Sáng 9/9/2024, mưa lớn nhiều ngày dồn dập khiến đất trời Cốc Lầu trĩu nặng. Sạt lở bắt đầu gặm nhấm từng sườn đồi, dòng nước lũ cuồn cuộn dâng lên ở xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (cũ), tỉnh Lào Cai – nơi có thôn Kho Vàng bé nhỏ với 115 nhân khẩu, đồng bào Mông và Dao sinh sống.
Linh cảm bất an cứ nhội lên trong lòng trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ. Không chậm trễ, Chứ cùng một số thanh niên tản ra kiểm tra tình hình xung quanh thôn và phát hiện quả đồi phía sau đã xuất hiện khe nứt. Họ chia nhau ra, một nhóm đi tìm chỗ an toàn làm lán tạm trú, một nhóm về hô hoán, vận động người dân trong thôn đi lánh nạn.
17 hộ dân, 115 con người đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần nhờ sự quyết đoán ấy. Bởi chỉ ít giờ sau, từ khe nứt nhỏ trên bề mặt, cả một góc đồi như nổi giận, đổ ập xuống Kho Vàng, phá hủy toàn bộ nhà cửa trong chốc lát.

Trưởng thôn Ma Seo Chứ - người hùng của Kho Vàng bên cô con gái thứ 3, được sinh ra không lâu sau bão Yagi. Ảnh: Tùng Đinh.
Đưa Kho Vàng lên núi
Từ trung tâm xã Cốc Lầu (cũ), nay là nơi đặt trụ sở Đảng ủy xã Cốc Lầu (mới) vào đến thôn Kho Vàng mới dài khoảng 6 km, men theo bờ Tây của dòng sông Chảy.
Trên bộ, mặt đường trải nhựa asphalt phẳng lì. Dưới sông, qua mấy tầng thủy điện, nước xanh ngắt chảy. Ấy thế mà cứ độ 1-2 km lại có một đoạn đường bị sông lẹm vào như một "vết thương", sạt xuống, hở hàm ếch, có chỗ lấn cả tim đường. Những "vết thương" là chỉ báo âm thầm của một Tây Bắc đẹp như tranh nhưng hiểm nguy rình rập từng bước, nhất là mỗi độ mưa bão trở về. Như trận lũ dữ tháng 9 năm ngoái, bất thần giáng xuống Kho Vàng, chẳng báo trước.
Để đến được Kho Vàng mới, từ con đường bên sông, chiếc ô tô với cỗ máy dung tích 1.5L dưới sự điều khiển của "tay lái bản địa" phải vượt qua 3 tầng dốc cao sừng sững, nhiều lúc gằn lên ở số thấp nhất, ì ạch leo lên.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu cũ, hiện là Chánh Văn phòng UBND xã Cốc Lầu mới, tay ghì chặt vô lăng điều khiển xe, mắt không rời khỏi đường, chỉ giọng nói có lúc như ngắt quãng: “Quả núi này được san gạt, làm nơi xây dựng 35 căn nhà cho người dân thôn Kho Vàng cũ và một số hộ người Dao ở nơi nguy hiểm chuyển đến làm nơi ở mới, thôn cũ bị lũ cuốn tàn phá hết rồi”.
“35 căn nhà được xây dựng trên diện tích khoảng 3,5 ha, mỗi căn được thiết kế rộng 60 m2, có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, bếp và công trình phụ. Cùng với việc xây nhà mới, người dân của thôn còn được tặng toàn bộ các trang thiết bị sinh hoạt cơ bản trong gia đình như tivi, giường, tủ, bàn ghế, bát, đũa... và lắp mạng internet”. Cũng theo anh Tuấn, Kho Vàng mới được cho là nơi an toàn nhất có thể xây dựng khu tái thiết cho bà con sau nhiều đợt khảo sát của chính quyền tỉnh Lào Cai cũng như các chuyên gia của trường Đại học Mỏ - Địa chất khắp địa phận xã Cốc Lầu cũ.

