| Hotline: 0983.970.780

Phận người bên núi: Bài 1: Đêm Lâm Thượng nằm lo núi vỡ

Thứ Tư 23/07/2025 , 22:58 (GMT+7)

Tiếng sấm liên tục rền vang từ trên đỉnh núi, xé toang bầu không khí an lành của một chiều sơn cước. Người dân Lâm Thượng lại nơm nớp lo núi vỡ.

LTS: Mùa mưa bão càng đến gần, nỗi lo sạt lở cùng với vô số nguy cơ thiên tai khác lại càng chực chờ đe dọa đời sống đồng bào vùng cao Tây Bắc.

Loạt bài này là những ghi chép của Báo Nông nghiệp và Môi trường nơi vùng đất phên dậu của Tổ quốc - nơi mà từ đời này qua đời khác, dường như cả đất và người chưa bao giờ có được sự bình yên.

Ông Bàn Kiến Quốc, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phượng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Bàn Kiến Quốc, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phượng. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếng sấm liên tục rền vang từ trên đỉnh núi, xé toang bầu không khí an lành của một chiều sơn cước. Người dân Lâm Thượng lại nơm nớp lo núi vỡ.

1.

Nghe tiếng sấm, ông Bàn Kiến Quốc (62 tuổi), một người Dao ở bản Khe Bín (thuộc xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũ, nay là xã Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai mới) lại rùng mình. Người ngợm co rúm đầy sợ hãi. Mặt mũi lộ rõ vẻ thất thần, khiếp đảm hệt như người vừa trải qua cơn ác mộng.

Định thần lại đôi chút, ông tất tả giục vợ con gói ghém đồ đạc, vật dụng thiết yếu để sẵn sàng sơ tán bất cứ lúc nào. Giọng nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phượng chậm rãi: Sợ lắm rồi. Từ xưa đến nay, người Dao sinh sống ở lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn này chưa bao giờ chứng kiến cảnh núi rừng nổi điên như vậy. Nhất là sau trận mưa lũ hậu bão Yagi hồi tháng 9 năm ngoái. Sập nhà sập cửa, sạt núi, chết người, rất khủng khiếp. Năm nay, mới qua có mấy trận mưa đầu mùa mà dân bản đã phải chạy loạn đến ba bốn lần. Nếu từ giờ đến tối trời còn trút mưa xuống nữa, chắc chắn chẳng nhà nào dám ngủ.

Căn nhà ông Quốc nằm trung tâm của Khe Bín. Bản của người Dao nhưng đời sống sinh hoạt tựa như người Thái, người Tày. Ngôi nhà xây kiên cố, tựa lưng vào núi, trước mặt là ao và suối, phía bên kia là cánh đồng cũng chạy dọc theo chân núi. Ngày trước, người lạ vào đây ai cũng bảo Khe Bín yên bình. Nhưng mấy năm nay chẳng còn yên bình được nữa. Vừa nói, ông Quốc vừa ngước ánh mắt xa xăm lên núi. Trên ấy mây trời đang vần vũ, tiếng sấm nổ đì đùng. Dường như trong ánh mắt của một người có gần 30 năm làm lãnh đạo xã Tân Phượng, bóng núi còn thấp thoáng bóng của tử thần, luôn sẵn sàng gieo tai họa xuống đầu dân bản.

Hiện trường vụ lở núi ở bản Khe Bín. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện trường vụ lở núi ở bản Khe Bín. Ảnh: Tùng Đinh.

Khe Bín là bản đặc biệt khó khăn của xã Tân Phượng cũ. Cách trung tâm huyện Lục Yên gần 40 cây số, là vùng đất giáp ranh của 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang ngày trước. Bản nhỏ của đồng bào người Dao là một trong số hàng nghìn bản làng nằm rải rác ở phía Đông của dãy núi Hoàng Liên, dọc theo các con suối đổ ra sông Chảy. Ông Quốc thành thục mở Google Maps và chỉ cho chúng tôi từng vết lở loét trên nền màu xanh của núi. Khe Bín cũng là một vết lở loét. Và nếu kéo bản đồ từ trung tâm huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái cũ, ngược lên đến Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai, có thể dễ dàng bắt gặp vô số vết lở loét như Khe Bín, nhiều không đếm xuể. Nhất là sau đợt bão Yagi hồi cuối tháng 8 năm ngoái. Đất trời cuồng điên gây ra biết bao cơn thịnh nộ, thảm sát, tang thương khủng khiếp còn ám ảnh đồng bào đến tận hôm nay.

Chỉ có may mắn thần kỳ cả nhà tôi mới thoát chết trận ấy - giọng ông Quốc vẫn còn nguyên nỗi hãi hùng.

