| Hotline: 0983.970.780

Phận người bên núi: Bài 2: Ám ảnh Át Thượng

Thứ Năm 24/07/2025 , 19:15 (GMT+7)

Chưa đầy một năm sau thảm họa khiến 9 người thiệt mạng, Át Thượng đang từng ngày gắng gượng để tái thiết cuộc sống. Một hành trình quá đỗi gian nan.

Át Thượng vỡ núi. Ảnh: Tùng Đinh.

Át Thượng vỡ núi. Ảnh: Tùng Đinh.

1.

Thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp địa giới hành chính, thôn Át Thượng bây giờ thuộc xã Lục Yên, còn trước đó vốn thuộc xã Minh Xuân (cũ). Thôn nhỏ, vỏn vẹn có 156 nóc nhà chủ yếu là người Tày, nằm rải rác trong thung, cách trung tâm huyện Lục Yên cũ không xa lắm.

Tháng Bảy, chúng tôi trở lại Át Thượng (xã Lục Yên, tỉnh Lào Cai mới) sau gần một năm kể từ thời điểm bão Yagi biến nơi này thành một trong những bản làng chịu nhiều đau thương nhất trên vùng cao Tây Bắc. Con đường nhỏ dẫn vào bản chênh vênh như sợi chỉ vắt qua lưng núi. Thi thoảng ngước mắt lên lại thấy từng mảng núi, mảng đồi nứt toác, tróc ra và lở loét như những vết thương của núi, chưa lành.

Vừa gặp lại, trưởng thôn Hoàng Văn Quế đã than thở: Thảm họa khủng khiếp mới qua chưa được một năm, chưa kịp gượng dậy thì mới đây ông trời lại tiếp tục hành hạ đất và người Át Thượng. Bà con khổ lắm.

Đó là trận lũ hồi cuối tháng 6 vừa rồi. Mưa lũ khiến 2ha ruộng của bà con trong bản bị vùi lấp. Dù may mắn không có thiệt hại về người nhưng thiên tai đã cuốn theo nồi cơm của 715 nhân khẩu.

“Sau mấy trận mưa, lũ đột ngột từ trên núi trút xuống. Trong tích tắc lũ ngập hết cả cánh đồng, tràn vào ao hồ, nhà cửa... Lũ về trong đêm, sáng ra nước rút thì ruộng của dân bản đã bị đất đá vun cao cả mét, ngổn ngang như bãi chiến trường. Số mạ bà con chuẩn bị cấy đành phải bỏ, định chuyển sang trồng ngô nhưng cũng chẳng xong vì ruộng giờ toàn đá sỏi. Chưa kể, cá trong ao, vịt ngoài suối, nguồn sống ổn định của bà con cũng bị lũ cuốn đi đâu mất dạng. Nói chung, tình cảnh Át Thượng bây giờ hết sức nan giải”, anh Quế ngậm ngùi.

Trưởng thôn Át Thượng Hoàng Văn Quế. Ảnh: Tùng Đinh.

Trưởng thôn Át Thượng Hoàng Văn Quế. Ảnh: Tùng Đinh.

Nan giải nhất là nỗi lo vỡ núi, trưởng thôn Át Thượng lo lắng. Hơn ai hết, dân bản người Tày này hiểu rõ hiểm họa từ trên núi khủng khiếp như thế nào. Như đợt mưa lũ sau bão Yagi năm ngoái, Át Thượng là một trong những cái tên tang thương nhất Tây Bắc, có lẽ chỉ sau mỗi Làng Nủ của tỉnh Lào Cai cũ.

Trận vỡ núi rạng sáng ngày 10/9 hôm ấy đã cướp đi sinh mạng của 9 người dân Át Thượng. 6 ngôi nhà bị vùi lấp không để lại bất kỳ một vết tích gì. Cả một vùng đất vốn là hình mẫu phát triển của vùng cao, bản đầu tiên của xã Minh Xuân cũ về đích nông thôn mới, trong phút chốc biến thành vùng đất chết, đau thương chất chồng như núi.

Sau thảm họa khủng khiếp, nhờ sự chung tay của cộng đồng và đặc biệt là Bộ Tư lệnh Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng), Át Thượng được hỗ trợ xây dựng 35 ngôi nhà tái định cư tại chỗ. Những hộ thiệt hại nặng nề nhất được ưu tiên chuyển lên ở trước, cùng với những hộ dân nằm trong nhóm nguy cơ cao từ các thôn bản: Tông Rạng, Kéo Quạng, Long Ta. Đó là sự chung tay và nỗ lực phi thường của cả xã hội, phần nào giúp bà con vơi bớt nỗi đau, dần ổn định cuộc sống.

