| Hotline: 0983.970.780

Đảng bộ VRG: Hành trình bền bỉ sáng tạo, đổi mới và vươn mình

Chủ Nhật 20/07/2025 , 12:04 (GMT+7)

Nhiệm kỳ 2020-2025 ghi dấu sự chuyển mình toàn diện của Đảng bộ VRG, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực lãnh đạo hiệu quả, thích ứng linh hoạt với biến động.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn không chỉ duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 81.000 người lao động, mà còn đặt nền móng cho chiến lược phát triển xanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị đồng bộ, doanh nghiệp phát triển

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế toàn cầu..., VRG đã chủ động, linh hoạt vượt khó hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.

Công nhân chế biến mủ cao su tại một nhà máy của VRG. Ảnh: VRG.

Công nhân chế biến mủ cao su tại một nhà máy của VRG. Ảnh: VRG.

Tổng doanh thu của VRG trong giai đoạn vừa qua ước đạt 141.169 tỷ đồng (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra là từ 135.000 đến 165.000 tỷ đồng). Tổng lợi nhuận ước đạt 27.541 tỷ đồng (đạt mức trung bình Nghị quyết đề ra là 25.000-35.000 tỷ đồng). Tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 24.371 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Vốn chủ sở hữu, đạt 55.300 tỷ đồng, tăng gần 7,6% so với đầu nhiệm kỳ.

Nhiệm kỳ 2020-2025 ghi dấu một chặng đường phát triển mạnh mẽ và toàn diện của VRG, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn tiếp tục được khẳng định là nhân tố then chốt dẫn dắt sự ổn định và tăng trưởng bền vững. Về quản trị doanh nghiệp, tỷ lệ lao động gián tiếp giảm từ 14% xuống dưới 6%. Vốn chủ sở hữu tăng lên 55.300 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu nhiệm kỳ.

Tập đoàn cũng liên tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu tài chính được giao, 2 năm liền 2024-2025 được Tạp chí Forbes Việt Nam xếp vào Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất.

Hiện VRG đang bảo đảm việc làm cho 81.000 lao động, trong đó, lao động trực tiếp chiếm trên 90%. Thu nhập bình quân 5 năm qua đạt 9,47 triệu đồng/người/tháng, riêng năm 2024 đạt trên 11 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,14 lần so với năm 2020.  

VRG luôn cố gắng thực hiện tốt Nghị quyết số 30a năm 2008 của Chính phủ và Quyết định số 539 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trong nhiệm kỳ qua, Tập đoàn đã thực hiện công tác an sinh xã hội, hoạt động hướng về người lao động và cộng đồng với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn luôn gắn phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh và tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Về kết quả lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi, cao su thiên nhiên tiếp tục là ngành chủ lực, sản lượng thu hoạch 2,4 triệu tấn; chế biến trên 2,5 triệu tấn. Sản phẩm thương hiệu VRG đạt chất lượng cao, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước, chiếm 83% tổng doanh thu.

Lĩnh vực công nghiệp gỗ của VRG gồm 16 nhà máy, công suất 735.000 mét khối/năm, chiếm 50% thị phần MDF trong nước, đóng góp hơn 7% doanh thu toàn Tập đoàn. Lĩnh vực sản phẩm cao su công nghiệp và phụ trợ khác (băng tải, găng tay, nệm, đồ chơi thú cưng, v.v...) chiếm gần 4% doanh thu.

Về lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp (KCN), VRG hiện có 14 KCN chuyển đổi từ đất cao su, diện tích hơn 4.200 ha, thu hút 800 nhà đầu tư, tạo 260.000 việc làm, đóng góp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng, chiếm gần 4% doanh thu.

Sản xuất bóng thể thao Geru Star tại Công ty Cổ phần Thể thao GERU, thành viên của VRG. Ảnh: VRG.

Sản xuất bóng thể thao Geru Star tại Công ty Cổ phần Thể thao GERU, thành viên của VRG. Ảnh: VRG.