Chính xác đó là ngày 9/9 năm ngoái. Mấy ngày sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào mạn Hải Phòng - Quảng Ninh, mưa trút xuống sườn Đông của dãy Hoàng Liên như tra tấn. Con đường độc đạo từ Lâm Thượng đi vào Tân Phượng bị sạt lở, đất đá vùi lấp, Khe Bín bị cô lập hoàn toàn. Quá trưa, một tiếng nổ lớn từ trên đồi Tham Thẩu đẩy khối đất đá khổng lồ ập xuống phía đầu bản. Sức ép từ núi vỡ ra khiến hai bố con ông Triệu Kim Lộc (46 tuổi) và Triệu Thị Lương (22 tuổi) thiệt mạng. Cả bản tao tác hệt như vừa trải qua một trận bom càn.

Đến chiều, trời tiếp tục mưa, sườn núi phía sau nhà ông Quốc bắt đầu động đậy. Đất trồng quế trên đồi no nước, dần mềm nhũn ra như cháo. Một vài chỗ đã bắt đầu sạt trượt. Từng mảng núi lóc lở bắt đầu đổ ập xuống, ép vào tường nhà. Mấy cán bộ xã Tân Phượng đi đến vận động từng gia đình trong bản tìm nơi sơ tán. Ông Quốc tính, điểm an toàn nhất lúc này có lẽ là nhà văn hóa thôn vừa mới khánh thành, nằm cách chân đồi một con đường. Giả sử phương án xấu nhất là núi vỡ, đất đá sạt xuống thì bức tường xây kiên cố của nhà văn hóa chắc là trụ được.

Cả 6 thành viên trong nhà cùng với 2 người khách bèn dìu nhau ra đấy. Nhưng, đứa con dâu ông Quốc, chẳng hiểu do hoang mang quá hay sao mà lại lấy nhầm chìa khóa. Loay hoay mãi không thể mở cửa vào. Mưa mỗi lúc một lớn. Trời nhanh chóng tối sầm, tiếng núi vặn mình rùng rùng nghe chết khiếp. Không kịp quay trở lại nhà tìm chìa khóa nữa, cả 8 người vội bỏ nhà văn hóa, dắt díu nhau nhằm hướng đồi cao mà chạy. Chỉ vài phút sau, một tiếng nổ long trời, xé toạc cả màn đêm. Tiếng nổ mà sau này mỗi lần kể lại, ông Quốc vẫn sởn da gà.

Núi vỡ. Sau tiếng nổ như bom, cả một mảng đồi trồng quế của gia đình ông Quốc đổ sập xuống, như thể có người khổng lồ cầm xẻng xúc đất núi hắt xuống suối. Đất đá chảy ầm ầm như thác. Trong tích tắc, nhà văn hóa thôn bị đất đá đánh bay sang bên kia bờ suối, bị chôn vùi luôn cùng với cánh đồng lúa và một vài cây cổ thụ khổng lồ. Đứng từ cao nhìn xuống, cả cánh đồng toàn đất đá, lổn nhổn như một bãi chiến trường. Bên bờ suối là mảng bê tông vỡ ra từ nhà văn hóa thôn lẫn trong bùn đất, cũng là vết tích cuối cùng còn sót lại. Không ai dám hình dung, nếu chiều tối hôm ấy đứa con dâu ông Quốc tìm đúng chìa khóa, chắc chắn đống đất đá lẫn với cây cối kia và cả cái nhà văn hóa thôn nữa, đã trở thành mồ chôn của 8 mạng người.

Gia đình bà Triệu Thị Tiếp mất 2 người thân trong vụ lở núi năm ngoái. Ảnh: Tùng Đinh.

Gia đình bà Triệu Thị Tiếp mất 2 người thân trong vụ lở núi năm ngoái. Ảnh: Tùng Đinh.

Đó là trận vỡ núi thứ hai ở Khe Bín, chỉ trong vòng có một ngày. Không được may mắn như gia đình ông Quốc, thảm họa từ trên núi ập xuống đã cướp đi 2 người thân của bà Triệu Thị Tiếp (62 tuổi). Đau đớn hơn là trước khi núi vỡ, cả 6 người trong gia đình bà Tiếp đã chạy lên nhà anh con trai cả để sơ tán, nhưng sau bữa cơm trưa, nhìn thấy trời có vẻ đã ngớt mưa, người con trai thứ tên là Triệu Kim Lộc và đứa cháu Triệu Thị Lương chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào lại quay về căn nhà cũ để rồi mất mạng.

