
Nét cổ kính ở làng quê xứ Đoài ngày nay.
Đúng là như vậy, Nam Định khoảng những năm 90 (thế kỷ XX), không thể tưởng tượng nổi một thành phố hình thành từ rất sớm, một trung tâm dân cư với ngành công nghiệp dệt phát triển rực rỡ một thời lại có hình dạng như vậy.
Mọi thứ vẫn như xưa, hồ Vị như một vệt nước loang cho những tàn cây soi bóng buồn ảm đạm. Những bức tường của nhà máy dệt chạy dài xạm đen, vẫn Hàng Sắt, Hàng Thao, vẫn kẹo Sìu… cổ kính mang bóng dáng của những năm tháng đầu thế kỷ 20. Đâu rồi những “thầy thông, thầy phán” “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”!
Ai đến đây chắc cũng đều thế cả, thả bộ trong đêm, thả hồn mình giăng mắc giữa những con phố nhỏ dọc ngang, không có đô thị nào mà khách bộ hành đi dưới lòng đường thanh thản như vậy. Tất cả đều vắng lặng, chỉ có tiếng bước chân mình và bóng mình đổ dài trong đêm dưới ánh đèn đường vàng vọt. Thỉnh thoảng vời vợi tiếng còi tàu ngoài ga vọng về, chẳng biết tàu vào hay tàu ra. Hình như có tiếng “trống chầu” của “tao nhân mặc khách” đâu đó…
Thế rồi khách phải giật thót người vì một tiếng kẻng ngay bên cạnh. Có lẽ cả nước ta chỉ còn mỗi Nam Định duy trì được nề nếp này: Dân phố gác đêm! Mỗi nhà cử ra một người, luân phiên nhau, đêm nào cũng vậy, cách đoạn lại có một người. Đôi khi là một đứa trẻ vị thành niên chắc trực thay bố mẹ… ngồi ngủ gật trên một cái ghế đẩu để thực hiện trách nhiệm thị dân. Khách ngoái nhìn, có chỗ là một mảnh tôn, một đầu quả đạn pháo đã tháo liều nổ được treo lên làm kẻng… Đây là nơi đã phát ra những tiếng rời rạc trong đêm để giao ca, không phải tiếng trống, tiếng phách của một chầu hát văn trong vắng vẻ.
Đó là hệ quả của một thành phố mà sức sống chỉ nhìn vào công nghiệp dệt, khi ngành dệt với cơ chế quản lý cồng kềnh và những thiết bị lạc hậu không đủ sức cạnh tranh, người lao động thiếu việc làm, khuôn mặt uể oải theo từng vòng đạp bánh xe lăn mỗi buổi chiều về. Bên cạnh đó, việc sáp nhập tỉnh trước đây (Hà Nam Ninh) chẳng những không thúc đẩy được sự tăng trưởng kinh tế mà còn dẫn đến tính cục bộ địa phương. Sự chênh lệch giữa các vùng bắt đầu xuất hiện, điều này từng được thể hiện rất rõ nét đối với tỉnh Hải Hưng. Hải Hưng là do hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập mà thành.
Về Hưng Yên ngày đó thấy ngay một nghịch lý, nơi đây là quê hương của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (đồng chí Tổng bí thư quê ở làng Bần Yên Nhân), một Tổng bí thư đóng góp nhiều công sức và rất quyết liệt trong thời kỳ đổi mới. Vậy mà so với Hải Dương, nếu không kịp thời chia tách thì thị xã Hưng Yên sẽ biến thành một… thị trấn! Có lẽ Hưng Yên là một trong số ít thị xã trì trệ đến như vậy, điều đó lại xảy ra trên quê hương của người khai sinh ra cải tổ, đổi mới.
Sau khi chia tách, Hưng Yên phá vỡ được thế biệt lập của mình. Trước đây, cả thị xã nhìn ra quốc lộ số 5 qua gần 30km bằng quốc lộ 39. Phía bên kia qua cầu Triều Dương sang Thái Bình - một ốc đảo khi chưa có cầu Tân Đệ. Một mặt nữa là sông Hồng bao bọc, chung với một huyện cuối tỉnh Hà Tây cũ bằng truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Về Hưng Yên nghe cán bộ còn lại của thời đó kể chuyện lại nhớ đến xứ Đoài. Cũng như Hưng Yên, mỗi sáng đầu tuần từ những xóm thôn như “nanh sấu” dọc đường. Mùa hè còn khá, mùa đông mới thật buồn. Chẳng ai bảo ai, tất cả cứ lùi lũi tiến ra những bến xe "sép" từ lúc tờ mờ đất để đợi “xe tháng” đưa cán bộ về Hà Đông làm việc. “Trưởng xe” là một ông giám đốc sở, sở của ba tỉnh (Sơn Tây, Hà Đông, Hoà Bình) sáp nhập lại. Tất cả cùng lục đục trên một chiếc xe chở khách ngày thường vẫn ngược xuôi trên đường.
