| Hotline: 0983.970.780

Vải không hạt bén rễ xứ Thanh

Thứ Hai 12/05/2025 , 20:13 (GMT+7)

THANH HÓA Sau 6 năm trồng, giống vải không hạt đã bén rễ vùng đất Ngọc Lặc (Thanh Hóa), khả năng cho năng suất cao trong vụ thu hoạch tới.

Năm 2019, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm (Công ty Hồ Gươm Sông Âm) đưa về trồng thử nghiệm hơn 20ha vải không hạt tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là giống vải có chất lượng cao, cùi mọng, giòn, trắng trong, có vị thanh mát và nhiều chất vi lượng quý, độ đường thấp, phù hợp với người bị bệnh lý tiểu đường. Ngoài ra, vải không hạt có giá bán cao hơn các loại vải thông thường từ 9 - 10 lần, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

20ha đất trồng vải trước đây Công ty Hồ Gươm Sông Âm trồng mía, tuy nhiên giá trị kinh tế không như mong đợi. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày sang trồng cây ăn quả bước đầu đem lại hiệu quả. Vườn vải không hạt năm nay đã đậu quả, chỉ khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn bội thu.

20ha vải không hạt được trồng thử nghiệm ở huyện Ngọc Lặc đã cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tâm.

20ha vải không hạt được trồng thử nghiệm ở huyện Ngọc Lặc đã cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tâm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc điều hành Công ty Hồ Gươm Sông Âm, cây vải không hạt phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Ngọc Lặc, trồng 3 năm đã cho quả bói. Việc chăm sóc giống vải này không khó, sau 6 năm Công ty đã làm chủ được quy trình trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, yếu tố thời tiết không tính trước được, đặc biệt điều kiện thời tiết mỗi lần ra hoa đậu quả sẽ quyết định lớn tới năng suất.

Dẫn chúng tôi thăm vườn vải bạt ngàn, anh Bùi Đức Thủy, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Hồ Gươm Sông Âm chia sẻ: "Năm 2019, lần đầu tiên Công ty mang cây giống vải không hạt về trồng khảo nghiệm, lúc đó kinh nghiệm chưa có. Tôi cùng một số cán bộ kỹ thuật phải ra tận Lục Ngạn (Bắc Giang) là thủ phủ trồng vải của cả nước, ăn nằm nhiều ngày để học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây vải".

Anh Thủy quy hoạch, thiết kế đồng ruộng, hướng dẫn công nhân quy trình trồng, từ việc đào hố theo đúng kích thước, bón phân lót, trồng cây giống... Anh đã cùng hàng chục công nhân tự tay vun trồng, chăm sóc từng cây vải không hạt. Nhiều đêm anh không về nhà mà ở lại vườn cùng công nhân làm tới tận khuya cho kịp tiến độ trồng.

Anh Bùi Đức Thủy bên giống vải không hạt đã 'bén rễ' ở vùng đất Ngọc Lặc được 6 năm. Ảnh: Thanh Tâm.

Anh Bùi Đức Thủy bên giống vải không hạt đã "bén rễ" ở vùng đất Ngọc Lặc được 6 năm. Ảnh: Thanh Tâm.

"Cũng như cây ăn quả khác, nếu không 'ngủ dưới gốc cây' thì sẽ không có thành quả. Đặc biệt với cây vải không hạt, do là giống nhập nội, chưa thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam nên mỗi lần vào mùa vụ tôi mất ăn mất ngủ, túc trực theo dõi diễn biến quá trình ra hoa, đậu quả. Cho tới lúc cây đậu quả vẫn chưa thể yên tâm vì phải thực hiện chăm sóc đặc biệt mới hình thành cùi, nếu không quả sẽ bị lép”, anh Thủy chia sẻ.

Ngày 14/6/2023, Công ty Hồ Gươm Sông Âm đã hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ quả vải không hạt sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không. Vải không hạt được Công ty Hồ Gươm Sông Âm sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đạt chứng nhận hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada và các nước EU.

Tháng 6/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã đến thăm vườn vải không hạt của Công ty Hồ Gươm Sông Âm. Ảnh: Quốc Toản.

Tháng 6/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã đến thăm vườn vải không hạt của Công ty Hồ Gươm Sông Âm. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết, năm 2024, nhiều đối tác đã liên hệ đặt mua vải của Công ty với giá từ 350.000 - 400.000 nghìn đồng/kg. Năm 2025, có đơn vị đã đề nghị nghị hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện Công ty vẫn chưa ký hợp đồng vì còn phụ thuộc vào sản lượng cũng như giá thành khi vào vụ thu hoạch.

“Việc xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh năm 2023 là dấu mốc quan trọng mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Công ty nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói chung. Để các mặt hàng trái cây, rau quả xuất khẩu vào thị trường khó tính như các nước châu Âu, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát đối với thực phẩm biến đổi gen (GMO), truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn”, ông Huệ nói.

Công ty Hồ Gươm Sông Âm đang ươm giống để chuẩn bị mở rộng diện tích trồng vải không hạt. Ảnh: Thanh Tâm.

Công ty Hồ Gươm Sông Âm đang ươm giống để chuẩn bị mở rộng diện tích trồng vải không hạt. Ảnh: Thanh Tâm.

Công ty Hồ Gươm Sông Âm cũng đã liên kết với Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông Nghiệp và Môi trường) để nhân giống vải không hạt và đăng ký bảo hộ bản quyền giống để đảm bảo các điều kiện cung ứng giống ra thị trường.

Vải không hạt được Công ty Hồ Gươm Sông Âm lấy tên là “Vải Ngọc” với ý nghĩa là giống vải quý như ngọc và gắn liền với vùng đất trồng thử nghiệm Ngọc Lặc. Đầu năm 2025, Công ty đã trồng thêm 20ha, kế hoạch sẽ mở rộng thêm 40ha vào năm 2026, nâng tổng diện tích trồng vải không hạt lên 80ha.

Xem thêm
Môi trường sạch, giá thành giảm nhờ nuôi heo ứng dụng công nghệ sinh học

KON TUM Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum lần đầu đưa vào sử dụng đệm lót và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi heo, hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Người đàn ông tử vong sau hai lần bị chó cắn

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Một người đàn ông 48 tuổi ở thành phố Phú Mỹ tử vong với các dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, sau hai lần bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Sụt lún ngày càng lan rộng, cần sớm xác định nguyên nhân

Bắc Kạn Từ hố sụt lún đầu tiên vào tháng 3, đến nay đã xuất hiện 7 hố sụt lún ở thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn) khiến người dân lo lắng.

Nghị quyết 57 như 'hồi trống lệnh' hiệu triệu nhà khoa học

Đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đặt nhiều kỳ vọng từ hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của ngành nông nghiệp và môi trường.

Đặt mục tiêu nuôi trồng, khai thác 9.200 tấn thủy sản vùng hồ Thác Bà

YÊN BÁI Huyện Yên Bình (Yên Bái) đặt mục tiêu nuôi trồng và khai thác hơn 9.200 tấn thủy sản trên vùng hồ Thác Bà trong năm 2025

Cứu hộ cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi

HẢI PHÒNG Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi do người dân nuôi.