Ở nơi sạt lở cũ, cỏ đã phần nào lên xanh, phủ lên 'vết thương' của núi, nhưng nguy cơ về một vụ sạt lở tiếp theo vẫn rình rập. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở nơi sạt lở cũ, cỏ đã phần nào lên xanh, phủ lên "vết thương" của núi, nhưng nguy cơ về một vụ sạt lở tiếp theo vẫn rình rập. Ảnh: Tùng Đinh.

Vừa nói anh Quế vừa dẫn chúng tôi đến hiện trường của vụ sạt lở đất khủng khiếp hồi năm ngoái.

Khe núi Khuổi Ma nằm ở cuối thôn. Ngày trước nơi này là chốn an cư của 6 hộ dân, đa phần là anh em ở cùng trong một dòng họ. Trưởng thôn Át Thượng mở cho chúng tôi xem một tấm ảnh ai đó chụp Khuổi Ma trước lúc xảy ra thảm họa. Đẹp như tranh. Những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày nằm lẩn khuất giữa màu xanh của sườn núi, trông thật yên bình.

Vậy mà… Vào cái đêm định mệnh 10/9, Khuổi Ma có 12 người, nhưng chỉ có 3 người sống sót.

Đau đớn nhất là bà Hoàng Thị Thắng (63 tuổi), dù may mắn giữ được mạng mình nhưng lại mất 4 người thân gồm có mẹ chồng, con trai, em dâu và một đứa cháu. Đã gần một năm sau thảm họa, mỗi lần nhắc lại cái đêm kinh hoàng ấy, bà lại khóc.

Đêm hôm ấy, bà Thắng ngủ cùng 2 đứa cháu nội dưới mái nhà sàn 5 gian được làm từ năm 2019. Đang thiu thiu thì trời đổ mưa, bà bồn chồn, lo lắng. Liền sau đó là một tiếng nổ lớn, căn nhà bị đánh bay, cuốn theo cả 3 bà cháu. Mở mắt ra, xung quanh chỉ toàn là bóng tối. May sao hai tay bà Thắng vẫn nắm chặt 2 đứa cháu. Bà cố gắng ôm chặt chúng nó ngoi lên giữa đống bùn đất, chỉ với suy nghĩ duy nhất là nếu chết thì người ta sẽ tìm thấy xác của cả bà và cháu.

Bà Hoàng Thị Thắng mất 4 người thân trong vụ núi vỡ năm ngoái. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Hoàng Thị Thắng mất 4 người thân trong vụ núi vỡ năm ngoái. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Hoàng Văn Tiện, người sau đó cứu được bà Thắng và 2 đứa cháu kể lại: Lúc ấy khoảng 2 giờ sáng, sau tiếng nổ lớn từ trên núi tôi cầm đèn pin chạy vào lia khắp mấy lượt nhưng không nhìn thấy mấy ngôi nhà của bà Thắng và hàng xóm ở đâu nữa. Đang hoang mang thì nghe tiếng kêu cứu giữa đống hoang tàn, lội bùn đất ra được đến nơi thì thấy bà Thắng đang ôm 2 đứa cháu, đất đá đã vùi lấp đến ngang ngực, tiếng khóc gào thê thảm.

Đất đá từ trên núi tiếp tục sạt xuống. Tiếng đá lăn, cuốn theo cây cối rầm rầm như thể núi đang vỡ. Bà Thắng bảo anh Tiện: Mày bế 2 đứa chạy đi, kệ bà. Cả 4 con người tiếp tục bị vùi trong bùn đất. Vật lộn mãi mới ngoi lên được thì cũng vừa lúc có người trong thôn đến ứng cứu.

Tôi nằm viện mất 2 tháng, người bầm như quả mận, bà Thắng lại khóc. Nhưng nỗi đau đớn về thể xác không thấm vào đâu so với nỗi đau đớn tâm can. Con trai bà, anh Hoàng Văn Dược (33 tuổi), Phó Chủ tịch Hội cựu Chiến binh xã Minh Xuân đến tận 16 ngày sau mới tìm thấy xác. Còn lại mấy gia đình ở Khuổi Ma, có nhà mất mẹ chồng, em chồng và mấy đứa cháu nữa, chỉ có những người đi xa là sống sót. Cả căn nhà sàn 5 gian của nhà bà Thắng, lợp hết 7.000 viên ngói đã không lại bất cứ một vết tích nào.

