| Hotline: 0983.970.780

Từ giữ rừng Phu Canh đến câu chuyện về BCS

Thứ Ba 13/10/2009 , 11:20 (GMT+7)

Trưởng bản Xa Văn Thế là người đem lại bình yên, mầu xanh cho rừng Phu Canh và mang lại tiếng cười giòn tan trong những ngôi nhà "dù gái hay trai chỉ hai là đủ"...

Không chỉ chống gậy đi học cái chữ để con cháu noi gương, trưởng bản Xa Văn Thế (bản Nhạp, Đồng Chum, Đà Bắc, Hoà Bình) còn là người đem lại bình yên, mầu xanh cho rừng Phu Canh và mang lại tiếng cười giòn tan trong những ngôi nhà "dù gái hay trai chỉ hai là đủ"... 

1. Đến bây giờ, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Chum Lường Văn Phón vẫn nhớ như in chuyện bảo vệ rừng của già Thế. Xưa, rừng già ở những xã lân cận như Tân Pheo, Đoàn Kết, Đồng Ruộng do có đường đã bị lâm tặc xơi tái gần hết, riêng Đồng Chum không có đường vận chuyển nên mới còn tồn tại. Đến năm 1992, khi đường ô tô mở vào trung tâm xã kéo theo cả một phong trào chặt phá rừng với rùng rùng những đội cai thầu vào thuê người dân địa phương đi xẻ, đi kéo gỗ. Những cây quý như chò, phay, dổi, de cả trăm, cả ngàn năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Xã Đồng Chum có 1.369 ha rừng nằm gọn cả quanh bản Nhạp nhanh chóng trở thành miếng mồi ngon cho lâm tặc. Dân bản đi làm thuê đói vẫn hoàn dân đói bởi đồng tiền vừa ra khỏi rừng, mồ hôi vừa khô lưng áo là tiêu hết, thậm chí còn mang nợ vào thân. Khi ấy, ông Phón là Chủ tịch xã cùng anh rể là trưởng bản Xa Văn Thế liên tục đi vận động dân bản không làm gỗ cho lâm tặc nhưng vẫn không xong. Một lần, ông họp huyện về, nghe tin lâm tặc kéo quân vào rừng nhiều lắm, chẳng kịp qua nhà mà tức tốc kéo quân đi ngăn chặn ngay. Có 10 tốp lâm tặc, tốp ít 4-6 người, nhiều cũng 8-10 người đang dàn hàng mà tiến vào. Cả khu rừng náo động tiếng cưa máy, tiếng những thân đại thụ đổ rào rào.

Ông Phón cùng trưởng bản Nhạp phải 7 ngày, 7 đêm luồn vào từng vạt rừng trong cả ngàn ha đại ngàn thăm thẳm để vận động dân, vận động cai thầu. Một tuần không kịp về nhà thay nổi bộ quần áo, không kịp ăn một bát cơm nóng với con cháu, mỗi người chỉ có một ống nứa đựng muối để trị vắt rừng cắn mà mải miết đi. Khó nhất là vận động cánh thợ xẻ, chủ thầu tứ chiếng với cưa máy, búa rìu lăm lăm trên tay, quân đông gấp nhiều lần đoàn vận động. Có người can, không khéo bị vỡ đầu nhưng ông Thế vẫn ngọt nhạt: “Các chú, các anh người xuôi, đi làm xa gia đình, vất vả lên đây cũng vì miếng cơm manh áo. Chúng tôi cũng vì trách nhiệm quản lý rừng mà ngăn cản nên anh em thông cảm cho thì rút còn nếu không tỉnh, huyện về bắt, các anh khổ mà chúng tôi cũng mang tiếng”. Nghe những lời nói đó, đám lâm tặc nhất nhất hạ vũ khí, rút lui. Rừng già trở lại bình yên nhưng xơ xác.

Lúc có chủ trương giao cho dân bản Nhạp giữ rừng, mỗi héc ta được chừng vài chục ngàn/năm bà con không hiểu lại sợ…bị thuế, sợ không bảo vệ được, lâm tặc chặt mất cây nào nhà nước bắt đền, đi tù nên nhất định không nhận. Trưởng bản Thế đi từng nhà vận động, bà con vẫn không nghe, đến khi đích thân ông nhận 61 ha, giữ tốt mà chẳng thấy bị bắt đền mất cây nào, lại có chút tiền tiêu pha, bà con mới nhất loạt xung phong nhận. Giữ tốt, cây cối dần mọc um tùm, cộng thêm vừa rồi xã thu 160 khẩu súng săn, rừng dần hồi sinh. Lúc trước, làm nương rẫy, con lòi (lợn rừng), con khỉ xuống ăn lúa, ăn ngô, con don, con nhím đào củ sắn, củ khoai…. Khi lâm tặc tràn về, những con thú đó trốn đi đâu hết nay thấy yên bình lại rủ nhau hồi hương. Đầu tiên là chim về, rồi sóc đỏ, rồi đến cả lòi, cả gấu nâu cũng để lại dấu chân trong rừng. Già Thế lại cùng xã, kiến nghị lên trên, ủng hộ chủ trương thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh để giữ rừng được tốt hơn.

