Cần thiết đầu tư công nghệ cao
Theo Chi cục Biển và Thủy sản Ninh Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh này có trên 460 cơ sở sản xuất giống thủy sản; trong đó, sản xuất giống tôm thẻ có 268 cơ sở và 180 cơ sở sản xuất giống tôm sú. Về sản xuất giống tôm sú, Ninh Thuận địa phương đứng đầu cả nước.

ĐBSCL là thị trường tiêu thụ tôm giống lớn nhất của Ninh Thuận. Ảnh: PC.
Tôm giống của Ninh Thuận hiện đã có mặt tại 18 tỉnh, thành trên cả nước; riêng các tỉnh ĐBSCL chiếm đến 85-90% sản lượng xuất bán của tỉnh; tiêu thụ nhiều nhất là tỉnh Cà Mau, chiếm đến 20% trong số tôm giống xuất vào ĐBSCL; rồi đến Bạc Liêu chiếm khoảng 17-18%, sau đó là Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh. Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận đều có đại lý cung cấp tôm giống tại các tỉnh nói trên.
Tuy nhiên, khoảng 60-70% cơ sở sản xuất giống thủy sản của Ninh Thuận là cơ sở vừa và nhỏ, hầu hết đang gặp khó khăn về đầu tư công nghệ, khó khăn về tài chính, nhất là khó khăn về đầu ra nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả.
Thực tế trong sản xuất cho thấy, tôm giống của Ninh Thuận đã khẳng định thương hiệu. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện trên cả nước có 20 tỉnh có sản xuất giống thủy sản với sản lượng 155 tỷ con/năm. Tuy nhiên, Ninh Thuận vẫn là tỉnh có sản lượng cao nhất với sản lượng 45 tỷ con (năm 2024), cung cấp chủ yếu cho người nuôi ở ĐBSCL và dư địa ở thị trường này còn rất lớn.
Chi cục Biển và Thủy sản Ninh Thuận cho biết, hiện nay, một số tỉnh đang có cơ chế ưu đãi để khuyến khích sản xuất giống thủy sản. Ví như tỉnh Bình Thuận chỉ có khoảng 120-130 cơ sở sản xuất giống thủy sản, nhưng sản lượng hằng năm đạt khoảng 30 tỷ con. Trong khi tỉnh Ninh Thuận có đến 460 cơ sở nhưng sản lượng chỉ đạt 45 tỷ con, chứng tỏ Ninh Thuận chưa được quan tâm đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất.

Tôm giống chất lượng cao giúp các doanh nghiệp, người dân giảm được hao hụt trong quá trình nuôi. Ảnh: PC.
Do vậy, một trong những hướng đi phù hợp mà một số doanh nghiệp ở Ninh Thuận đã triển khai là đầu tư công nghệ cao, tự động về môi trường, đếm tôm tự động, tự động trong mọi hoạt động sản xuất. Hiện Ninh Thuận có một cơ sở sản xuất giống thủy sản được cơ quan chức năng công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.
Về lâu về dài, nhất là trong bối cảnh môi trường ngày càng suy giảm thì giải pháp tối ưu nhất là phải đầu tư công nghệ cao thì mới có thể phát triển bền vững. Khi đã đầu tư công nghệ chất lượng tôm giống sẽ được nâng cao, khi đó sẽ chiếm lĩnh được thị trường.
Tiến tới chủ động tôm bố mẹ
Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ chủ động được khoảng 50-60% nhu cầu về tôm bố mẹ trong sản xuất tôm giống. Hiện nhu cầu của Ninh Thuận mỗi năm 72.000 con tôm giống bố mẹ để sản xuất tôm giống, nhưng tôm bố mẹ sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, hầu hết tôm bố mẹ đều sử dụng tôm ngoại nhập.
Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống thủy sản Ninh Thuận cho biết, tôm bố mẹ nhập ngoại phải chịu nhiều rủi ro về giá cả, về thị trường và nhất là về chất lượng. Nhiều lô tôm bố mẹ nhập về không sinh sản được nhưng cơ sở mua đành phải chịu chứ không thể bắt đền hoặc trả lại, bởi theo hợp đồng bên bán buộc bên mua phải chấp nhận rủi ro.
“Nhiều cơ sở sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận nhập tôm bố mẹ đã thấm thía vấn đề này. Đến nay, tôm bố mẹ còn là vấn đề nan giải của ngành thủy sản cả nước nói chung và ngành thủy sản Ninh Thuận nói riêng”, ông Lê Văn Quê chia sẻ.

Ninh Thuận mỗi năm cần 72.000 con tôm giống bố mẹ để sản xuất tôm giống. Ảnh: PC.
Trung tâm giống tôm sú bố mẹ Moana Ninh Thuận được xây dựng vào cuối năm 2008. Tháng 5 năm 2010, Trung tâm đón nhận từ Moana Technologies Hawaii đàn tôm đầu tiên với 40.000 con giống. Từ đó, mỗi năm đơn vị nhân 3 đàn giống vào các tháng 4, tháng 8 và tháng 12; hiện nay, Trung tâm có thể nuôi lớn 60.000 con bố mẹ mỗi năm để cung cấp cho các trại giống trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Trần Đình Cẩm Lan, Giám đốc Công ty Moana Ninh Thuận, đến nay, chương trình chọn lọc, giao hóa giống tôm sú bố mẹ của Moana Ninh Thuận đã thực hiện được 15 năm, mức đầu tư tài chính đã đến cả trăm triệu USD. Hiện nay, Moana Ninh Thuận đang đầu tư khoảng 10 tỷ để thay thế tất cả các trang thiết bị, hệ thống xử lý nước.
“Sau khi hoàn thành, đoàn chuyên gia của Moana Technologies Hawaii sẽ qua thẩm định, nếu được chấp nhận, Moana Ninh Thuận sẽ được nhận đàn tôm ông bà về để sản xuất ra tôm bố mẹ. Khi ấy, Moana Ninh Thuận sẽ sản xuất được 6 đàn/năm, đủ cung cấp cho các trại giống trên cả nước”, bà Trần Đình Cẩm Lan, Giám đốc Công ty Moana Ninh Thuận thông tin.