Thảm họa đi qua, bà Thắng được cấp một căn nhà mới ở khu tái định cư. Giờ đây, mỗi lần trời mưa bà lại hoảng loạn lo sợ. Nỗi ám ảnh đau thương mất mát chưa biết sẽ còn đeo đẳng người đàn bà này đến bao giờ?

Dự án ổn định dân cư Thôn Át Thượng. Ảnh: Tùng Đinh.

Dự án ổn định dân cư Thôn Át Thượng. Ảnh: Tùng Đinh.

2.

Trưởng thôn Hoàng Văn Quế dẫn chúng tôi lên khu tái định cư của thôn Át Thượng, rộng 2,3ha. Ở đó, 35 ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày. Mỗi căn có tổng diện tích 130m2 sàn với đầy đủ các vật dụng thiết yếu, nguồn vốn xây dựng được trích từ Quỹ Vì người nghèo của Bộ Quốc phòng.

Anh Quế cảm kích: Để có được khu tái định cư này, các đơn vị thi công đã huy động khoảng 200 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2 đã làm việc bất kể thời tiết, chạy đua với thời gian để đảm bảo tiến độ xây dựng, hoàn thành và bàn giao trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa rồi. Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 vừa mới xong, dù còn lắm ngổn ngang nhưng nhiều hộ dân đã chuyển đến ở, hiện các nhà thầu đang thi công nốt các hạng mục còn lại để sớm giúp người dân ổn định cuộc sống mới.

Khu tái định cư nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Khu tái định cư nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Đinh.

1 trong 7 hộ dân vào ở đợt đầu là anh Hoàng Văn Biên (45 tuổi), người mất cả bố mẹ, anh chị và đứa cháu trong thảm họa năm ngoái. Biên vốn là lao động rời quê đi làm ăn xa, khi xảy ra bi kịch của gia đình, anh quyết định quay về Át Thượng, phần để lo hương khói cho người thân, phần để gần gũi với dân làng. Bây giờ Biên mở một tạp hóa nhỏ ngay trong khu tái định cư mới, dù nỗi đau mất mát chắc chắn sẽ còn lâu nữa mới nguôi ngoai, nhưng anh bảo: phải cố để sống tiếp, cùng với dân bản đứng lên sau những thương đau.

Cạnh nhà anh Biên là nhà ông Hoàng Văn Quế, nhà bà Hoàng Thị Thắng…, mỗi gia đình là một tấn bi kịch nhiều nước mắt, nhưng sau tất cả họ đang cùng nhau gượng dậy. Như trường hợp của ông Hoàng Sơn Hải (em chồng bà Thắng), người mất mẹ, mất vợ, mất con, mất nhà cửa, ruộng vườn trong thảm họa năm ngoái. Mặc dù được chính quyền ưu tiên một căn nhà trong khu tái định cư nhưng ông Hải viết đơn xin không nhận.

Một đứa trẻ ở Át Thượng được đặt tên Yagi. Ảnh: Tùng Đinh.

Một đứa trẻ ở Át Thượng được đặt tên Yagi. Ảnh: Tùng Đinh.

Lý do, trong đơn ông viết thế này: "Nỗi đau thương mà gia đình tôi phải gánh chịu không có gì có thể nguôi ngoai được. Nhưng trong lúc khó khăn hoạn nạn đó, gia đình tôi được các cấp lãnh đạo, các lực lượng chức năng, bà con lối xóm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất… đủ để dựng một ngôi nhà mới để che nắng che mưa… Bản thân tôi và gia đình có thể bố trí được nhà và đất để ổn định cuộc sống nên tôi viết đơn này kính gửi UBND xã Minh Xuân về việc gia đình tự nguyện không nhận nhà ở Khu tái định cư Át Thượng và nhường suất ở này cho hộ gia đình khó khăn hơn”.

Đồng bào vùng cao tự bao đời nay vẫn vậy. Cang cường trong gian khó, trọng nghĩa trọng tình và luôn luôn thừa ý chí, khát vọng vươn lên. Chỉ có điều, như Trưởng thôn Hoàng Văn Quế trình bày: bài toán sạt lở núi đúng là đang hết sức nan giải. Chỉ có những hộ dân được cấp nhà và chuyển lên ở khu tái định cư mới có thể tạm thời yên tâm, còn lại số hộ nằm trong nhóm nguy cơ cao của Át Thượng vẫn còn nhiều lắm.