2. Uy tín lên cao, trưởng bản Thế còn được cấp trên giao nhiệm vụ làm kế hoạch hoá gia đình. Tuổi già, tóc bạc phơ phơ mà đi vận động dân số đã là chuyện lạ. Thói thường, dân Tày đẻ sơ sơ cũng bảy tám con, nhiều thì trên chục đứa nên khi thuyết phục các cặp vợ chồng chỉ đẻ mỗi nhà chỉ 2 đứa, họ đều bảo chưa thoả, ra điều kiện phải ít nhất 5-7 đứa. Có hộ còn sừng sộ với cả cán bộ dân số.

Vận động cánh đàn ông đi triệt sản, họ kể chuyện bản nọ có ông chồng đi triệt sản mà vợ vẫn chửa, về sau bắt vạ một con lợn 60kg. Vận động dùng bao cao su, họ cười phá lên. Hướng dẫn cách dùng, họ bảo xấu hổ lắm, không dám nghe. Phát bao đến từng nhà, chẳng dám nhận, nằng nặc đem trả. Số lượng bao cao su trả nhiều đến nỗi ông Thế chất đống ở góc nhà sàn. Về sau, sợ chuột bọ cắn hỏng, ông lễ mễ gùi xuống xã trả lại hết. Vận động cánh phụ nữ càng cam go. Tuyên truyền đặt vòng, phụ nữ cả bản giảy nảy lên như đỉa phải vôi, họ bảo làm thế thì yếu, con ma bệnh, ma chết tìm đến. Có người đốp thẳng vào mặt già: “Ông già rồi mà vận động cắt không cho con cháu có giống nòi à?”.

Đến nước này, già Thế chỉ còn nước về vận động chính đứa con gái mình là Xa Thị Sàng và một đứa cháu đi triệt sản: “Chúng mày cứ đi đi, có gì bố chịu trách nhiệm”. Nói cứng như thế nhưng ông cũng run lắm. Sau khi triệt sản, cả bản cứ nhìn 2 người nhà ông Thế đi đến đâu cũng xúm lại mà hỏi han: “Thế có đau không, có mệt không, có bị yếu không?”. Thấy hai đứa chẳng những không yếu đi mà béo lên, hồng da, thắm thịt, năm sau bà con không cần ai vận động cũng đi. Khi ấy đường xá không có, phương tiện đi lại càng không, ông già mỗi khi dẫn đoàn phụ nữ lên huyện đi đặt vòng mất 2-3 ngày mới về.

Phần đường xóc, phần không chịu tĩnh dưỡng mà đi nương ngay nên có người rơi cả vòng, chửa vẫn hoàn chửa. Giờ đường xá đã dễ dàng hơn, chồng đèo vợ “đi thiến” mặc bộ quần áo lành nhất, đẹp nhất, cười tít mắt, rung cằm, vui như ngày hội. Bà con bảo nhau: “Lúc chưa đi thiến thì gầy nhẳng như cái dây leo trên rừng, thiến rồi béo tròn lại, hồng hào như con lợn, con gà thiến ấy, chồng thích mà vợ cũng thích”. Vừa rồi xã Đồng Chum tuyên truyền tốt đến nỗi…vượt chỉ tiêu triệt sản đến mười mấy người. Đối tượng triệt sản khuyến khích là những phụ nữ trên 30 tuổi, đã có 2 con nhưng có người mới 25 tuổi, cứ nằng nặc nằm lên bàn đòi...triệt . Xưa mỗi khi vận động, họ chạy trốn lên rừng, giờ trước khi làm các ông chồng, bà vợ còn tổ chức đêm văn nghệ, vui chơi, nhảy múa tưng bừng.

3. Ông Thế bảo, người Tày có phong tục, tập quán của mình. Giờ thanh niên không ai biết lệ xưa, tục cũ, không còn biết mặc quần áo truyền thống, không biết thủ tục cưới vợ gả chồng thế nào, làm hiếu ra sao, lễ hội có những trò gì, nấu nổi những món ăn Tày đúng nghĩa nên ông buồn lắm. Phải có người truyền dạy phong tục cho cánh thanh niên giữ gìn nếp cổ. Nghĩ là làm, thế là không ai bảo, ông cặm cụi đi gặp những người già rồi hồi tưởng lại thời trai trẻ để viết sách. Cuốn sách bắt đầu bằng: “Dân tộc Tày có 6 dòng họ...”. Nghe tin, có cán bộ văn hoá còn không tin một ông già nông dân viết nổi sách, cho là ông “cóp nhặt” ở đâu đó về. Ông tức quá mới không thèm viết bằng chữ của người Kinh nữa mà bằng tiếng Tày luôn.

Chậm rãi tìm trong chiếc hòm khoá kỹ, ông đưa tôi cuốn sách viết bằng vở học trò, chi chít những con chữ nắn nót. Cuốn sách có nhiều chương. Chương một ông viết về nhà ở, chương hai nghề nghiệp, chương ba phong tục cưới vợ, gả chồng, chương bốn thủ tục đẻ con, chương năm làm hiếu, chương sáu lễ hội… Giờ đã cuốn sách cơ bản hoàn thiện, chỉ chờ cấp trên thẩm định là có thể thành sách in ra, phát cho người Tày khắp nơi để giáo huấn về cội rễ của mình.  (Còn nữa)

Xem thêm
Hà Nội đối mặt nhiều thách thức về an toàn thực phẩm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội, hàng loạt vấn đề nổi cộm đã được đặt trong công tác quản lý ATTP.

Bình luận mới nhất