Đời người, đau đớn nhất là chứng kiến người thân chết ngay trước mắt - giọng bà Tiếp lạc khản khi nhắc lại bi kịch của gia đình. Cũng giống như ông Quốc, vừa kể bà Tiếp vừa ngước nhìn lên đỉnh núi còn loang lổ vết sạt trượt như một hố bom lớn nằm nghiêng. Nửa oán trách, nửa như sợ hãi. Cái thời khắc định mệnh ấy, hai bố con chúng nó vừa mới đi qua con dốc đầu bản. Loáng thoáng còn nghe tiếng con Lương thúc giục mọi người tìm chỗ mới dựng nhà, nơi này chẳng thể ở lâu. Vậy mà, đi thêm mấy bước thì đột nhiên núi vỡ. Sau mấy tiếng nổ động trời, sườn núi biến thành dòng thác, đất đá như lũ quét ầm ào trút xuống. Đứng từ bên này có thể nhìn thấy cả mảng núi khổng lồ đổ sập xuống, đất đá cuốn theo cây cối bay qua căn nhà cũ  và vùi luôn cả bố con anh Lộc. 4 ngôi nhà khác của anh em trong dòng họ Triệu cũng vùi theo đất đá, còn chút may mắn là người đã chạy kịp từ trước đó.

Sống ở đây bao nhiêu đời, bây giờ mới thấy khủng khiếp như vậy. Cả ông Quốc và bà Tiếp đều run rẩy. Gọi là bản đặc biệt khó khăn, nhưng cũng giống như người Tày ở ngoài Lâm Thượng, người Dao ở Khe Bín dựa vào núi rừng, khe suối, đời này qua đời khác cải tạo thành đồng, thành ao. Núi sau lưng, núi trước mặt, ở giữa là suối, là đồng, đời đời che chở và tạo nguồn sống cho đồng bào. Thế mà bây giờ, núi rừng lại thành hiểm họa. Ông Quốc ngậm ngùi.

Núi sạt xuống xóa sổ luôn cả cánh đồng Khe Bín. Ảnh: Tùng Đinh.

Núi sạt xuống xóa sổ luôn cả cánh đồng Khe Bín. Ảnh: Tùng Đinh.

Đêm xuống. Cả Khe Bín chìm trong bóng tối. Trời cũng đã bớt mưa, chỉ còn lất phất như sương, nhưng sấm vẫn động rền trên sườn núi. Thông tin về một cơn bão mới hình thành ngoài biển càng khiến dân bản thêm hốt hoảng.

Ông Quốc nhẩm tính, bản có hơn 53 nóc nhà, xấp xỉ 200  nhân khẩu. Sau thảm họa năm ngoái khiến 2 người chết, 16 căn nhà bị sập, một số gia đình đã tự tìm đất, chuyển nhà nhưng vẫn chỉ loanh quanh sườn núi bên Khe Bín này. Nhà nước cũng đã phê duyệt dự án tái định cư để di dời toàn bộ dân bản đến nơi ở mới, nhưng theo dõi đến nay vẫn đang gấp rút san lấp mặt bằng, chưa biết đến khi nào mới có thể xong.

Mưa quá. Anh Triệu Văn Lý, nguyên Chủ tịch xã Tân Phượng, hiện là cán bộ văn phòng xã Lâm Thượng (mới) chia sẻ. Đất xây dựng khu tái định cư thì đã có rồi nhưng thời tiết này máy móc không làm gì được. Thành thử, giải pháp trước mắt cũng chỉ biết vận động bà con sơ tán mỗi khi mưa kéo dài.

Cứ mưa liên tiếp 2 ngày bắt buộc phải sơ tán, ngoài ra xã cũng chưa nghĩ ra cách nào khác, giọng anh Lý hoang mang.

2.

Khe Bín là bản xa nhất, cách trung tâm xã Lâm Thượng (mới) gần hai chục cây số. Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, xã Lâm Thượng (mới) được mở rộng thêm không gian từ các xã Mai Sơn, Khánh Thiện và Tân Phượng. Dân số hiện có trên 19.500 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống dựa vào nông nghiệp. Lúa, ngô, quế, măng mai và chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch xã Lâm Thượng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch xã Lâm Thượng. Ảnh: Tùng Đinh.

Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Tuấn vốn là cán bộ của phòng Nông nghiệp và Môi trường của huyện Lục Yên (cũ). Gần chục năm lăn lộn với vùng cao, ông Tuấn đúc rút ngắn gọn: Phòng tránh thiên tai đang là vấn đề nan giải, không chỉ riêng với các xã của huyện Lục Yên (cũ) mà có lẽ là của cả khu vực Tây Bắc. Rừng rú mênh mông là thế nhưng chưa biết nơi nào thực sự an toàn.