Trước mùa mưa lũ, thôn liên tục rà soát, cứ sau một trận mưa lại “tòi” ra thêm mấy nhà. Vừa mới hôm qua lại có thêm 17 hộ dân nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. Tính ra cả huyện Lục Yên cũ, hiện đã được sắp xếp thành 6 xã mới gồm: Lục Yên, Lâm Thượng, Tân Lĩnh, Khánh Hòa, Phúc Lợi, Mường Lai, không biết có bao nhiêu bản làng, bao nhiêu gia đình đang sống trong cảnh “nguy cơ cao” như ở Át Thượng.

Thống kê sau bão Yagi năm ngoái, trên địa bàn huyện Lục Yên cũ có 14 người chết, 75 ngôi nhà bị sập đổ và 33 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Sau bão, gần như xã nào cũng có vài chục trường hợp nhà cửa người dân nằm trong khu vực không an toàn. Một cuộc trường chinh tìm đất, tìm nguồn lực để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, nhưng không hề đơn giản.

Người dân Át Thượng nỗ lực khôi phục đất sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Người dân Át Thượng nỗ lực khôi phục đất sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Như thôn Át Thượng chẳng hạn. Anh Quế tính, cả thôn có 26,7 ruộng bà con làm 2 vụ. Cộng với hơn 110ha đồi rừng, nếu cuộc sống cứ bình yên thì đất ở, đất sản xuất không đến nỗi nguy nan. Tuy nhiên những năm gần đây thiên tai bão lũ cực đoan quá. Mất từ đất ở cho đến đất sản xuất, bây giờ bảo tìm một chỗ để hỗ trợ người dân làm nhà an toàn cũng rất khó. Hôm trước cán bộ xã xuống rà soát, vận động một số hộ dân cải tạo đồi, hạ ta luy xuống làm nền nhà, nhưng nhà làm hôm trước hôm sau đã thấy nước từ trong núi rịn ra, đồi tự nẻ rồi đất bùn đùn lên thành từng đống, thế là lại chạy.

Người dân kêu đến trưởng thôn, trưởng thôn kêu lên xã nhưng khó lắm. Số hộ đăng ký di dời nhà cửa ngày một đông. Trước mắt xã chỉ bố trí được 15 mảnh đất hỗ trợ bà con cải tạo làm nhà, nếu số hộ “nguy cơ cao” tiếp tục tăng vọt sẽ tính đến phương án chuyển sang khu tái định cư Gò Chè. Đất miền núi tưởng chừng mênh mông, vậy mà kiếm một chỗ làm nhà ở an toàn xem chừng rất khó nhọc.

Còn đất đai sản xuất nữa… Anh Quế bỏ lửng câu nói, hướng mắt nhìn ra cánh đồng dưới chân đập Át Thượng hiện chỉ còn là bãi đất đá lổn nhổn, không biết đến bao giờ mới có thể phục hồi. Trong số ấy có cả 1 sào ruộng của bà Hoàng Thị Vui, một hộ nghèo của thôn Át Thượng, nghe anh Quế nói cũng là sào ruộng duy nhất của gia đình.

“Đã hơn 30 năm kể từ trận lũ năm 1993, người Tày ở Át Thượng mới lại bị trời hành như năm ngoái đến năm nay. Nếu cứ đà này không biết bà con có ở lại được nơi này lâu dài nữa hay không”, anh Quế nén tiếng thở dài.

Chúng tôi rời Át Thượng khi ánh chiều chạng vạng. Trời dường như lại sắp đổ cơn mưa. Mây đen vần vũ trên sườn núi với vô số những vết thương loang lổ. Anh bạn đồng nghiệp lo lắng báo thông tin về một cơn bão mới ngoài khơi. Tây Bắc lại vào mùa mưa - mùa vỡ núi.   

Xem thêm
Hai người nghi bị cuốn trôi khi qua ngầm tràn

Chiều 23/7, tại ngầm tràn Tân Hợp, xã Khuất Xá, tỉnh Lạng Sơn, xảy ra vụ việc hai người nghi bị nước cuốn trôi khi đang cố gắng di chuyển qua khu vực này.

Bình luận mới nhất