Người thợ cao su vững tâm giữa đại ngàn biên giới
Giữa rừng cao su bạt ngàn còn đẫm sương sớm, khi nhiều người vẫn đang tất bật chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, thì tiếng dao cạo nhịp nhàng của công nhân Đội 2 (nay là Nhóm 2) Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã vang lên giữa vùng biên tĩnh lặng.

Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh vững lòng bên dòng nhựa trắng vùng biên. Ảnh: Trần Trung.
Theo những người thợ cạo, mỗi nghề đều có đặc thù riêng, nghề khai thác mủ cao su cũng không ngoại lệ. Đó là công việc tưởng chừng nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa bên trong là cả một quá trình lao động đòi hỏi kỹ thuật, sức bền và cả sự hy sinh thầm lặng.
“Mưa rừng, muỗi mòng, hóa chất bảo quản mủ, những lần trượt chân giữa sương mù hay tai nạn khi sử dụng công cụ sắc bén… là những hiểm nguy mà người thợ cạo cao su phải đối mặt hàng ngày,” một công nhân chia sẻ.
Thế nhưng, điểm chung của tất cả người thợ cạo nơi đây là sự thủy chung với nghề. Thậm chí, có những gia đình nhiều thế hệ từ “cha truyền con nối” vẫn gắn bó với dòng nhựa trắng. Bởi không chỉ là thu nhập ổn định, Công ty Cao su Lộc Ninh còn thực hiện tốt các chính sách phúc lợi: từ chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn lao động đến khoản bồi dưỡng độc hại, suất ăn giữa ca, trợ cấp riêng cho người dân tộc thiểu số… tất cả như một tấm lưới an sinh bền vững, giúp người lao động yên tâm gắn bó giữa đại ngàn.

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn” giữa đại ngàn cao su. Ảnh: Trần Trung.
Cùng dùng “Bữa cơm Công đoàn” với người lao động do Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh tổ chức, chúng tôi cảm nhận không khí ấm áp bao trùm. Bữa cơm thân mật không chỉ giúp người công nhân xua tan mệt nhọc sau ca làm mà còn vun đắp tình cảm, tạo nên sự đồng hành, gắn bó bền chặt trong đại gia đình Công ty Cao su Lộc Ninh ở biên giới Tây Nam.
Gắn bó với Đội 2, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã 10 năm, chị Thị Gót cho biết, là người dân tộc S’tiêng, hơn ai hết, chị hiểu rõ từng gốc cây, từng lối mòn trong rừng cao su biên giới. Mỗi ngày, chị bắt đầu công việc từ tờ mờ sáng, mang dao cạo, len lỏi dưới tán rừng để thu “vàng trắng”.
“Cực thì cực, nhưng nhờ có công ty chăm lo chế độ đầy đủ, từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đến bồi dưỡng độc hại, ăn giữa ca... rồi cả bữa cơm Công đoàn như vầy, tụi mình cảm thấy được quan tâm lắm,” chị Thị Gót chia sẻ.
Tương tự, dù mới gắn bó với Đội 2 được 5 năm, anh Điểu Dung – người đồng bào S’tiêng chia sẻ, sáng nay mọi người cạo mủ xong rồi tập trung về đây cùng nhau ăn bữa cơm Công đoàn. Bữa cơm có nhiều món ngon như bánh hỏi thịt heo, lẩu, đồ xào, trái cây…
“Vào những dịp lễ, Tết, hay Tháng Công nhân, Công đoàn Công ty và cán bộ thường tổ chức các hoạt động gặp gỡ công nhân như vậy. Chúng tôi cảm thấy được sẻ chia, ghi nhận và thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn. Một bữa cơm không chỉ no mà còn ấm lòng,” anh Điểu Dung phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (áo trắng) cùng dùng bữa cơm với công nhân. Ảnh: Trần Trung.
Nói về việc triển khai hoạt động “Bữa cơm Công đoàn”, chị Vũ Thị Thùy Trang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh cho biết thêm, đây là hoạt động nhằm tri ân, gắn kết người lao động và đã triển khai từ năm 2024.
“Năm nay chúng tôi triển khai từ đầu tháng 5. Đến giờ đã tổ chức được khắp các đội, các nhóm sản xuất trong toàn công ty. Bữa cơm Công đoàn trở thành điểm hẹn thân tình, nơi lãnh đạo đơn vị, cán bộ Công đoàn và người lao động Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh ngồi lại với nhau, gắp một miếng thịt, kể một câu chuyện, lắng nghe một tâm tư và những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh gắn kết to lớn”, chị Trang chia sẻ
Giữ chân người lao động bằng cả trái tim
Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh hiện có tổng diện tích hơn 12.000 ha (cao su quản lý trong nước), trong đó diện tích cao su khai thác bình quân trên 8.000 ha. Đáng chú ý, công ty có hơn 600 công nhân là người đồng bào S’tiêng bản địa , đây không chỉ được xem là nòng cốt trong sản xuất mà còn là cộng đồng gắn bó mật thiết với vùng đất biên giới Lộc Ninh, nơi họ đã sống và lớn lên cùng cây cao su từ bao đời nay.

