Chuyện trồng keo trên đất nông nghệp diễn ra ở hầu hết các địa phương. Trong khi đó, theo tính toán của ngành chức năng, trồng keo trên đất nông nghiệp nông dân chỉ có thiệt, bởi đã không có hiệu quả kinh tế mà đất sau khi trồng keo sẽ bị bạc màu, khô cứng, bị phá vỡ kết cấu sau này rất khó trồng các loại cây khác.
Keo phủ xanh trên đất nông nghiệp
Dọc tỉnh lộ 631 đi qua xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định), chúng tôi dễ dàng nhận thấy những đám keo hiện ra xanh mướt trên đất nông nghiệp vốn quy hoạch trồng cây màu hàng năm. Tại các thôn Thạch Long 1, Thạch Long 2, Trí Tường và Lộc Giang (xã Ân Tường Đông), nhiều diện tích keo được trồng trên cả đất vốn được trồng mía, mì, đậu phộng gây ảnh hưởng đến các diện tích cây màu nằm bên cạnh. Theo ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, hiện nay toàn xã có hơn 10 ha keo được trồng trên đất nông nghiệp.
![]() |
Keo được trồng tràn lan trên đất nông nghiệp tại Bình Định |
Tình trạng trồng keo trên đất nông nghiệp còn diễn ra ở xã Ân Tín (huyện Hoài Ân). Theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ân Tín, thống kê sơ bộ cả xã hiện có hơn 2 ha đất nông nghiệp đang được người dân trồng keo. Chính quyền xã đã vận động, buộc các hộ này phải sử dụng đất đúng mục đích, nhưng các hộ dân vẫn phớt lờ. Chuyện trồng keo trên đất nông nghiệp ở xã Ân Tín tựa như “vết dầu loang” ngày càng rộng dần.
“Ban đầu một số hộ trồng keo tự phát trên đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, buộc các hộ bị ảnh hưởng cũng phải bỏ cây màu chuyển sang trồng keo. Trong khi đó, việc xử lý của chính quyền địa phương chưa dứt khoát, chưa có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu nên tình trạng trồng keo trên địa bàn vẫn tiếp diễn”, Chủ tịch UBND xã Ân Tín Phạm Văn Minh, bộc bạch.
Còn ở huyện Vân Canh, chuyện trồng keo trên đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến ở 7/8 xã, thị trấn. Đến cuối năm 2016, tổng diện tích đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng keo là 574,74 ha với khoảng 647 hộ dân tham gia trồng, trong đó có 406 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tương tự, tại huyện Hoài Nhơn, cây keo đã “xâm lấn” trên 132 ha đất trồng cây hàng năm và một số loại đất khác ngoài đất rừng, và có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng cho người sử dụng đất liền kề và cộng đồng SX cây hàng năm trong vùng, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trên địa bàn toàn tỉnh này hiện đã có đến 600 ha đất nông nghiệp bị nông dân “cưỡng bức” để trồng keo.
Đứng trước thực trạng trên, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã phải thốt lên: “Ở đồng bằng mà đi đâu tôi cũng thấy keo. Keo được trồng trong vườn, bên lề đường, bên bờ kênh. Hình như chỗ nào có đất trống là người dân chọt lỗ trồng keo ngay. Không thể để tình trạng này tồn tại, phải ngăn chặn quyết liệt”.
Thiệt đủ bề!
Theo lý giải của chính quyền các địa phương, do mấy năm qua giá gỗ nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao, trong khi đó cây mì cây mía từ giá cả đến đầu ra đều không ổn định nên người dân đổ xô trồng keo trên đất nông nghiệp, bỏ ngoài tai khuyến cáo của địa phương.
![]() |
Ảnh: Vũ Đình |
Hệ lụy trước mắt mà ngành nông nghiệp Bình Định phải gánh chịu là tình trạng tự ý chuyển đổi đất trồng cây màu sang trồng cây lâm nghiệp của người dân sẽ làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV Bình Định, khi cây keo lớn lên, khép tán sẽ che phủ ánh sáng mặt trời, những loại cây bên dưới không thể quang hợp để sinh trưởng, phát triển. Lá keo chứa chất dầu, khi rụng xuống đất sẽ khiến các loại cây bên dưới chết sạch. Trong quá trình phát triển, rễ keo hút hết dinh dưỡng trong đất, làm đất bạc màu, khô cứng, bị phá vỡ kết cấu sau này rất khó trồng các loại cây khác.
Tuy nhiên, đối tượng gánh chịu thiệt hại trực tiếp chính là những nông tự ý trồng keo trên đất nông nghiệp. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phân tích: Trồng keo ít nhất phải 6 năm mới đến chu kỳ khai thác, 1ha keo thu nhập cao lắm cũng chỉ 110 triệu đồng. Chia ra thì mỗi năm 1ha keo chỉ cho thu nhập hơn 18 triệu đồng, đó là chưa trừ chi phí đầu tư suốt chu kỳ và chi phí khai thác. Nếu diện tích đất ấy được trồng mì (sắn) thì chỉ trong 6 tháng thu hoạch lên bét lắm cũng được 50 triệu đồng. “Trồng bất cứ cây nông nghiệp nào trên đất nông nghiệp cũng đều có lãi hơn là trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp. Đó là chưa nói đến chuyện Trung Quốc ngừng mua dăm gỗ thì cây keo của người dân chỉ có chết đứng!”, ông Châu khẳng định.
Để ngăn chặn tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, đã chỉ đạo cho chính quyền các địa phương trong thời gian tới phải giải quyết rốt ráo, sau khi những diện tích keo được trồng trên đất nông nghiệp khai thác chu kỳ đầu, sau đó phải chuyển trồng cây nông nghiệp trở lại.
“Nông dân không tính toán được thiệt hơn việc trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp thì chính quyền địa phương phải kết hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, phân tích rạch ròi cho dân thấy hiệu quả kinh tế nếu trên đất ấy được trồng cây nông nghiệp thay vì trông cây lâm nghiệp. Khi dân đã nghe ra thì chắc chắn tình trạng này sẽ không còn tái diễn”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo. |