
Mỗi kg bọ xít đen khô như thế này có giá 3-4 triệu đồng. Ảnh: Vân Đình.
Ông Tuấn cho biết, bọ xít đen là loài bọ cánh cứng có vòng đời rất ngắn, chỉ xuất hiện trong một thời gian nhất định của năm, thường thấy trên những vườn cây su su, cây bí, cây ngô…, nhất là nơi dùng ít thuốc BVTV hoặc không dùng thuốc BVTV.
Không giống như bọ xít nhãn có thân hình to, màu nâu sáng, là món ăn khoái khẩu của đồng bào Thái ở tỉnh Sơn La, bọ xít đen có thân hình nhỏ, mùi hôi đặc trưng nên hầu như không ai đem chế biến làm món ăn cả. Cách đây mấy chục năm, một số tư thương Trung Quốc cũng tìm mua bọ xít đen nhưng rồi bỏ bẵng đi, tới đầu năm nay mới mua trở lại.
Mấy tháng nay, bắt bọ xít đen bằng vợt trở thành một nghề thời vụ của một số đồng bào Mông nơi đây, trung bình mỗi người mỗi ngày thu được khoảng trên dưới 1 lạng. Hiện giá thu mua vào của bọ xít đen tươi là hơn 1 triệu đ/kg, với hơn 2kg tươi thì sẽ được 1kg khô, giá bán ra là 3-4 triệu đ/kg.
Trong vùng có nhiều người thu mua bọ xít đen như ông Tuấn nên số lượng "hàng" bị san sẻ, mỗi nhà từ đầu vụ đến nay chỉ được cỡ 5-10 kg khô.
“Người Trung Quốc thu mua bọ xít đen làm thuốc hay làm gì thì chúng tôi không biết và nếu đùng cái, họ không thu mua nữa thì chỉ có nước đem đổ đi”, ông Tuấn khẳng định.
Vòng đời của bọ xít đen khoảng 40-60 ngày. Con trưởng thành có màu nâu đen, cái dài hơn đực, thân có hình bầu dục, lưng và bụng nhô ra như nhau. Một con cái có thể đẻ 100-600 trứng. Bọ xít non mới nở sống tập trung quanh vỏ trứng, đến tuổi 2 thì phân tán, nấp dưới khóm lúa để hút nhựa cây.
Bọ xít đen thường xuất hiện vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu để phá lúa và một số hoa màu, nhất là những ruộng cấy sớm, bị lốp, nhiều cỏ dại, ruộng nước bị hại nặng hơn ruộng cạn. Cả bọ xít non và bọ xít trưởng thành đều chích hút nhựa lá, thân, đòng lúa. Nếu cây lúa bị hại nặng toàn thân khô héo và chết từng khóm, còn ở thời kỳ trỗ thì bông bị lép hoặc bạc trắng.