Thôn Kho Vàng mới, kiên cố, vững chãi trên đỉnh núi, nhìn xuống dòng sông Chảy hiền hòa. Ảnh: Tùng Đinh.
Để xây dựng được khu tái thiết này, 3 quả đồi đã được san gạt ngay ngắn, tạo thành 8 cao độ khác nhau. Việc thiết kế các ngôi nhà và bố trí dân cư cũng mang yếu tố văn hóa truyền thống và phù hợp tập quán bản địa. 13 hộ người Dao được bố trí ở dưới thấp, 22 hộ người Mông ở trên cao.
Từ trên cao nhìn xuống, 2 dãy nhà kiên cố chạy dài từ cao xuống thấp, xung quanh được dựng tường bao, hộ lan vững chãi, mặt sân, mặt đường đều được trải bê tông tươm tất, cây xanh bắt đầu bén rễ.
Đây là thành quả của 90 ngày thi công thần tốc theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Trong quãng thời gian 3 tháng đó, quá nửa là dành cho san, gạt, giải phóng mặt bằng, sau đó là chạy đua với thời gian bằng 3 ca, 4 kíp của các đơn vị thi công.
Để rồi, hình hài của một ngôi làng giữa núi rừng Tây Bắc, bên cạnh dòng sông Chảy êm đềm hoàn thành vượt tiến độ của Thủ tướng giao, khánh thành vào ngày 22/12/2024.
Ngày ấy với bà con ở Kho Vàng là ngày vui nhất, ngày họ được nhận nhà mới được xây lên bằng tình cảm và nghĩa tình của bao người, được sống trong sự quan tâm đùm bọc để hiểu rõ hơn hai chữ đồng bào. Để giờ đây, có một Kho Vàng trên đỉnh núi, vững chãi, an toàn, không ai phải thấp thỏm mỗi khi ông trời đổ nước. Cái đẹp ở Kho Vàng mới không phải thứ đẹp sẵn có, mà là cái đẹp được kiến tạo, được cắt gọt từ núi đồi, từ mồ hôi và từ cả ước vọng bền vững giữa đại ngàn Tây Bắc.

Những con dẫn lên Kho Vàng được trải bê tông, dựng ta luy, cắm hộ lan vững chãi. Ảnh: Tùng Đinh.
Sinh kế, con đường và mẹ thiên nhiên
Con dốc cuối không dành cho ô tô, chúng tôi leo bộ cùng anh Tuấn, vài đứa trẻ người Mông nô đùa chạy theo. Chúng hồn nhiên nói cười, chân đưa thoăn thoắt, chẳng bù cho cánh phóng viên miền xuôi, dốc quá không rảo nổi bước. Xung quanh, ồn ào tiếng máy cắt, máy khoan của những gia đình đang cải tạo chỗ ở mới cho thêm phần tươm tất.
Từ đỉnh dốc, trưởng thôn Chứ đi xuống, tay bồng cô con gái thứ 3 chưa đầy tuổi. Đứa bé bụ bẫm, cười tít mắt khi thấy mấy người lạ mặt đang tất tả đi ngược lên. Trên gương mặt người trưởng thôn sinh năm 1991 rạng ngời hạnh phúc nhưng thi thoảng vẫn xen lẫn ánh mắt âu lo về những ngày đã qua: "Chỗ mới này đẹp và kiên cố nhưng thi thoảng có gió to cũng lo phết anh ạ".
Chỉ tay về phía ngọn núi phía xa, đang ẩn hiện trong ánh mặt trời lúc chiều tà, Chứ nói: "Thôn cũ bọn em ở tít phía xa kia, cách đây khoảng 5 km. Xưa giờ có bao giờ sạt lở gì đâu, chỉ sau bão Yagi năm ngoái mới tan hoang như thế”.
Ngoài 35 hộ được chuyển về khu tái thiết này, 45 gia đình khác của xã Cốc Lầu cũ nằm trong vùng nguy hiểm cũng được Nhà nước hỗ trợ đi tìm nơi ở mới, an toàn hơn với số tiền 80 triệu đồng/hộ.
Nói vậy, nhưng ở đất Tây Bắc này, mối lo núi lở không bao giờ cất đi được, luôn canh cánh bên lòng. Kho Vàng có thể đã an toàn nhưng ở Cốc Lầu, vẫn còn không ít điểm nguy cơ, sẵn sàng sập xuống bất cứ lúc nào nếu thời tiết diễn biến cực đoan.
“Bà con vẫn còn lo lắm, trời mưa là thấp thỏm, nơm nớp. Chỗ nào nguy cơ là di dời, di dời xong mưa vài trận lại có thêm điểm nguy cơ mới. Có nhà làm xong, chưa kịp vào ở lại phải đi”, anh Tuấn chậm rãi nói, mắt hướng về những ngọn núi còn nham nhở dấu vết sạt lở từ năm ngoái, như vết cứa vào núi rừng chưa liền sẹo.

