con nơi chiến trường hiện lên trong cảm thức của người chiến sĩ, thật rõ, thật gần.

Đã hơn 55 năm trôi qua, nhưng nhạc sĩ Văn Hòe vẫn nhớ như in câu chuyện ấy. Trạm thông tin đặt trên đỉnh đồi, có 3 chiến sĩ trực chiến 24/24, trong một lần địch đánh bom, Trạm thông tin bị phá hủy hoàn toàn. Khi được đưa xuống, 2 chiến sĩ đã hi sinh, 1 đồng chí bị thương nặng được nhạc sĩ Văn Hòe ôm trong tay, trên người đầy những vết thương. Khi ấy, nhạc sĩ Văn Hòe ghé tai hỏi "cậu đang nghĩ về cái gì"’, đồng chí trả lời giọng yếu ớt "em đang nhớ mẹ, nhớ lời ru của mẹ". Rồi đôi mắt ấy lim dim, mơ màng, có lẽ đang hồi tưởng về nơi chôn rau cắt rốn, về dáng hình của người mẹ thân thương, về tuổi thơ khốn khó vật chất nhưng đủ đầy tình yêu thương của cha mẹ. Đã bao nhiêu trận chiến, bom rơi đạn lạc cũng chưa hề sợ hãi, thế mà khi nhớ về mẹ, những giọt nước mắt cuối cùng đã rơi… Đó là những ký ức nhạc sĩ Văn Hòe kể lại trong nước mắt, trong hoài niệm và cả nỗi đau.

Điều nhạc sĩ Văn Hòe luyến tiếc là khi đó bom đạn của chiến trường quá ác liệt, đoàn lại tiếp tục di chuyển, sau khi chôn cất vẫn không được biết tên, quê quán của người chiến sĩ quả cảm ấy.

Đã 56 năm trôi qua, do tuổi đã cao nhiều ký ức đã không còn vẹn nguyên, nhưng nhạc sĩ Văn Hòe vẫn kể rành rọt về cái ngày đau thương giữa Trường Sơn đại ngàn ấy. Ông bảo: "Ở chiến trường, sống chết chỉ trong gang tấc, chứng kiến nhiều trận chiến ác liệt giữa ta và địch, bao đồng đội đã ngã xuống ám ảnh tôi. Nhưng có lẽ ánh mắt người chiến sĩ trẻ ấy, ánh mắt mơ màng hồi tưởng, chỉ mong được nhìn thấy mẹ lần cuối là điều ám ảnh day dứt nhất. Nhiều đêm sau khi đã trở về Bắc, tôi vẫn mơ về người chiến sĩ ấy, nhớ như in dáng người, ánh mắt đó".

Bài hát "Bài ca trên chóp núi" được nhạc sĩ Văn Hòe sáng tác từ chất liệu thực tế, viết về người chiến sĩ ra đi trong vòng tay mình đã ra đời:

Con của mẹ không về đã yên nằm bên đỉnh cao chóp núi/ Mây trắng vờn bay thay làn nhang khói/ Ánh sao trời như ngọn nến lung linh/ Con hiến tuổi thanh xuân giữ bình yên non sông đất nước/ .../ Con nằm lại nơi đây hồn hòa vào cỏ cây, sông núi/ Nỗi nhớ khôn nguôi lời mẹ ru vẫn đợi.

Nhạc sĩ Văn Hòe kể về ký ức ở Trường Sơn và lý do ra đời bài hát 'Bài ca trên chóp núi'.

Nhạc sĩ Văn Hòe nghĩ, khi người mẹ nhận được tin báo tử của con, sẽ dùng lời ru để đi tìm lại bóng hình người con trai thân thương, không được gặp nhau lần cuối. Bài hát ấy, được nhạc sĩ Văn Hòe sáng tác dành riêng cho người chiến sĩ thông tin quả cảm. Nhưng là hoàn cảnh chung của hàng ngàn liệt sĩ nơi chiến trường Trường Sơn đã trải qua bom đạn, máu và nước mắt và nỗi nhớ về mẹ. Trong rất nhiều hoàn cảnh ấy, có ông.

