| Hotline: 0983.970.780

Thuyền độc mộc và dòng Pôcô

Thứ Năm 01/05/2008 , 07:00 (GMT+7)

Tôi gọi việc đẽo thuyền độc mộc là “nghề”, còn người đẽo thuyền là “nghệ nhân” (mặc dù chưa được ngành chức năng công nhận). Nghề này, người này hiện đang là “của hiếm” ở Tây Nguyên, thậm chí có khả năng chỉ còn là... ký ức!

TAY CHÈO LÃO LUYỆN

Tác giả (ngồi trước) cùng ông già Rah Lan Pêng.

Còn bây giờ, cũng đôi tay ấy với chiếc thuyền độc mộc, thanh thản trên dòng sông yên bình. Già Pêng gác chiếc dầm chèo vào lòng thuyền, đứng dậy. Ông nhún chân, vung tay tung tấm chài xuống dòng nước xanh biếc. Chiếc thuyền hơi chao. Dòng nước vỡ oà, tạo nên những con sóng nhỏ lăn tăn…

9 giờ sáng, chúng tôi mới đến được làng Nú, thuộc xã Ia Khai, huyện Ia Grai (Gia Lai). Vì có hẹn trước nên ông già Rah Lan Pêng ở nhà chờ chúng tôi. Vẻ sốt ruột, ông bỏ tẩu thuốc lá đang ngậm trên miệng: “Ta ra bến sông thôi!”.

Từ nhà ra bến sông khoảng 2 cây số. Đây là ngôi làng mới định cư từ Dự án Thuỷ điện Sê San 4. Làng sầm uất với một trăm phần trăm nhà xây kiên cố, rộng rãi. Những vườn điều đang mùa thu hoạch, quả chín đỏ trĩu cành.

Qua khỏi những vườn điều bạt ngàn, dòng Pôcô đã hiện ra trước mắt. Đang là cao điểm mùa khô, nhưng Pôcô không cạn trơ như những dòng sông khác ở Tây Nguyên. Dòng sông xanh ngắt, hiền hoà xuôi chảy. Hai bên bờ mơn mởn cỏ xanh, là những vườn cây trái sum suê, là những cánh rừng chứa đầy huyền thoại…

Bến sông là một bãi đất tương đối bằng phẳng. Dăm chiếc thuyền độc mộc thanh thản gối đầu lên bờ. Chỉ một con thuyền còn mới, già Pêng nói: “Chiếc này tôi đẽo xong cách đây 3 tháng, có người đòi mua bốn triệu rưỡi mà tôi không bán!”.

Kéo chúng tôi ngồi xuống vệ cỏ, già Pêng kể lại thời trai trẻ của mình gắn với dòng Pôcô. Năm 1963, chàng trai Rah Lan Pêng cũng như nhiều thanh niên khác trong làng tình nguyện tham gia du kích (sau A Sanh- tên thật là Puih San- huyền thoại “người lái đò trên sông Pôcô” 2 năm). Anh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao.

- Ngày ấy, công việc tổ chức giao ông thích nhất là việc gì? Tôi hỏi.

- Việc gì cũng thích. Nhưng được chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội qua sông vẫn thích hơn, nhất là “bộ đội gái”- ông cười khoáng đạt như ngọn gió thổi trên sông.

Cũng phải thôi, bởi sinh ra và lớn lên bên dòng Pôcô, uống nước, ăn cá của sông Pôcô…sông Pôcô đã là máu là thịt, là điều gì đó rất đỗi thiêng liêng với mỗi chàng trai cô gái J’rai ở đây. Chèo thuyền độc mộc trên sông Pôcô là niềm vui lớn của họ.

Ông nhớ thời thanh niên, ông và các bạn thường chèo thuyền ra sông quăng chài bắt cá. Đến mùa, sang bờ sông phía huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) bẻ măng rừng, hái rau, rồi thì bẫy chim, bẫy thú…Nhiều khi, độc mộc còn chở những đôi trai gái dạo chơi trên dòng Pôcô hay vào rừng hái quả dâu chua, tìm nơi tình tự…

Thì độc mộc sinh ra là để làm những việc như thế mà. Tuy nhiên khi có kẻ thù xâm lăng, thuyền độc mộc lại là phương tiện hữu hiệu để đưa bộ đội sang sông. Già Pêng kể: Anh hùng A Sanh cũng sinh ra ở làng Nú của ông (sau này lấy vợ, về ở làng Bi xã Ia O, huyện Ia Grai).

A Sanh vào du kích năm 1961. Hai năm sau (1963), Rah Lan Pêng cùng nhiều trai làng khác cũng tự nguyện tham gia du kích. Riêng làng Nú đã có khoảng mười người chuyên làm nhiệm vụ chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông. Già Pêng nhớ: Năm 1967, ông chở bộ đội vượt sông Pôcô sang phía Sa Thầy.

Đêm đó, riêng mình ông đã thực hiện năm mươi chuyến đò ngang, đưa 500 bộ đội sang sông. Từ mười giờ đêm đến năm giờ sáng, chở năm mươi chuyến đò vượt sông trong mưa bom bão đạn, trong dòng nước xiết! Chỉ có tình yêu quê hương cháy bỏng mới tạo nên một sức mạnh phi thường đến vậy.

Già Pêng kéo tay chúng tôi lên thuyền, ông chèo ra giữa sông. Tay chèo của ông già ngoài sáu mươi vẫn khoẻ khoắn, nhanh nhẹn. Đôi tay này đây, khoảng hơn bốn mươi năm về trước đã chèo hàng ngàn chuyến đò ngang, vun vút đưa bộ đội sang sông, góp phần giải phóng quê hương.

NGHỆ NHÂN SÓT LẠI...