Người đồng bào S’tiêng bản địa được xem là nòng cốt trong sản xuất. Ảnh: Trần Trung.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, việc giữ chân người lao động nói chung và người đồng bào bản địa nói riêng không chỉ là bài toán thu hút nhân lực mà còn là chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình gắn kết cũng không hề dễ dàng. Ban đầu, nhiều lao động người dân tộc còn chưa quen tác phong lao động chuyên nghiệp, hay nghỉ ngang vì lý do cá nhân. Nhưng bằng sự kiên trì, đồng hành và hỗ trợ sát sao, công ty từng bước tháo gỡ: mở lớp dạy nghề ngay tại địa phương, tổ chức tuyên truyền chính sách, chế độ… Từng bước, người lao động hiểu rõ hơn, chủ động hơn với công việc.
Đặc biệt, bên cạnh mức lương, đơn giá như người Kinh, công nhân người S’tiêng được hưởng thêm 7.000 đồng/ngày. Tổng thu nhập của họ dao động từ 8–9 triệu đồng/tháng, đây được xem là mức thu nhập khá ổn định trong bối cảnh vùng sâu, vùng xa. Không dừng lại ở đó, công ty còn quan tâm tới thế hệ tương lai là con em công nhân. Các con em của người đồng bào bản địa còn được hỗ trợ, khen thưởng để động viên các em đến trường.
“Người lao động là tài sản quý nhất. Giữ họ bằng thu nhập thôi chưa đủ, mà phải bằng cả sự quan tâm thực chất, dù là một bữa cơm hay một lời hỏi han đúng lúc. Sự quan tâm thiết thực ấy chính là lý do khiến lực lượng lao động người S’tiêng ngày càng gắn bó bền vững với công ty. Họ không chỉ làm việc để mưu sinh, mà còn tìm thấy sự trân trọng, niềm tin và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho cả gia đình mình”, ông Nguyễn Trường Giang nói.

Chăm lo người lao động là một trong nhiệm vụ trọng tâm Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh hướng đến chiến lược "Tăng trưởng xanh – Phát triển bền vững". Ảnh: Trần Trung.
Ông Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, với định hướng chiến lược “Tăng trưởng xanh – Phát triển bền vững”, việc cân bằng hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đang tập trung đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu để phát triển lĩnh vực cao su phù hợp năng lực và tình hình thị trường; đa dạng hóa ngành nghề, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển bền vững; mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, quan tâm phối hợp đào tạo, tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số.
Giữa vùng đất biên giới xa xôi của tỉnh Bình Phước, những hàng cao su thẳng tắp của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh vẫn miệt mài vươn lên từng ngày. Màu xanh ấy không chỉ góp phần phủ xanh vùng đất đỏ bazan mà còn là nền tảng cho hàng ngàn lao động, trong đó, có người đồng bào dân tộc S’tiêng bản địa nhằm giúp họ an cư, lạc nghiệp giữ vững an ninh nơi biên giới.