Ông Tuấn phân tích: Đặc trưng của miền núi là bà con sống ven sườn đồi, khe suối. Đường sá hay ruộng đồng cũng xẻ núi, bạt đồi, đắp suối mà thành. Mưa lũ thì năm nào cũng đến, biết để cố gắng phòng tránh thôi chứ ai biết được đích xác chỗ nào là hiểm họa?

Sau bão Yagi năm ngoái, nhất là thảm họa liên tiếp xảy ra ở Làng Nủ, làng Át Thượng, bản Khe Bín, Cốc Lầu - Bắc Hà…, ông Tuấn có tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu và bước đầu cắt nghĩa thảm họa của khu vực miền núi có mấy nguyên nhân. Chủ yếu nhất là các điểm núi vỡ thường xảy ra phía sườn Đông của dãy Hoàng Liên, nơi điều kiện địa chất đang dần phong hóa, đất ngày càng mềm, gặp điều kiện thời tiết mưa nhiều rất dễ tạo thành những quả bom nước treo lơ lửng trên đầu người dân.

“Thời điểm ấy, tổng lượng mưa ở vùng trung du và miền núi phía Bắc lên đến 350 – 400 mm, thậm chí có nơi lên đến 500 - 600 mm. Khu vực phía Đông của dãy Hoàng Liên vốn dĩ có nền đất dốc lại ngậm no nước từ các trận mưa lớn triền miên dẫn đến núi đồi quá tải. Mưa làm cho đất nhão hơn, nặng hơn, liên kết đất cứ yếu dần và cuối cùng là thảm họa xảy ra”, Chủ tịch xã Lâm Thượng (mới) phân tích.

Đợt mưa bão kinh hoàng ấy khiến huyện Lục Yên xảy ra hai thảm họa ở Tân Phượng và Minh Xuân. Mất người, mất tài sản, đất đai sản xuất của bà con cũng gặp tổn thất hết sức nặng nề. Lại thêm một vấn đề nan giải của miền núi. Mỗi một điểm sạt lở không chỉ xóa sổ diện tích trồng quế, trồng măng, trồng cây lâm nghiệp mà còn kéo theo đất đá xuống lấp ruộng đồng, ao hồ. Gia đình ông Bàn Kiến Quốc ở thôn Khe Bín mất trắng 2 ha quế. Đã thế, đất từ trên đồi quế ụp xuống còn san phẳng cánh đồng của dân bản, đất đá đôn ruộng cao lên hàng mét, không thể dẫn nước vào canh tác nên bây giờ thành ra đồng chết.

Dấu vết còn lại từ những trận vỡ núi. Ảnh: Tùng Đinh. 

Dấu vết còn lại từ những trận vỡ núi. Ảnh: Tùng Đinh. 

Gia đình bà Triệu Thị Tiếp 6 người bây giờ còn 4, làm 3 sào ruộng và 5 sào ngô, nhưng vụ làm vụ bỏ bởi neo người. Nhìn chung đời sống đồng bào sau thiên tai ngày càng thêm cơ cực. Nói như ông Triệu Văn Phúc (63 tuổi), cũng ở bản Khe Bín: Không phải dân bản không chịu khó, nhưng làm không lại với trời. Quần quật quanh năm, chỉ một trận sạt lở vùi lấp hết cả, giữ được mạng người đã là may.

Anh Triệu Văn Lý dẫn chúng tôi lên khu tái định cư tập trung các hộ bị thiệt hại do thiên tai của xã Lâm Thượng (mới). Nghe bảo khó khăn lắm mới tìm được địa điểm này, rộng chừng hơn 2 ha, cách thôn Khe Bín không xa. Toàn bộ nguồn vốn đầu tư đều do Nhà nước chi trả, tới đây xong, dân chỉ việc xách đồ vào ở.

Anh Lý bảo: Theo khảo sát ban đầu chỉ có 27 hộ nguy cơ cao nằm trong diện tái định cư, nhưng cứ sau một trận mưa, xuất hiện thêm một vệt núi nứt lại tòi thêm vài hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Cái khó khăn, nan giải của nhiều địa phương vùng cao bây giờ là thế. Núi đồi vẫn sừng sững đứng đó, nhưng không biết sẽ gieo tai họa lúc nào. Dù hết sức lo ngại cho tính mạng, tài sản của người dân nhưng hầu hết chính quyền các địa phương chưa tìm đâu ra lời giải.

Xem thêm
Hai người nghi bị cuốn trôi khi qua ngầm tràn

Chiều 23/7, tại ngầm tràn Tân Hợp, xã Khuất Xá, tỉnh Lạng Sơn, xảy ra vụ việc hai người nghi bị nước cuốn trôi khi đang cố gắng di chuyển qua khu vực này.

Bình luận mới nhất