Một góc của thôn Kho Vàng mới, được xây dựng trên đỉnh núi, cạnh dòng sông Chảy. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo anh Tuấn, xã Cốc Lầu mới sáp nhập còn có Nậm Tông, một trong 3 khu tái thiết được Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành vào ngày 22/12/2024 cùng với Làng Nủ và Kho Vàng. Tất cả đều được xây dựng sau thiệt hại khủng khiếp của cơn bão Yagi.
Chuyển về đây từ trước Tết vừa rồi, nhưng đến nay người dân Kho Vàng vẫn hằng ngày đi xe máy về thôn cũ để làm lúa nước. "Có một điều may mắn là bà con Cốc Lầu chỉ bị mất chỗ ở, còn ruộng đồng, đất canh tác không bị tàn phá", anh Tuấn chia sẻ và nói thêm, các cây trồng chính của bà con trong xã vẫn là lúa, sắn và quế.
Chánh Văn phòng UBND xã chia sẻ, từ năm ngoái đến nay, hàng trăm đoàn thiện nguyện đã đến Cốc Lầu, mong muốn lớn nhất lúc này là các mạnh thường quân hỗ trợ về vật tư nông nghiệp như giống, phân bón để bà con ổn định sản xuất, có sinh kế bền vững từ nghề nông.
Nói về tương lai, Ma Seo Chứ mong mỏi Nhà nước quan tâm, cải tạo con đường từ Kho Vàng mới về Kho Vàng cũ - nơi ruộng nương, đồng lúa của bà con trước đây. “Bây giờ đi lại làm ăn vất vả lắm anh ạ, đường xa, lại khó đi. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì chịu chết”, Chứ nói.

Bé gái người Mông ngược con dốc trong nắng chiều, bước chân nhẹ nhàng, gương mặt hồn nhiên vui vẻ. Ảnh: Tùng Đinh.
22/12/2024, trong ngày lên khánh thành 3 điểm tái thiết sau bão Yagi ở Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông, Thủ tướng Phạm Minh Chính rút ra 6 ý nghĩa quan trọng để tổng kết lại công cuộc tái thiết này:
Một là, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Khi gặp khó khăn thách thức, tinh thần đoàn kết là điểm tựa vững chắc để nhân dân vượt qua.
Hai là, tình yêu thương con người, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được phát huy trong những thời điểm cam go, hiểm nguy nhất.
Ba là, khu tái thiết được hoàn thành là biểu hiện của việc thực hiện chủ trương không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bốn là, thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, các cơ quan đơn vị, trong đó có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện.
Năm là, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Sáu là, không gì là không thể, biến không thành có, biến khó thành dễ, với một tinh thần sự sống nảy sinh từ cái chết.