Đây là lợi ích kép của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, thể hiện tính nhân văn của chính sách vì xã hội, vì sự ổn định, phát triển bền vững.
Chông chênh trong biến động thị trường
Nhận xét về thị trường lao động hiện nay, TS. Nguyễn Đình Trọng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-tech Việt Nam cho rằng, sự khắc nghiệt của thị trường lao động là điều tất yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Không chỉ doanh nghiệp hay sản phẩm, mà ngay cả từng cá nhân người lao động cũng buộc phải tham gia vào cuộc đua cạnh tranh khốc liệt. Công nghệ phát triển vượt bậc đã tạo ra một “thế giới phẳng”, nơi mọi người dễ dàng tiếp cận tri thức và thông tin, đồng nghĩa với việc cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều phải không ngừng nâng cao năng lực.

Luật Việc làm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, với nhiều quy định cụ thể về bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.
“Có một công việc ổn định và thu nhập tốt không đồng nghĩa với việc người lao động được phép dừng lại trong quá trình trau dồi bản thân,” ông Trọng nhấn mạnh. Theo ông, nếu không cập nhật kỹ năng và nâng cao năng lực, nguy cơ mất việc là điều khó tránh khỏi.
Trong tình cảnh không ít người bị rơi vào tình cảnh thất nghiệp, Luật Việc làm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, với những quy định cụ thể về BHTN, trở thành một điểm tựa cần thiết, giúp người lao động vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, BHTN là chính sách ngắn hạn, hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Nhiều người cùng đóng góp, nhưng chỉ những người không may mất việc mới được nhận hỗ trợ. Dù vậy, mức hưởng có thể lên tới 400–500% so với số tiền đã đóng, thể hiện rõ tính nhân văn và chia sẻ của chính sách.
Trong một thị trường lao động liên tục biến động, người lao động nếu không kịp thích nghi với yêu cầu mới dễ dàng bị đào thải. Vì thế, việc tham gia BHTN là bắt buộc đối với các đối tượng thuộc diện quy định. “Đã thuộc đối tượng thì không muốn cũng phải tham gia, mà không thuộc đối tượng thì có muốn cũng không được tham gia” - ông Tú khẳng định.
Khi người lao động mất việc, BHTN cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ chủ động, tạo thành một mạng lưới an sinh vững chắc. Trước hết là tư vấn, giới thiệu việc làm, đây là giải pháp chủ động giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc mới. Các trung tâm dịch vụ việc làm đóng vai trò cầu nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng, giúp giảm thời gian thất nghiệp.
Tiếp đến là hỗ trợ đào tạo nghề. BHTN tạo điều kiện để người lao động học nghề mới hoặc nâng cao kỹ năng, trình độ, thích ứng với yêu cầu thị trường. Trong bối cảnh nhiều ngành nghề đang chuyển dịch mạnh mẽ, đây là điểm tựa quan trọng giúp người lao động tránh bị tụt hậu.
Cuối cùng là trợ cấp thất nghiệp, tức là sẽ có một khoản hỗ trợ tài chính tạm thời, giúp người lao động ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc hoặc học nghề. Dù không lớn, nhưng khoản trợ cấp này giúp giảm áp lực tài chính và tâm lý, tạo điều kiện để người lao động nhanh chóng trở lại thị trường.
“Có thể hình dung BHTN như bảo hiểm y tế, không ai mong muốn phải dùng đến, nhưng khi cần, đó là một cứu cánh. Dù Việt Nam mới triển khai chính sách này hơn 16 năm, khoảng thời gian còn khiêm tốn so với các nước phát triển, nhưng BHTN đã chứng minh vai trò là điểm tựa thiết thực cho người lao động gặp rủi ro”, ông Tú nói.
Lợi ích kép cho người lao động và doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, chính sách BHTN không chỉ bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Về tài chính, nếu không có BHTN, doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm cho người lao động với mức tương đối lớn. Trong khi đó, mức đóng BHTN chỉ 1% quỹ lương mỗi tháng, giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính.
Thêm vào đó, thủ tục tham gia BHTN rất đơn giản, tích hợp chung với quy trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tạo thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.
Quan trọng hơn, BHTN hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, chẳng hạn khi thay đổi công nghệ hoặc mô hình kinh doanh. Thay vì phải cắt giảm nhân sự, doanh nghiệp có thể tận dụng chính sách để đào tạo lại lao động hiện có. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn giúp doanh nghiệp giữ lại đội ngũ lao động đã được đào tạo, giảm chi phí tuyển dụng mới và duy trì sự ổn định sản xuất.
Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đã mở rộng phạm vi hỗ trợ đào tạo. Trước kia, Luật chỉ hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động. Hiện nay, Luật cho phép hỗ trợ cả bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao trình độ cho công việc hiện tại. Nhờ đó, người lao động dù đang làm việc cũng có thể được hỗ trợ học nghề nếu có đề nghị phù hợp.
Bên cạnh đó, người lao động đã chấm dứt hợp đồng và có thời gian đóng BHTN đủ điều kiện cũng được hỗ trợ học nghề, ngay cả khi chưa nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian học nghề, họ còn được hỗ trợ tiền ăn, đảm bảo việc tham gia đào tạo không ảnh hưởng đến sinh kế.
Với các điểm mới này, theo TS. Nguyễn Đình Trọng, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực không chỉ đối với người lao động mà còn với cả xã hội. Đây là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, khi không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân người lao động, mà còn gián tiếp bảo vệ những người phụ thuộc, gia đình của họ. Điều này tạo ra tác động lan tỏa, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững.
Đối với doanh nghiệp, theo ông Trọng, Luật Việc làm nói chung và chính sách BHTN nói riêng là nền tảng giúp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định. Sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn vì biến động thị trường hay thay đổi công nghệ, sẽ giúp họ vượt qua những “điểm nghẽn” mang tính sống còn.
Theo các chuyên gia, chính sách BHTN với những điều chỉnh trong Luật Việc làm (sửa đổi) không đơn thuần là một văn bản pháp lý, mà còn là minh chứng cho nỗ lực xây dựng hệ thống chính sách vì con người, vì sự phát triển bền vững. Từ hỗ trợ tài chính đến nâng cao kỹ năng, từ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp đến ổn định an sinh xã hội, BHTN đang chứng minh vai trò không thể thiếu trong hệ sinh thái lao động hiện đại.
Theo thống kê tình hình lao động, việc làm quý I/2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, lao động có việc làm quý I/2025 ước tính là 51,9 triệu người, giảm 234 nghìn người so với quý trước. Trong đó, khu vực thành thị là 20,0 triệu người, giảm 115,9 nghìn người so với quý trước; khu vực nông thôn là 31,9 triệu người, giảm 118,1 nghìn người.