Day dứt Trường Sơn

Đó là một mùa khô cuối năm 1969, nhạc sĩ Văn Hòe nhận lệnh cùng 16 anh em văn nghệ sĩ vào phục vụ chiến trường Trường Sơn. Khi ấy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất, địch liên tục đánh phá dải đất miền Trung. Nhạc sĩ Văn Hòe là trưởng đoàn xuất phát từ Hà Nội. Khi xe đi qua phà Ghép, tới quê hương của nhạc sĩ Văn Hòe, nỗi bịn rịn lưu luyến không thôi. Với suy nghĩ ra đi không biết ngày trở về và chắc gì đã có ngày trở về, nhạc sĩ Văn Hòe xé cuốn sổ tay ghi dòng chữ "bố đi vào chiến trường ngày 23/10/1969, nếu không trở về thì lấy ngày này làm ngày giỗ" ghi kèm theo địa chỉ. Để mẩu giấy không bị gió cuốn bay, nhạc sĩ Văn Hòe buộc vào 1 mảnh sành, thả bên vệ đường khi xe đi tới phố Còng (nay là phường Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). May mắn mảnh giấy được người đi đường nhặt, gửi về đúng địa chỉ nhạc sĩ Văn Hòe ghi trên giấy. Khi trở về quê nhà, sau thời gian phục vụ tại chiến trường, nhạc sĩ Văn Hòe được vợ và người thân trong gia đình kể lại. Chẳng ai mong nội dung trong tờ giấy ấy thành hiện thực, nhưng đó là cách làm duy nhất nhạc sĩ Văn Hòe nghĩ ra vì nhiệm vụ bí mật, không được liên lạc với gia đình.

Nhạc sĩ Văn Hòe kể lại rằng, mỗi người khi ra chiến trường đều được phát một số loại thuốc thông dụng, trong đó có lọ thuốc kháng sinh Penicillin. Khi dùng hết, vỏ lọ thuốc được giữ lại, xé 1 tờ giấy trong cuốn sổ tay viết tên tuổi, địa chỉ bỏ vào đó. Vỏ lọ thuốc ấy, lúc nào cũng trong túi áo trước ngực, luôn đặt trước lồng ngực của mỗi người lính. Đây chính là cách mà những người chiến sĩ để lại dấu vết để không may hi sinh, không còn nhận dạng được, đồng đội còn xác minh danh tính và tìm được địa chỉ. Nhưng không phải ai cũng may mắn được đồng đội tìm thấy lọ thuốc thần kỳ ấy, nhiều người khi bom đánh trúng thân thể đã không còn nguyên vẹn. Vì vậy ở nghĩa trang Trường Sơn vẫn còn nhiều ngôi mộ chưa xác định được tên.

Ký ức Trường Sơn trong ông là những đêm trường ko ngủ, nằm trên cánh võng, nhìn ánh trăng qua kẽ lá, nghe tiếng lá rơi xào xạc, hoài niệm về quê hương nơi có bóng hình mẹ, có mái nhà tranh xiêu vẹo nhưng rất đỗi thân thuộc. Là ký ức rất đỗi đời thường, là những người lính thủy quân dầm mình dưới sông để đưa hàng hóa qua bờ bên kia, khi đội văn công đến, rất muốn nghe hát nhưng chiếc quần duy nhất lại đang phơi trên mỏm đá.

Nhạc sĩ Văn Hòe nói chính tinh thần lạc quan: đạn chưa chắc rơi trúng, trúng chưa chắc đã chết" đã khiến ông sống sót qua 2 cuộc kháng chiến ác liệt. Mỗi lần hành quân giữa Trường Sơn, ba lô nặng trĩu trên vai. Mỗi khí tới trạm giao liên, người lính sẽ nghỉ, còn khi đó những người nghệ sĩ như ông bỏ ba lô xuống là bắt đầu hát, đàn.

Điều nhạc sĩ Văn Hòe luyến tiếc không phải là dành tuổi thanh xuân cho chiến trường, mà là chiếc máy ảnh cùng 30 cuộn phim chụp các khoảnh khắc đắt giá ở chiến trường Trường Sơn đã bị phá hủy trong 1 lần địch đánh bom. Nhiều năm trôi qua, nhạc sĩ Văn Hòe vẫn trăn trở, vẫn hoài niệm về những ký ức giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Con người ta khi mãi sống trong hoài niệm vì chỉ sợ rằng kỷ niệm sẽ bị lãng quên, bị mai một.  