Rah Lan Pêng bên bến đò sông Pôcô- nơi ông đã từng đưa hàng ngàn lượt bộ đội sang sông đi đánh giặc.

Thi thoảng cũng đẽo giúp người làng bên chiếc thuyền độc mộc, chả công sá, tiền bạc gì. “Giàng ban cho mình có đôi tay biết cầm rìu đẽo thuyền, đẽo xong cho ai đó chỉ cần bữa rượu ghè là vui rồi. Đó là phong tục!”. Già Pêng nói, lời nói cứ nhẹ như chiếc thuyền độc mộc lướt yên bình trên dòng Pôcô.

3 giờ chiều, chúng tôi về lại nhà già Pêng. Thằng Ngoan và thằng Ziu (con trai già Pêng) khệ nệ khiêng hai ghè rượu đặt giữa nhà rồi bỏ ra ngoài hiên, say mê với mấy bài nhạc uỷ mị phát ra từ chiếc điện thoại di động tân thời.

Già Pêng ném xâu cá bắt được cho K’sor Bên (con gái). Già Duit và già Hmơnh cũng đã có mặt. Đây là 3 ông già cuối cùng biết đẽo thuyền độc mộc ở vùng này. Lát sau, Bên bưng lên đĩa cá lăng đã nướng chín. Cá lăng sông Pôcô là sản vật trời ban cho người dân vùng này. Thịt cá lăng vừa mềm, thơm, lại ngọt. Đây là loại cá đặc sản ở các nhà hàng lớn, có giá từ sáu mươi đến một trăm ngàn đồng mỗi cân, thậm chí còn đắt hơn nữa.

Ghè rượu mở nắp, cần rượu vút cong. Cá lăng nướng quyện với mùi rượu ghè ủ bằng hạt kê, quyến rũ đến đỗi…khó cưỡng! Men rượu lại đưa ba ông già J’rai trở về với những ký ức đẹp thời trai trẻ. Và, câu chuyện lại xoay quanh “nghề” đẽo thuyền độc mộc.

Đẽo thuyền độc mộc chỉ dùng vài dụng cụ thông thường như Jong (rìu- dùng để chặt, đẽo), Jong kay (cuốc chim- dùng để khoét ruột thân cây) và Jong xông (rìu bào- dùng để bào nhẵn mặt thuyền). Khi vào rừng chặt cây nhất thiết phải lắng nghe tiếng con chim Plang: Nếu nó kêu sau lưng thì phải quay về, nếu không sẽ gặp tai hoạ (cũng giống như tục lệ đi chặt gỗ về làm nhà Rông).

Cây làm thuyền độc mộc phải là cây gỗ sao thân thẳng, to đến hai người ôm. Cây sao gỗ nhẹ mà chắc, thuận tiện cho việc lướt trên sông nước. Hạ xong cây gỗ, dùng Jong chặt cành nhỏ của chính cây gỗ ấy để nấu cơm cúng Giàng (trời). Cúng xong, cây gỗ được cưa ở đoạn thẳng nhất vừa với chiều dài chiếc thuyền (5-7 mét), rồi thì đẽo nên hình thù chiếc thuyền, khoét lòng thuyền, bào nhẵn…

Xong đâu đó, con thuyền được hơ qua lửa để định hình trước khi kéo ra bến nước. Tại bến nước, một lần nữa lại cúng cầu Giàng cho con thuyền được bền, tốt, không gặp sự cố khi “hạ thuỷ”, không gặp tai nạn khi đi trên sông…Để làm được một chiếc thuyền độc mộc thường mất bốn ngày đến một tuần, tuỳ theo thuyền to hay nhỏ. “Thuyền to chở được 15 người, nhỏ thì cũng được 6-7 người”- già Pêng nói.

Sau ngày quê hương sạch bóng giặc, già Pêng mới có điều kiện để học nghề đẽo thuyền độc mộc. Là người có tay chèo lão luyện, lại có niềm đam mê nên chỉ sau mấy lần theo phụ việc cho người lớn, ông đã trở thành một tay thợ thực thụ. Hơn 30 năm trong nghề, ông đã đẽo được không dưới 40 chiếc thuyền, chủ yếu đẽo thuyền cho nhà mình hay đẽo giúp người làng (ở làng Nú có bao nhiêu nóc nhà thì cũng có bấy nhiêu chiếc thuyền độc mộc).

Vậy đấy, đẽo thuyền độc mộc không chỉ là làm ra một phương tiện đi lại. Nó còn là nét văn hoá đặc trưng của cư dân bản địa sinh sống bên dòng Pôcô. Chỉ tiếc rằng rồi đây, ai sẽ thay thế cho thế hệ già Pêng, già Duit, già Hmơnh…khi mà K’sor Ngoan- con trai của chính nghệ nhân tài hoa Rah Lan Pêng thừa nhận: Không biết đan gùi vì không thể chẻ được cọng lạt, còn đánh chiêng thì…không dẻo tay bằng…chơi bi- a. Nói gì đến việc đẽo thuyền!

Tôi chợt chạnh lòng. Rồi đây, những chuyến đò ngang trên sông Pôcô trong thời kháng chiến, những chiếc thuyền độc mộc trôi trên sông với cây măng le, mớ rau rừng và những đôi trai gái, cái nghề đẽo thuyền độc mộc, kể cả những “A Sanh” lặng lẽ như già Pêng, già Duit, già Hmơnh…- chỉ còn là một ký ức đẹp, lặng lẽ, thao thiết xuôi dòng Pôcô.

Sông Pôcô, cuối tháng Tư, 2008

Xem thêm
Hà Nội đối mặt nhiều thách thức về an toàn thực phẩm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội, hàng loạt vấn đề nổi cộm đã được đặt trong công tác quản lý ATTP.

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất