
Công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại Hải Phòng luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Ảnh: Đinh Mười.
Thời cơ để tập trung nguồn lực, thế mạnh
Nếu như trước đây, Hải Dương mạnh về sản xuất thô và Hải Phòng mạnh về chế biến, xuất khẩu, thì sự kết hợp này sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, khép kín và đầy sức cạnh tranh. Sau khi sáp nhập TP. Hải Phòng mới hình thành một "tấm lá chắn" phòng, chống dịch bệnh động vật thống nhất và quy mô hơn.
Trước đây, khi dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm xảy ra, công tác kiểm soát, dập dịch ở các vùng giáp ranh thường gặp khó khăn do sự khác biệt trong chỉ đạo và phối hợp giữa hai địa phương.
"Việc sáp nhập tỉnh, thành và vận hành chính quyền 2 cấp chính là chìa khóa để kiến tạo một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Hải Dương (cũ) với thế mạnh là “vựa sản xuất” sẽ đóng vai trò vùng nguyên liệu dồi dào kết hợp Hải Phòng có lợi thế cảng biển, công nghiệp sẽ là trung tâm chế biến sâu và xuất khẩu của cả nước”.
Sau khi hợp nhất, một bộ máy quản lý duy nhất sẽ triển khai các kế hoạch phòng chống, giám sát dịch bệnh một cách đồng bộ và xuyên suốt. Nguồn lực về vaccine, thuốc thú y, nhân lực sẽ được điều phối linh hoạt, nhanh chóng đến các “điểm nóng” mà không bị vướng rào cản hành chính.
Đặc biệt, việc xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ trở nên hiệu quả hơn, tạo ra một môi trường đầu tư an toàn, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi chăn nuôi công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, dù còn sớm để đánh giá toàn diện, nhưng việc hợp nhất chắc chắn sẽ tạo ra "dư địa phát triển" to lớn cho ngành. Trong đó, lợi thế lớn nhất là khả năng quy hoạch và hình thành nên những vùng, khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, có tính ổn định và bền vững cao hơn.
Từ dự địa và tiềm năng đã có, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng mới sẽ có nhiều lựa chọn và dễ hơn trong quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung ở Hải Dương, gắn kết trực tiếp với các nhà máy chế biến, kho lạnh và hệ thống cảng biển của Hải Phòng.

Việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và vùng chuyên về chế biến, xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn sau khi sáp nhập. Ảnh: Đinh Mười.
Khi đó, sản phẩm chăn nuôi sẽ đi theo một con đường thẳng từ trang trại đến thị trường quốc tế, được kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo một quy chuẩn duy nhất. Điều này không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn xây dựng được thương hiệu nông sản mạnh cho toàn vùng, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Cơ hội vàng kiện toàn hệ thống
Có thể nói, sự ra đời của TP. Hải Phòng mới trên cơ sở sáp nhập với tỉnh Hải Dương không chỉ là một sự cộng gộp về quy mô, mà còn là một “cơ hội vàng” để rà soát, tái cấu trúc và giải quyết những vấn đề tồn tại dai dẳng của lĩnh chăn nuôi - thú y. Những kiến nghị tâm huyết từ những người có trách nhiệm từ 2 địa phương chính là giải pháp, là kim chỉ nam cho những thay đổi đột phá cần được thực thi ngay lập tức, trong đó, con người và thể chế phải đi trước một bước.
Giải pháp ưu tiên hàng đầu mà cả Hải Phòng (cũ) và Hải Dương (cũ) đều đưa ra trước khi sáp nhập chính là kiện toàn và thống nhất mô hình tổ chức hệ thống thú y, mô hình ngành dọc, đảm bảo sự chỉ đạo chuyên môn thông suốt từ thành phố đến cơ sở, không bị phân mảnh, cắt khúc là yêu cầu cấp thiết nhưng chưa có thời điểm thích hợp để triển khai.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập và khi chính quyền 2 cấp vận hành, việc nhân rộng mô hình này trên toàn thành phố mới khả quan. Nếu được thực hiện kịp thời sẽ khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở một số nơi, đảm bảo mệnh lệnh hành chính trong phòng chống dịch được thực thi nhanh chóng và hiệu quả.
Đi liền với đó là việc ban hành chính sách đãi ngộ đặc thù để tiếp sức cho tuyến đầu, HĐND thành phố cần nghiên cứu, xem xét nâng mức phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã, thôn, không chỉ dựa trên hệ số lương cơ sở mà cần có thêm các khoản hỗ trợ dựa trên đặc thù công việc và rủi ro nghề nghiệp. Đây phải được xem là một khoản đầu tư chiến lược cho “an ninh" y tế trong chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.

Việc chăn nuôi quy mô lớn, bền vững rất cần những giải pháp mang tính chiến lược và căn cơ. Ảnh: Đinh Mười.
Một giải pháp quan trọng khác được cả hai báo cáo đề cập là thể chế hóa quy chế phối hợp liên ngành. Cần có quy định cấp thành phố về việc thành lập các tổ công tác liên ngành cơ động, hoạt động thường xuyên tại các cửa ngõ giao thông và các điểm nóng, trong đó lực lượng thú y giữ vai trò chủ trì về chuyên môn, còn công an, quản lý thị trường đảm bảo việc thực thi pháp luật.
Trước thực trạng nhức nhối về giết mổ nhỏ lẻ, thời gian tới cần được giải quyết bằng những biện pháp quyết liệt và đồng bộ, không thể để kéo dài, giải pháp căn cơ là thực thi nghiêm quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung. Dựa trên quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt, các địa phương phải công bố rõ ràng quỹ đất, đồng thời thành phố cần ban hành các cơ chế đột phá về miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay vốn, ưu đãi thuế để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư.
Song song với đó, TP. Hải Phòng mới cần có lộ trình rõ ràng và chính sách hỗ trợ thỏa đáng như đào tạo nghề, hỗ trợ vốn,... để các hộ giết mổ nhỏ lẻ chuyển đổi sang làm dịch vụ trong các cơ sở tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc là một giải pháp của thời đại. Cần kết nối thông tin từ các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung đến các điểm bán lẻ thông qua mã QR. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn mà còn tạo ra một cơ chế giám sát minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý của nhà nước.
Cuối cùng, ở tầm vĩ mô, một kiến nghị chung là cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương sớm ban hành Nghị định về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật để hỗ trợ, đồng hành với người chăn nuôi. Với một hành lang pháp lý quốc gia rõ ràng, cập nhật về việc hỗ trợ, bồi thường sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng ngân sách và triển khai các biện pháp chống dịch, tạo sự yên tâm cho cả người dân và cán bộ thực thi.
"Với tầm vóc mới, không gian phát triển mới, quyết tâm chính trị mới và những giải pháp đồng bộ, khoa học, ngành chăn nuôi - thú y Hải Phòng hoàn toàn có đủ cơ sở để vượt qua thách thức, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho một siêu đô thị mà còn khẳng định vị thế là một trung tâm chăn nuôi an toàn, hiện đại, có thể là tốp đầu đầu của cả nước trong tương lai", ông Nguyễn Minh Họa, Chủ trang trại chăn nuôi lợn tại đảo Bầu bày tỏ kỳ vọng.