Một cuộc đời vẹn tròn cho âm nhạc

Nhạc sĩ Văn Hòe tên đầy đủ là Lê Văn Hòe, sinh năm 1929 ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũ. Vùng quê nghèo ven biển đầy nắng, gió và cát vàng. Người cha của ông công tác xa nhà nên 6 mẹ con cứ thế tự lập lo toan, cáng đáng cả công to việc lớn lúc vắng cha. 11 tuổi nhạc sĩ Văn Hòe theo cha ra Kinh Bắc vừa học, vừa phụ cha dạy chữ. Năm 1945, khi vừa tròn 16 tuổi, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhạc sĩ Văn Hòe tham gia vào quân đội, làm liên lạc viên cho Mặt trận Việt Minh.

Năm 1959, Văn Hòe được đưa về Thanh Hóa làm Trưởng đoàn kiêm Chỉ đạo ca múa của Đoàn Ca múa Thanh Hóa. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhạc sĩ Văn Hòe đưa đoàn đi khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam phục vụ bộ đội. Trong gian khổ, bom đạn chiến trường ác liệt, người nghệ sĩ ấy vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan ‘lấy tiếng hát át tiếng bom’ đi khắp nẻo đường Trường Sơn, đem tình yêu quê hương, tình đồng đội gửi gắm vào lời ca câu hát, là nguồn động viên tinh thần vô giá với những người chiến sĩ đang ngủ rừng, uống nước suối chiến đấu quên mình vì Tổ quốc.

Nhạc sĩ Văn Hòe chia sẻ rằng, trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông là chiến sĩ, cầm súng tham gia chiến đấu từ Nga Sơn - Phát Diệm lên Điện Biên ròng rã suốt 9 năm từ 1946 đến 1954. Cho tới kháng chiến chống Mỹ, ông là người lính trên mặt trận văn hóa, cầm đàn cầm bút cổ vũ tinh thần cho những người lính cầm súng, thấm nhuần câu nói của Bác Hồ từng dặn dò: ‘Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy’.

Hiện nay ông là người duy nhất còn sống trong số những hội viên khóa đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Chính bằng tâm huyết, tình yêu nghề, sống trọn với đam mê nhạc sỹ Văn Hòe đã trao truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ học trò như: NSND Hoàng Hải, nhạc sỹ Thanh Nhung, nghệ sỹ Uyên Phi,... đem tài năng và sức trẻ cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

Khi nghỉ hưu, nhạc sỹ Văn Hòe trở về với cuộc sống dung dị đời thường và dành nhiều thời gian để tập trung hiệu đính lại các độc bản và dị bản ký âm; xác định các hình thức biểu diễn, phân định vai trò các nhạc cụ. Đặc biệt là trong cuốn sách “Âm nhạc dân gian Thanh Hóa” (Nxb Thanh Hóa, 2015), ông đã dành hết công sức và tâm huyết nghiên cứu cơ cấu khúc thức rành rọt của hò - một hình thức hát ca tập thể cơ bản phác nên chân dung tình cảm người Thanh Hóa.

Ông nói rằng "Nếu hò trên sông Hương là chèo để hò, hò để đưa tình. Thì hò sông Mã là hò để chèo. Con sông Mã được ví như con ngựa bất kham, với chiều dài 242 km chảy qua Thanh Hóa. Trước đây, sông Mã được xem là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, lâm sản từ các huyện phía tây về. Vì vậy mỗi chặng đò, sẽ có những điều hò riêng. Ví dụ, đang chèo xuôi nhịp chèo thì hò khoan thai, ngắn gọn; nếu con thuyền  phải lên ngược dòng, thì người chỉ huy phải hò chống sào. Vì thế, hò sông Mã được chia thanh nhiều loại, như: Hò rời bến, hò nhịp đôi, hò đường trường, hò làn ai, hò làn văn…

Nhạc sĩ Văn Hòe hát một số điệu hò sông Mã đặc trưng.

