| Hotline: 0983.970.780

Tiến độ xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản quá chậm

Thứ Tư 20/07/2022 , 09:45 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Quảng Ninh đặt mục tiêu xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản trong năm 2022 để thay thế bằng phao nhựa HDPE. Tuy nhiên, hiện mới thay thế được 1/3 tổng số phao xốp.

Với việc sở hữu chiều dài bờ biển trên 250km và diện tích vùng biển khoảng 6.000km2, Quảng Ninh đã phát huy mạnh mẽ lợi thế trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ, hải sản. Tuy nhiên thời gian qua, việc các lồng, bè, giàn nuôi nhuyễn thể… sử dụng vật liệu nổi bằng phao xốp đã gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường biển.

Để phát triển ngành thủy sản bền vững, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, thay thế bằng phao nhựa HDPE từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tiến độ xóa phao xốp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt như mong muốn.

Lồng cá bằng vật liệu HDPE của ông Nguyễn Sỹ Bính (huyện Vân Đồn). Ảnh: Nguyễn Thành.

Lồng cá bằng vật liệu HDPE của ông Nguyễn Sỹ Bính (huyện Vân Đồn). Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, khu vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang hiện hữu trên 10 triệu quả phao xốp. Trong đó, chỉ có 3 triệu quả nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

Tưởng tượng chỉ sau vài năm, khối lượng xốp khổng lồ bị thải bỏ sẽ trôi dạt trên biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ban hành Quy chuẩn địa phương QCĐP 08:2020/QN về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định 31/2020/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn.

Các thông số quy chuẩn trong quy định đều dựa trên cơ sở độ bền của ống nhựa HDPE theo hướng dẫn của FAO năm 2015 về vận hành nuôi trồng thủy sản đối với các lồng nhựa, phao nổi HDPE.

Theo lộ trình, chậm nhất đến hết năm 2022, các địa phương hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch, đồng thời thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường.

Mặc dù tỉnh thường xuyên đôn đốc các địa phương, sở, ngành liên quan về việc chuyển đổi này, thế nhưng theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh mới thay thế gần 900.000/3 triệu quả phao xốp, bằng gần 30% tổng số phao xốp cần chuyển đổi, chưa kể số lượng phao xốp lớn ngoài vùng quy hoạch.

Hiện tại, một trong những khó khăn trong chuyển đổi từ phao xốp sang phao HDPE là nguồn vốn đầu tư của các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Được biết, một chiếc phao nổi bằng vật liệu HDPE có giá khoảng 83.000 đồng. Vậy nên chi phí để chuyển đổi đối với các hộ dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Do đó, người nuôi trồng thủy sản vẫn còn khó khăn trong việc mua phao nổi HDPE phù hợp quy chuẩn địa phương để thay thế phao xốp.

Một số hộ dân nuôi hàu tại huyện Vân Đồn đã chuyển đổi 100% phao xốp sang phao nhựa HDPE. Ảnh: Nguyễn Thành.

Một số hộ dân nuôi hàu tại huyện Vân Đồn đã chuyển đổi 100% phao xốp sang phao nhựa HDPE. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn) là người đi đầu trong việc sử dụng vật liệu nhựa HDPE chia sẻ, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc thay thế phao xốp truyền thống sang vật liệu HDPE, ông đã chuyển đổi 1.200 quả phao nhựa tại 2ha diện tích nuôi hàu cùng với hệ thống lồng nuôi cá hoàn toàn bằng vật liệu HDPE.

Qua quá trình sử dụng, có thể thấy phao nhựa có độ nổi không kém phao truyền thống, nhưng có ưu điểm độ bền cao và không bị phân hủy, rất thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các phao nổi HDPE còn được bảo hành, đổi mới trong 10 năm và bảo trì vĩnh viễn.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE là hướng đi lâu dài cho ngành thủy sản Quảng Ninh nhằm bảo vệ môi trường biển, đảm bảo nuôi trồng thuỷ sản bền vững.

Tuy nhiên, để thực hiện được theo đúng lộ trình đã đề ra, các sở, ngành, địa phương liên quan cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong huy động các nguồn lực, nguồn vốn vay để hỗ trợ các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, vấn đề thu gom, tiêu hủy các phao xốp sau khi thay thế cũng cần được tính đến để đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

HDPE là một loại nhựa có độ bền tốt, chống lại sự ăn mòn tự nhiên như nước, gió, mưa axit… và khả năng chống nhiệt nổi trội hơn hẳn so với các vật liệu nhựa thông thường khác. Bên cạnh đó, chất liệu nhựa HDPE còn chịu được cả tia cực tím từ ánh sáng mặt trời và sự va đập từ sóng biển.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.