| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản - Trồng trọt 'bắt tay' tích hợp đa giá trị cây sắn

Thứ Tư 26/10/2022 , 11:17 (GMT+7)

Nhằm mang lại lợi ích bền vững cho người nuôi thủy sản lẫn người trồng sắn, Tổng cục Thủy sản và Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) bắt tay thúc đẩy liên kết giữa hai bên.

BATH6682

Hai đơn vị của Bộ NN-PTNT là Tổng cục Thủy sản và Cục Trồng trọt phối hợp, liên kết doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản từ sắn. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo Tổng cục Thủy sản, khoảng 35% trong tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản hàng năm (31 triệu tấn) được sản xuất trong nước. Cụ thể, ngô 3 triệu tấn/năm, cám gạo 4 triệu tấn, sắn khô 2,5 triệu tấn, khô dầu đậu tương 840.000 tấn...

Tuy nhiên, 120 nhà máy sản xuất thức ăn thuỷ sản hỗn hợp trên cả nước với tổng công suất thiết kế 10 triệu tấn/năm, chưa khai thác được hết nguồn cung này. Sản lượng năm 2021 ước đạt 5,2 triệu tấn. Trong đó, bã nành chiếm tỷ trọng khoảng 25%, tương đương 1,5 triệu tấn/năm; cám gạo sử dụng khoảng 15%, tương ứng 0,9 triệu tấn/năm; sắn khoảng 10%, nhu cầu 0,6 triệu tấn/năm...

Cây sắn để lại nhiều trăn trở nhất trong số này. Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, thị trường trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 30% sản lượng sắn. Các doanh nghiệp trong hiệp hội hầu hết chọn xuất khẩu làm đầu ra chính, từ đó dẫn đến tình trạng giá sắn trong nước đôi lúc cao hơn cả giá xuất khẩu. Riêng lĩnh vực thức ăn thủy sản, nguyên liệu đầu vào hiện chủ yếu là tinh bột sắn, riêng sắn lát với sản lượng vài trăm nghìn tấn/năm đang bị bỏ ngỏ.

Nhằm mang lại lợi ích bền vững cho cả người nuôi thủy sản lẫn người trồng sắn, đồng thời góp phần giúp cây sắn khẳng định vị thế trên quê hương, Tổng cục Thủy sản mời một số doanh nghiệp kinh doanh thức ăn thủy sản cùng làm việc với Cục Trồng trọt và Hiệp hội Sắn Việt Nam để bàn giải pháp cho vấn đề sản xuất, cung ứng thức ăn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, nêu 3 lợi ích khi doanh nghiệp của hai lĩnh vực hợp tác với nhau. Đó là: đảm bảo nguồn cung; giảm chi phí logistics; hình thành được chuỗi liên kết, bắt đầu từ vùng nguyên liệu trồng sắn đến vùng nuôi thủy sản, giúp tạo lập giá trị bền vững.

"Vấn đề là cách chúng ta tổ chức sản xuất, làm thế nào để người dân sống khỏe trên chính đồng ruộng của họ. Muốn vậy, doanh nghiệp hai bên cần ngồi lại, định vị rõ phân khúc, tránh tình trạng giá sắn cao thì mang đi xuất khẩu, giá thấp lại mang về trong nước tiêu thụ", ông Luân chia sẻ.

a

Người nuôi thủy sản có thể hưởng lợi lớn từ thức ăn thủy sản được sản xuất từ nguyên liệu củ sắn. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, dư địa cho sắn và các sản phẩm từ sắn trong thị trường thức ăn thủy sản còn rộng mở. Với diện tích nửa triệu ha trên cả nước, sản lượng tươi khoảng 10 triệu tấn/năm, trong đó có 2,5-2,8 triệu tấn tinh bột, một số nơi còn gặp khó khăn khi tìm đầu ra cho cây sắn. Thêm vào đó, nếu chỉ xuất khẩu sang một thị trường như hiện nay, người trồng sắn sẽ gặp rủi ro mỗi khi có biến động quốc tế.

"Nếu có nhu cầu cố định trong nước, tạo chuỗi khép kín, ngành sắn sẽ phát triển bền vững hơn. Ý tưởng tăng cường sử dụng sắn làm thức ăn thủy sản rất hay, bởi lợi ích cho cả người trồng sắn, người nuôi thủy sản đều được đảm bảo", ông Cường nói.

Cục Trồng trọt đang được giao xây dựng đề án phát triển sắn. Nhiều giống năng suất cao, đạt 24-25 tấn/ha chuẩn bị được đưa vào gieo trồng rộng rãi. Cùng với Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt cam kết, sẵn sàng làm đầu mối cho Hiệp hội Sắn hợp tác với doanh nghiệp thức ăn thủy sản. Trên cơ sở này, Cục sẽ làm việc thêm với địa phương để tạo những vùng trồng năng suất, chất lượng, thuận tiện cho cả hai bên.

Thừa nhận, các doanh nghiệp thủy sản còn gặp nhiều rào cản để tiếp cận với nguồn sắn chất lượng cao, cũng như công nghệ sản xuất sắn còn tương đối đơn giản, nhưng ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tin tưởng: "Chỉ cần tạo được một liên kết, đó sẽ trở thành nguồn cảm hứng, thôi thúc doanh nghiệp hai bên tham gia".

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn De Heus cho biết, tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp luôn phải lựa chọn giữa sắn với ngô và lúa mì khi tìm nguyên liệu đầu vào cho thức ăn thủy sản. Tất cả phụ thuộc vào giá, tính sẵn có ở thời điểm mua và số khâu trung gian. Ngoài ra, bảo quản sắn khó hơn vì độ ẩm tại Việt Nam khá cao. Sắn để lâu có nguy cơ nấm, mốc, bên cạnh tính mùa vụ của loài cây này.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hợp tác nhiều bên phòng chống hiệu quả bệnh dại

5 năm qua, sự hợp tác giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, chủ nuôi, cộng đồng… đã tạo nên thành công trong phòng chống bệnh dại ở Đức Huệ, Long An.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.