Giao thông kết nối Sa Pa tê liệt
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ đêm 30/6 đến sáng 1/7, tỉnh lộ 155 đoạn qua Trạm thu phí BOT Lào Cai - Sa Pa xảy ra sạt lở nghiêm trọng, khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn theo hướng đi Sa Pa.
Theo ông Vũ Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn (tỉnh Lào Cai), mưa lớn cũng gây ra nhiều điểm sạt lở trên quốc lộ 4D, trong đó nghiêm trọng nhất là tại Km12+600, khu vực gần trạm thu phí BOT. Lượng đất đá lớn tràn xuống mặt đường không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn làm hư hại nhiều hạng mục của trạm thu phí này.

Mưa lớn kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng tại KM12+600 đoạn qua xã Tả Phìn ( Lào Cai) đi Sa Pa. Ảnh: Vũ Sơn.
Theo ông Quý, trong thời gian tuyến chính bị gián đoạn, các phương tiện có thể lưu thông theo hướng đường cũ từ nút giao Xuân Giao trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai để lên Sa Pa. Hiện đơn vị quản lý trạm thu phí BOT đã thông báo tạm thời đóng chiều lên từ phường Lào Cai đi Sa Pa để đảm bảo an toàn.
Được biết, ngay sau khi phát hiện sự cố, lực lượng bảo trì đường bộ thuộc Sở Xây dựng Lào Cai đã huy động máy móc, thiết bị khẩn trương khắc phục. Sau gần 4 giờ thi công, đến 11 giờ ngày 1/7, đã thông tuyến bước 1 tại điểm sạt lở tại Km120, quốc lộ 4D (Lào Cai - Sa Pa). Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý bảo trì đường bộ, hiện khu vực sạt lở vẫn có mưa và đất, đá có nguy cơ tiếp tục bị sạt nên người và phương tiện cần đảm bảo an toàn khi lưu thông qua đây.
Nông nghiệp Thái Nguyên thiệt hại lớn
Trong 10 ngày cuối của tháng 6 vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới. Không chỉ làm sạt lở, chia cắt giao thông, mưa lũ còn khiến hàng trăm ha lúa, rau màu bị vùi lấp, ngập úng, ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân.
Theo đó, mưa lớn liên tục nhiều ngày khiến đất đá từ taluy dương sạt lở, tràn xuống mặt đường. Nhiều tuyến giao thông liên xã ở Phủ Thông, Cẩm Giàng bị chia cắt tạm thời, việc đi lại, giao thương bị ngưng trệ.

Cánh đồng bị nước lũ tràn qua tại xã Đồng Phúc, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.
Không chỉ vậy, nhiều diện tích ruộng đồng ở các xã vùng thấp chìm trong nước. Mặt ruộng phủ bùn non, lúa đổ rạp, thối rễ, gãy thân. Những cây còn sót lại cũng đã ngả màu úa vàng, không thể hồi phục. Ở nhiều nơi, nước vừa rút để lại lớp bùn dày, những bãi đất loang lổ xác lá, xác rễ lúa.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mưa lớn gây ngập úng cục bộ 439 ha lúa và hoa màu; hơn 75.000 con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 16 ha ao nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Đến nay đã có 277 nhà dân và một số công trình công cộng bị sạt lở, ngập nước hoặc hư hỏng. Hơn 548 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, hư hại. Nhiều tuyến đường bị đất đá vùi lấp với khối lượng gần 7.800m3, một số nơi bị chia cắt tạm thời. Trong khi phương án khôi phục sản xuất đang được các ngành chức năng từng bước triển khai, người dân ở nhiều địa phương vẫn đang nỗ lực dọn dẹp đồng ruộng, khôi phục sản xuất để giữ lấy sinh kế.
Ghi nhận của Báo Nông nghiệp và Môi trường, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa to, có nơi trên 250mm. Mưa lớn đã gây ra ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp. Đã có 2 người thiệt mạng do sạt lở đất và bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ, sạt lở đất đã gây sập đổ và ngập úng hàng chục ngôi nhà của người dân ở các địa phương.