Ở lĩnh vực năng lượng sạch – năng lượng tái tạo, VRG hiện có 4 nhà máy công suất 135 MW, sản lượng hơn 6.845 triệu KW/giờ, chiếm gần 2% doanh thu và 11 dự án điện mặt trời với tổng doanh thu giai đoạn 2021-2025 đạt trên 3.000 tỷ đồng, giảm phát thải 59.416 tấn CO2.

Chuyển đổi số được xác định là chiến lược trọng tâm, giúp VRG tinh gọn bộ máy, tăng hiệu suất vận hành, giảm tỷ lệ lao động gián tiếp xuống dưới 6%, từ đó tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Từ cây cao su truyền thống, VRG hôm nay đã chuyển mình thành một tập đoàn nông – công nghiệp hiện đại, xanh, số hóa và vươn ra toàn cầu. Trên hành trình đó, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn chính là ngọn đuốc soi đường, kết nối truyền thống vẻ vang với khát vọng phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, VRG tiên phong trong cam kết phát triển bền vững. Tập đoàn đã ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững đến 2050, tích cực áp dụng tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC), ISO 14001:2015, thích ứng quy định EUDR của EU...

Công tác xây dựng Đảng ở VRG được triển khai đồng bộ trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt trên 92,1%; 95,8% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; 288 đảng viên mới được kết nạp, nâng tỷ lệ nữ, người đồng bào dân tộc thiểu số lên đáng kể.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ủy VRG triển khai bài bản, trở thành nội dung sinh hoạt chi bộ thường xuyên, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu được tuyên dương, góp phần lan tỏa những giá trị cốt lõi trong toàn hệ thống.

Trong suốt nhiệm kỳ, phương thức lãnh đạo của Đảng ủy VRG tiếp tục được đổi mới, linh hoạt, phù hợp đặc thù của Tập đoàn có địa bàn hoạt động rộng và lực lượng lao động lớn. Các cấp ủy phối hợp chặt chẽ với HĐQT, Ban Tổng Giám đốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo tính đồng thuận và thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Đảng ủy VRG đã thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo toàn diện, vừa xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, vừa dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững, vừa nâng cao đời sống người lao động, vừa khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng ngành cao su hiện đại, hội nhập và có trách nhiệm.

Đột phá chiến lược, nâng tầm vị thế

Công nhân của VRG thu hoạch mủ cao su. Ảnh: VRG.

Công nhân của VRG thu hoạch mủ cao su. Ảnh: VRG.

Tiếp nối những thành quả đã đạt được, với tinh thần đổi mới toàn diện, Đảng bộ VRG xác định giai đoạn 2025-2030 là thời kỳ chuyển tiếp mạnh mẽ sang tập đoàn nông – công nghiệp đa ngành theo hướng xanh, bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng. Mục tiêu tổng quát là nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; đổi mới phương thức quản trị; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh; giữ vững vai trò chủ lực trong ngành cao su và mở rộng các lĩnh vực đầu tư chiến lược.

Các chỉ tiêu tăng trưởng về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) và nộp ngân sách hằng năm đảm bảo hoàn thành vượt mức theo kế hoạch của cơ quan đại diện chủ sở hữu có thẩm quyền giao và Đại hội đồng cổ đông thông qua. Thu nhập người lao động đảm bảo ở mức bình quân chung của ngành, khu vực và đạt tối thiểu trên 10 triệu đồng/người/tháng. Hoàn thành chuyển đổi số tại Công ty mẹ - Tập đoàn.

Bám sát Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 31/5/2025 của Chính phủ để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động của Tập đoàn phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025 và bình quân tăng 10%/năm giai đoạn từ năm 2026-2030, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Theo đó, VRG đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng các động lực tăng trưởng mới, chuyển dịch và đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp, năng lượng. Động lực tăng trưởng sẽ dựa vào năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm dịch vụ, sử dụng tối ưu tài nguyên đất gắn với bảo vệ môi trường.

