Thứ Bảy, 28/6/2025 15:51 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Tre - loài cây thân thuộc nghề nông Việt

Thứ Tư 14/01/2009 , 11:30 (GMT+7)

Ở nước ta và vùng Đông Nam Á, không gian văn hóa làng xã được tạo nên bởi 3 loài cây thân thương nhất gồm chuối, dừa và các loài tre.

Bờ tre là phong cảnh quen thuộc của làng xã nước ta. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu gọi văn hóa làng xã là văn hóa bờ tre. Tre được trồng trong các vườn nhà, bên thuở đất canh tác hay chung quanh các thôn xóm. Chúng định hình nên một không gian văn hóa và chúng đóng góp ít nhiều vào các hoạt động thường ngày tại đó, từ bữa ăn đến giường nằm, nhà ở và các cổng chào...

Nước ta vừa nằm trong vùng nhiệt đới vừa thuộc vành đai Thái Bình Dương nên số lượng các loài tre trúc thuộc phụ lớp Bambusaceae rất phong phú và chiếm tỷ lệ đáng kể trong thảm thực vật. Có nơi chúng tạo thành rừng thuần chủng, có nơi hỗn giao với cây thân mộc hoặc cây lá cứng, có nơi chỉ rải rác vài cụm dọc theo bờ suối hay dưới chân đồi.

Số lượng loài tre trúc ở nước ta rất lớn và phân bố theo vùng địa lý: Nhóm mai Sinocalamus và dùng Lingnania ở miền bắc, nhóm luồng Dendrocalamus ở cả bắc lẫn nam, nứa Neohouzesua thường gặp ở rừng Tây Nguyên và Đông Nam bộ, lồ ồ Schizostachyum ở phía đông Trường Sơn từ Bắc Trung bộ đến Biên Hòa qua Tây Ninh, tre Oxytenanthera tạo thành trảng thưa giữa nơi tiếp giáp nam Trường Sơn với Đông Nam bộ, trong khi chi tre Bambusa và các chi trúc Phyllostachys, Chimonobambusa, Arundinaria… phân bố khá đều trên toàn lãnh thổ.

Loài tre hóa Bambusa arundinacea thường tạo thành rừng tre thuần chủng ở Tây Nguyên, trong khi tre mỡ Bambusa blumeana tạo thành các rừng dày đặc nơi các lưu vực sông Đồng Nai nên được gọi là tre là ngà. Nhiều khi rừng tre ấn định địa danh một khu vực: Núi Nứa với loài Neohouzesua dullosa, núi Hóp với loài Bambusa multiplex, suối lồ ồ với các loài Bambusa procera và Schizostachyum spp., núi Giang Cò với loài Indosasa crassiflora, núi Le với các trảng Oxytenanthera spp. chen vào các cây lá cứng tạo thành phong cảnh riêng của vùng rừng lá.

Trong các loài tre tạo nên không gian văn hóa làng xã Việt Nam thì tầm vông được trồng nhiều nhất vì phát triển thành bụi to không gai, thân thẳng, rất khỏe và đẹp, dễ thích ứng với các vùng khí hậu và sử dụng được trong nhiều công việc gia đình cũng như thôn xóm. Giáo sư Thái Văn Trừng xác định tên khoa học của tầm vông là Bambusa vulgaris, với nhiều thứ loài trong đó var. striata đẹp nhất với các đường sọc dọc thân nổi lên trên nền màu da mạ vàng.

Tầm vông mọc thành bụi thưa nơi đất thoát thủy có thổ trắc dày trên dưới 1 mét. Thân cao từ 7 đến 16 mét, đường kính thân trong khoảng 5 đến 10cm. Mo thân đầu tròn nhiều lông, các lá trưởng thành dài 5-15cm và rộng 7-10cm. Chiều dài lóng trong khoảng từ 25 đến 45cm với mắt đốt hơi nhô quấn quanh bởi một đường viền đầy lông. Trong công nghiệp người ta chú ý đến tầm vông vì là nguyên liệu lý tưởng cho ngành giấy cao cấp và ván ép. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày người ta quan tâm vì cây tầm vông to khỏe tiện việc xây cất và mụt măng có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so các loài măng tre khác.