Cả cuộc đời rong ruổi khắp từ Nam ra Bắc, nhạc sĩ Văn Hòe vẫn nhớ về gốc rễ quê hương Thanh Hóa, ông dành hầu hết 100 ca khúc của mình để viết về quê hương. Quê hương là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nên một tâm hồn lãng mạn, bay bổng nhưng cũng rất đời thực của nhạc sĩ Văn Hòe. Tuổi thơ, quê hương là nắng chiều loang lổ đổ bóng chiều tà, là con sóng vỗ rì rào muôn thuở, là bãi cát trải dài nhuộm bóng hoàng hôn, là chiếc thuyền mủng chở đầy tôm cá sau mỗi đêm ra khơi. Nơi miền quê biển, từng nghèo khó vẫn là nỗi trăn trở, nỗi nhớ da diết của người nghệ sĩ sống cả một đời trọn với đam mê. Ông nói rằng ‘tôi đã sống cả một cuộc đời ý nghĩa, sống trọn với đam mê và cống hiến, chẳng còn gì để phải hối hận’.

Nhạc sĩ Văn Hòe vẫn miệt mài làm việc trong khi tuổi đã cao. Ảnh: Thanh Tâm.

Nhạc sĩ Văn Hòe vẫn miệt mài làm việc trong khi tuổi đã cao. Ảnh: Thanh Tâm.

Con phố nhỏ, bóng cây lặng thầm in bóng dáng người nhạc sĩ cả một đời cống hiến. Năm nay đã 98 tuổi, nhạc sĩ Văn Hòe vẫn minh mẫn và tiếp tục sáng tác. Người nhạc sĩ ấy vẫn hằng đêm cặm cụi bên ánh đèn vàng, miệt mài sáng tác nghệ thuật chẳng phải vì để lại tiếng thơm cho đời, mà vì đam mê, vì trót yêu cho tới những mùa xuân cuối cùng. Ông đang hoàn thành bài hát ‘Nhắn nhủ đôi câu’ để gửi về dự thi giải Búa Liềm vàng quốc gia năm 2025. Ông ngâm bài hát theo hình thức ca trù, giọng trầm mặc:

‘Đời người rồi sẽ ra đi/ Trâu chết để da người ta chết để tiếng/Tham tiền bán rẻ lương tâm/Nhân tâm để mất còn gì nữa đâu…

Nhạc sĩ Văn Hòe ngâm bài hát vừa sáng tác, chuẩn bị gửi dự thi giải Búa Liềm vàng quốc gia 2025. 

Nhạc sĩ Văn Hòe nói, "ông chuẩn bị nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, vì vậy tới tháng 10 khi trao tặng cháu nhất định phải tới nhé". Rồi ông đinh ninh: "ông là người lính cụ Hồ nên rất kiên cường và lạc quan, nhất định ông sẽ sống qua ngày đó thôi".

Người nhạc sĩ đã sống qua hai thế kỷ, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chứng kiến bao đổi thay của đất nước. Chỉ có tình yêu với âm nhạc, với dòng sông Mã, với giọng hò quê hương là vẫn vẹn nguyên như thuở đôi mươi.

Tổ quốc ghi nhận công lao to lớn của nhạc sĩ Văn Hòe với những vinh danh vô giá: Huy chương kháng chiến hạng nhất, Huy chương chiến sỹ vẻ vang, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương đường 559... Hơn 70 năm làm nghề, ông được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận qua các ca khúc nổi tiếng như: Xe anh lại đi (1968), Khi tiếng khèn ngân vang (1985), Dòng sông quê hương (1986), Hương quế Thường Xuân (1990)...

Xem thêm
Vinamilk ‘viết tiếp câu chuyện hòa bình’ bằng tranh và hành động

'Bức tranh nhỏ, nhưng tình cảm thì lớn lắm. Thế hệ sau vẫn nhớ đến chúng tôi, thế là đủ ấm lòng rồi'- Thượng sĩ Nguyễn Chí Tường, một cựu chiến binh xúc động.

Bình luận mới nhất