Một góc KCN Long Khánh của VRG. Ảnh: VRG.

Một góc KCN Long Khánh của VRG. Ảnh: VRG.

Trong giai đoạn mới, VRG đặt mục tiêu tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu tăng lên trên 35%, 100% đơn vị thành viên đạt ISO 14001:2015 và tuân thủ các quy định EUDR của EU, tỷ lệ đơn vị thành viên xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững đạt 100%, đạt chứng chỉ VFSC/PEFC ít nhất 90% diện tích cao su, nhà máy chế biến cao su đạt tiêu chuẩn PEFC-CoC đạt 100%.

Đảng bộ VRG tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh, tỷ lệ tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 95%, kết nạp từ 60–80 đảng viên mới/năm. Đảng bộ VRG nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy mô hình “chi bộ bốn tốt”, thực hiện nghiêm Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa.

VRG tiếp tục phát triển các KCN thế hệ mới - Xanh - Thông minh - Tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.

Trong lĩnh vực đầu tư và phát triển hạ tầng KCN, VRG sẽ phát triển thêm 4.000-5.000 ha khu công nghiệp mới trên đất cao su. Đồng thời, Tập đoàn thu hút thêm 500 doanh nghiệp FDI, ưu tiên ngành

công nghệ cao, thân thiện môi trường. Tập đoàn đầu tư hạ tầng đồng bộ theo mô hình KCN xanh, đẩy nhanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các vùng trọng điểm (TP.HCM, Đồng Nai, Tây Nguyên), tăng cường hợp tác chiến lược với các tập đoàn phát triển hạ tầng công nghiệp trong và ngoài nước.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và môi trường, VRG tăng công suất điện mặt trời áp mái trên 20.000 kWp, giảm ít nhất 30% phát thải CO₂ so với năm 2025. 100% đơn vị thành viên đạt chuẩn ISO 14001:2015. VRG phát triển thêm nhà máy điện sinh khối, điện gió tại Tây Nguyên và Campuchia. Đồng thời, Tập đoàn thực hiện đồng bộ mô hình kinh tế tuần hoàn tái sử dụng nước, sản xuất phân bón hữu cơ, nhiên liệu sinh học, đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn tại các nhà máy chế biến.

Trong giai đoạn mới, Đảng bộ VRG tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong xây dựng doanh nghiệp văn minh, nhân văn; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; giữ vững nguyên tắc đảng lãnh đạo toàn diện, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm xã hội, quốc phòng an ninh.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bước vào giai đoạn mới với tâm thế vững vàng, khát vọng lớn và mục tiêu phát triển không chỉ vì hiệu quả kinh tế, mà còn vì con người, vì môi trường và vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm
Vinamilk trình bày về đột phá dinh dưỡng tại Diễn đàn Phát triển Châu Á 2025

Vinamilk là diễn giả duy nhất và đầu tiên đại diện Việt Nam được mời trình bày tại Hội nghị Phát triển Châu Á 2025 (Growth Asia Summit) tại Singapore từ ngày 15 đến 17/7/2025.

Bảo hiểm thất nghiệp: Lợi ích kép cho người lao động và doanh nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là ‘bệ đỡ’ an sinh cho người lao động lúc mất việc mà còn hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

[Bài 5]: Gợi mở cho kinh tế tư nhân Việt Nam

Bên cạnh chính sách, nền nông nghiệp của một số quốc gia đã cất cánh nhờ biết đặt doanh nghiệp tư nhân làm hạt nhân kiến tạo chuỗi giá trị.

Thu thuế thương mại điện tử tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2024

5 tháng đầu năm, thuế thu từ kinh tế số đạt gần 75.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, phản ánh chuyển động mạnh trong giám sát dòng tiền trực tuyến.

Chuyển khoản bị treo 30 phút, ngân hàng phải báo cáo

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2024/TT-NHNN.

Bình luận mới nhất