Người ta nhân giống tầm vông bằng cả kỹ thuật hữu tính và vô tính. Trong phương pháp hữu tính tầm vông cũng như các loài tre trúc có thể được trồng từ hạt nẩy mầm, từ các cây con hay bụi con mọc độc lập quanh gốc bụi mẹ. Tuy nhiên phương pháp này phải chờ rất lâu trước khi cây đủ trưởng thành. Phương pháp vô tính cho cây trưởng thành nhanh hơn và nhờ đó khai thác sớm hơn. Người ta có thể chiết cây con mọc ra từ căn hành của bụi cây mẹ để trồng, hoặc chặt lóng đem giâm, hoặc cắt cành có nhánh đem trồng, hoặc áp dụng phương pháp cấy mô để có số lượng đủ lớn cho việc trồng rừng.

Kỹ thuật nhân giống tre vô tính chỉ có hiệu quả với các bụi tre mẹ còn trẻ trong khoảng một, hai hay ba tuổi; căn hành các bụi tre già hơn đến bốn, năm tuổi không còn hoạt động. Phương pháp đặt lóng nên được thực hiện vào đầu mùa mưa và cho hiệu suất khoảng 50%. Phương pháp cắt cành cho hiệu suất đến 90% nhưng phức tạp hơn vì phải làm cho cây tre mới mọc ra mạnh khỏe từ mắt lóng trước khi cắt rời đem vùi xuống đất. Trong các vườn nhà, việc nhân giống thường thực hiện mỗi năm bằng cách chiết các cây con cao khoảng 1 hay 1,5 mét ra khỏi bụi mẹ để gầy thành bụi tre mới, nhờ đó tỉa thưa cho măng nẩy mụt và các cây còn lại phát triển mạnh hơn.

Tên gọi chung nhất và cổ nhất cho các dòng tre chính vùng ở Đông Nam Á là triêng, thổ ngữ tiếng Việt vẫn lưu lại cách gọi đó như trong “triêng gánh” để chỉ đòn gánh làm bằng thân cây tre. Trong khi đó tầm vông hay tumpeng là cách gọi thứ cơm nấu trong ống tre, tức loại cơm lam, mà các chủ nhà đem dùng đãi khách vào dịp lễ cưới hay mừng nhà mới, dĩ nhiên được cất bằng tre do xóm giềng mang tặng. Người ta chọn ống tre tầm vông để nấu vì hàm lượng tinh bột trong đó rất cao, có khi lên đến 7,97% so với trên dưới 0,5% nơi các loài tre khác.

Thực ra măng tre là loại thức ăn cổ xưa nhất của loài người do giàu dinh dưỡng vả lại phân bố quanh năm. Các amino-acid trong đó thường khi lên đến 20% măng khô tức khoảng 2 hay 2,5% trọng lượng măng tươi, cộng với 2,9% lượng đường và 1% chất sợi cần thiết. Thân tre quanh nhà có thể được chặt để sử dụng bất cứ lúc nào. Người ta dùng tươi, phơi khô, hay ngâm nước lâu ngày cho tan tinh bột để các con sâu mọt không còn thức ăn nhờ đó mà bảo quản lâu dài.

Ở Trung Quốc, không gian văn hóa bao gồm 4 loài phong lan, mận, cúc và trúc. Nhưng ở nước ta và vùng Đông Nam Á, không gian văn hóa làng xã được tạo nên bởi 3 loài cây thân thương nhất gồm chuối, dừa và các loài tre.

Xem thêm
Nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ tự động hiện đại

QUẢNG NINH Trang trại gà Tân An ở thị xã Quảng Yên ứng dụng phần mềm FarmGo để quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất giúp kiểm soát mọi thông tin liên quan đến đàn gà.

Đảng bộ Cục Chăn nuôi và Thú y: Hợp nhất để phát triển bền vững hơn

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Đảng bộ Cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030.

Cây dứa phủ xanh đất dốc, thu nhập gấp 5 - 7 lần trồng ngô, sắn

ĐIỆN BIÊN Từ cây dứa, người dân huyện Mường Chà (Điện Biên) đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững, mở ra hướng đi mới cho vùng đất khó.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành thủy sản - kiểm ngư phải trăn trở từ thực tiễn

Tại Đại hội Đảng bộ chiều 27/6, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, xác định đột phá trong nuôi biển, khai thác, nuôi trồng.

Tăng tốc hoàn thiện dữ liệu phục vụ EUDR, bảo đảm xuất khẩu không gián đoạn

Hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc khai báo truy xuất nguồn gốc theo quy định EUDR vẫn cần hoàn thiện để đảm bảo việc xuất khẩu duy trì khi EUDR có hiệu lực.

Bình luận mới nhất