Nhiều năm như thế, xứ Đoài trở thành một trung tâm thứ hai (sau thị xã Hà Đông), một trung tâm phụ không hấp dẫn được cư dân sinh sống.
Có một điều lạ là ba trung tâm trên (Nam Định, Hưng Yên, Sơn Tây) đều là những trung tâm văn hoá hình thành rất sớm trong lịch sử văn hoá Việt Nam. Nếu như Hưng Yên được coi là trung tâm buôn bán sầm uất vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, một thương cảng lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á (cho tàu buôn nước ngoài vào) lúc bấy giờ - “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” - thì, với Nam Định là một trung tâm Nho học rất phát triển. Cả khu vực đồng bằng Bắc bộ có hai trường thi, tại Nam Định có một trường. Trường thi này tồn tại cho đến năm 1919, cũng là khoa thi cuối cùng trong lịch sử thi cử của Nho giáo Việt Nam.
Sau “đổi mới” và nhất là sau khi chia tách tỉnh, Nam Định cũng như Hưng Yên đã bắt kịp được nhịp độ phát triển kinh tế so với các địa phương khác. Riêng xứ Đoài chưa có tín hiệu gì khả quan nhưng chúng ta có quyền tin tưởng rằng, một vùng đất rất giàu truyền thống trong lịch sử phát triển của mình, xứ Đoài sẽ đổi thay. Sự thay đổi ấy phải được bắt đầu từ con người, những con người tiên phong trong cách nghĩ và cách làm.
Xứ Đoài vốn là vùng đất rất cổ, trải dài hữu ngạn sông Nhị Hà là những cánh đồng phì nhiêu và những làng quê trù phú. Cho đến tận bây giờ những tục danh mang đậm dấu vết của những làng nghề cổ sơ nhất vẫn còn tồn tại. Kẻ Mía là một tục danh dùng để chỉ một vùng rất nổi tiếng với nghề nấu kẹo đường. Sau này cư dân đông đúc Kẻ Mía được chia làm hai, trong văn tự hai vùng này là Cam Giá Thượng tổng (nay thuộc huyện Ba Vì) và Cam Giá Thịnh tổng (nay thuộc thị xã Sơn Tây).
Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch, Mía được bắt đầu từ âm “mị ê”. Tục rằng, thời Đức Thánh Tản trị thủy có một người con gái đẹp tên là Mị Nương, chính nàng Mị Nương đã dạy dân trồng một thứ cỏ ngọt (mía) để làm thực phẩm… Nhớ ơn người có công, dân gian đặt tên nàng cho cây cỏ đó gọi là Mía (mị ê - Mía - sang chữ Hán là Cam Giá).
Bên cạnh đó nghề tầm tang, canh cửi vốn là những việc làm thường niên của các làng quê Xứ Đoài.
"Lụa này là lụa Cổ Đô
Chính danh lụa cống (cống, tiến vua) các cô ưa dùng".
Xứ Đoài, vùng đất phía tây thành Thăng Long - Hà Nội, là vùng đất cổ được hình thành từ buổi bình minh lịch sử chinh phục đồng bằng Bắc bộ. Đó là lịch sử của tinh thần cần cù và sáng tạo của các dân tộc Việt Nam trong buổi đầu dựng nước. Giai đoạn huyền sử bi hùng đó gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Trải năm tháng thời gian, tinh thần độc lập (chống lại việc đồng hoá của phương Bắc), ý chí tự cường (phát triển nông nghiệp trên nền tảng lúa nước) vẫn lưu đậm dấu vết trong các làng quê xứ Đoài. Trong quá trình hình thành và định đô của các triều đại phong kiến Việt Nam, xứ Đoài luôn luôn và bao giờ cũng là vùng đất phên dậu của thủ đô ngàn năm Văn Hiến.
Phát triển nông nghiệp trên cơ sở du nhập cái mới, người có công trong việc này có lẽ là cụ Phùng Khắc Khoan. Cụ Phùng Khắc Khoan quê ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, nhân một chuyến đi sứ sang Trung Quốc cụ đã mang về nước nghề dệt the, dệt lượt. The và lượt gần đây không được dùng rộng rãi nên không kích thích được sản xuất. Dấu vết còn lại của nghề này là nghề dệt lưới vó hiện nay của Hữu Bằng. Quan trọng hơn cả là cụ Phùng Khắc Khoan đã mang về Việt Nam được giống ngô (đại mễ), ngô là cây lương thực thích nghi với những vùng đất cao ráo và không phải là giống có mặt trong các vùng làm lúa nước. Cây ngô vào Việt Nam, bổ sung vào hệ cây lương thực nước ta, một nước mà sản xuất lúa nước rất bấp bênh vì thuỷ chế các dòng sông hết sức thất thường. Cụ Phùng Khắc Khoan (không phải là trạng nguyên) được nhân dân gọi là Trạng Bùng (Hữu Bằng), “Ông Trạng canh nông”!