Bức họa "Tôm" vẽ bằng mực nho của Tề Bạch Thạch
* Xin cho biết vài nét về danh họa Tề Bạch Thạch ở Trung Quốc?
Võ Liên Hà, Tân Thanh, Lạng Sơn
Theo nhà nghiên cứu Lê Anh Minh thì họa sĩ Tề Bạch Thạch sinh ngày 23 tháng 11 năm 1863 tại làng Tinh Đẩu, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, trong một gia đình nông dân nghèo. Ông tên thực là Tề Thuần Chi. Năm 27 tuổi học vẽ, được thầy đặt tên cho là Hoàng, tự là Tần Sinh, hiệu là Bạch Thạch.
Tề Bạch Thạch nhận ra rằng không thể nào cứ sao chép cổ nhân mãi, từ đường nét đến ý tứ. Thế là ông bỏ lối công bút (tức là lối vẽ công phu tỉ mỉ) mà theo lối ý bút (lối vẽ phóng khoáng, tả ý) đồng thời quyết định phải du lãm thật nhiều để tìm ý tứ mà sáng tác cũng như để làm giàu kinh nghiệm sống. Bước phiêu lãng của Tề Bạch Thạch rất dài trên đất nước rộng lớn. Năm 1907, ông sang Việt Nam, và ghi lại sông núi hoa gấm của nước Nam qua tác phẩm Lục Thiên Quá Khách. Sau 5 năm giang hồ phiêu lãng, ông về quê cũ, chuyên rèn luyện cổ văn, thi từ, đồng thời soạn lại những bút ký và họa cảo qua các cuộc viễn du, viết thành tác phẩm Tá Sơn Đồ Quyển gồm 52 bức họa và 24 bức chuyên vẽ đá.
Đến năm 1927 thì danh tiếng Tề Bạch Thạch lẫy lừng chốn đế đô. Ông được mời giảng dạy tại Quốc Lập Bắc Kinh Nghệ Thuật Chuyên Môn Học Hiệu (năm 1928, trường đổi tên là Mỹ Thuật Học Viện). Nhân dịp này ông xuất bản "Tá Sơn Ngâm Quán Thi Cảo Ấn Phổ". Tề Bạch Thạch nổi tiếng không kém đại danh họa tiền bối là Ngô Xương Thạc, bấy giờ người đời xưng tụng câu "Nam Ngô Bắc Tề" (phương Nam có Ngô Xương Thạc, phương Bắc có Tề Bạch Thạch). Nhưng họ Ngô tạ thế trong năm 1927 này, thọ 84 tuổi. Thành thử chỉ còn "Bắc Tề", bấy giờ 65 tuổi, lừng lẫy một phương.
Năm 1933, Hoa Bắc rơi vào tay bọn quân phiệt Nhật, Tề Bạch Thạch bỏ dạy học hẳn, bế môn bất xuất, chỉ ngâm thơ vẽ tranh, khắc ấn triện, cự tuyệt bán tranh. Để tránh sự dòm ngó theo dõi của giặc Nhật Bản và bọn Hán gian, ông treo trước cửa nhà mấy chữ "Bạch Thạch Lão Nhân tâm bệnh phục phát, đình chỉ kiến khách" (tâm bệnh của Tề Bạch Thạch tái phát, miễn tiếp khách) và bốn chữ "Đình chỉ mại họa" (ngưng bán tranh). Ngày 14/8 năm Ất Dậu (1945) quân Nhật đại bại, Tề Bạch Thạch sung sướng đến nỗi không ngủ được, ông liền mở cửa bán tranh và khắc ấn triện trở lại. Năm ông 86 tuổi (1946), ông đi Nam Kinh tổ chức triển lãm. Toàn bộ tranh của ông đem triển lãm được bán sạch.
Ngày 16/9/1957, Tề Bạch Thạch đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi thương tiếc ngậm ngùi trong lòng thân bằng quyến thuộc cũng như người ái mộ bốn phương..
Ông đã cứu lấy môn hội họa truyền thống ra khỏi biển chết. Bởi lẽ mấy ngàn năm trôi qua, người sau cứ bắt chước cổ nhân, từ bút pháp đến ý tưởng, thành thử mọi đề tài đều đã quá cũ, mọi ước lệ đều quá sáo mòn. Người họa sĩ luôn lúng túng tìm một hướng sáng tác riêng, bởi tất mọi thứ thì cổ nhân đã sáng tác quá nhiều rồi, không còn gì mới lạ nữa. Tề Bạch Thạch đã nhận ra điều này, và ông đã từ bỏ lối công bút nô lệ cổ nhân đi để chuyên lối ý bút đầy sáng tạo.
Cái họa pháp tả ý của Tề Bạch Thạch phần nào gần gũi với lối vẽ của tranh Thiền mà D.T Suzuki gọi là "bút pháp một góc" (one-corner style), bút pháp này chừa một khoảng trống thoáng cho tranh và rất là gợi ý. Tranh ông vẽ như đùa, nguệch ngoạc dăm ba nét, phóng bút mấy dòng thơ, nhưng xem chữ viết của ông đề "Bạch Thạch Lão Nhân, 80-90 tuổi", mới biết nét bút nguệch ngoạc ấy là cả một quá trình điêu luyện mấy mươi năm trời. Dường như ở cái tuổi gần đất xa trời hơn thì con người chất phác hơn, đã bỏ đi thói hoa mỹ giả dối chăng? Những giác ngộ nào về cuộc sống, về kiếp người, đã khiến ông từ bỏ những đường nét cầu kỳ lòe loẹt hoặc khuôn sáo giả dối, để mà trực nhập vào chân lý vi diệu, đối diện cuộc đời...