| Hotline: 0983.970.780

Thời tiết khắc nghiệt, sầu riêng nguy cơ mất mùa

Thứ Năm 22/05/2025 , 09:11 (GMT+7)

GIA LAI Do ảnh hưởng thời tiết, sầu riêng đang giai đoạn ra trái non bị rụng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nguy cơ mất mùa.

Nhiều vườn sầu riêng bị rụng quả, ảnh hưởng lớn đến năng suất khi thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều vườn sầu riêng bị rụng quả, ảnh hưởng lớn đến năng suất khi thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Thời điểm ra hoa, đậu quả rất quan trọng, quyết định sự thành bại của cả vụ sầu riêng. Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, thời điểm sầu riêng ra hoa, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện các đợt không khí lạnh kèm theo gió mạnh và sương muối nên bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Chưa dừng lại, thời gian gần đây khi sầu riêng bước vào giai đoạn đậu quả lại gặp nắng nóng nên bị rụng trái non rất nhiều.

Ghi nhận tại huyện Ia Grai (Gia Lai), rất nhiều hộ dân đang phải gồng mình khắc phục tình trạng rụng trái non trên vườn sầu riêng.

Có 350 cây sầu riêng, gia đình ông Phan Văn Vĩnh (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đang đối mặt với tình trạng rụng trái non rất nhiều, ước tính thiệt hại khoảng 30%.

Ông Vĩnh cho biết có nhiều nguyên nhân khiến vườn sầu riêng của gia đình bị rụng trái non như do thời tiết khắc nghiệt, những cơn mưa đầu mùa với cường độ lớn khiến những trái non không thể trụ nổi. Việc rụng trái non cũng có thể do sầu riêng mọc chồi non rất nhiều, dinh dưỡng không đủ cung cấp cho quả.

“Để giảm thiểu thiệt hại, gia đình đang cố gắng khắc phục bằng cách tăng cường bón phân cũng như bổ sung thêm các vi lượng cần thiết giúp vườn sầu riêng vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Vĩnh nói và cho biết, gần như tất cả các vườn sầu riêng của các hộ dân trong vùng đều bị ảnh hưởng do thời tiết dẫn đến hoa và quả non bị rụng nhiều.

Xuôi về huyện Chư Păh, các vườn sầu riêng cũng bị ảnh hưởng rất lớn do thời tiết gây ra. Gia đình ông Nguyễn Văn Thiện (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) có hơn 400 cây sầu riêng, trong đó khoảng hơn 100 cây đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Tuy nhiên, đến giai đoạn làm hoa, bất ngờ gặp sương muối nên sầu riêng bị hư hỏng rất nhiều. Sau đó, gia đình quyết định bỏ hết hoa để chuyển sang làm sầu riêng trái vụ.

“Năm nay thời tiết se lạnh nên việc ra hoa gặp rất nhiều khó khăn, vườn sầu riêng nào vượt được qua giai đoạn này thì ra trái rất đẹp, còn không đành phải chấp nhận năng suất bị sụt giảm”, ông Thiện thông tin.

Trái non rụng nhiều khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. Ảnh: Tuấn Anh.

Trái non rụng nhiều khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) cho biết, vụ sầu riêng năm nay, hầu hết người dân trên địa bàn đều chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là giai đoạn ra hoa.

“Bình thường mọi năm sầu riêng chỉ cần cho ra hoa một lần, còn năm nay phải ra hoa ba lần nhưng cũng không mấy khả quan. Trước tình hình này, nguy cơ mất mùa sầu riêng là không thể tránh khỏi”, ông Minh cho biết.

Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ia Grai cho biết, hiện trên địa bàn huyện sầu riêng đang bước vào giai đoạn ra trái. Qua kiểm tra tại các nhà vườn, tình trạng rụng trái non rất nhiều.

Việc rụng trái non có rất nhiều nguyên nhân như rụng sinh lý hoặc thiếu dinh dưỡng. Lý do lớn nhất là do thời tiết khắc nghiệt, lúc thì mưa to khi thì nắng gắt khiến sầu riêng bị sốc nhiệt.

Để hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân cần chăm sóc sầu riêng đúng kỹ thuật như tỉa bớt trái non để hạn chế rụng sinh lý, tăng cường phân bón, nước tưới, phun thuốc… giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. “Cây sầu riêng khỏe mạnh, đảm bảo dinh dưỡng nuôi trái thì sẽ hạn chế được việc rụng trái non, giảm thiệt hại”, ông Thắm chia sẻ.

Người dân đang khắc phục tình trạng sầu riêng rụng trái non. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân đang khắc phục tình trạng sầu riêng rụng trái non. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Hoàng Thi Thơ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, có rất nhiều lý do khiến sầu riêng bị rụng trái non như: Rụng trái non sinh lý, mất cân bằng dinh dưỡng, sâu bệnh gây hại và đặc biệt do thời tiết bất thuận… Việc sầu riêng rụng hoa, trái non sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và làm thiệt hại kinh tế cho người dân.

“Để đảm bảo cho cây có sức sống tốt nhất trong giai đoạn ra hoa, đậu quả, người dân cần lưu ý chế độ nước tưới, bón phân, đặc biệt cần bổ sung vi lượng nhằm tăng sức chống chịu của cây. Ngoài ra, có thể bổ sung cho sầu riêng các chất điều hòa sinh trưởng như auxin, cytokinin… để tăng sức chống chịu và chống sốc nhiệt cho cây, giảm rụng hoa, rụng trái”, ông Thơ chia sẻ.

Để sầu riêng thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, thời gian tới, ngành nông nghiệp Gia Lai sẽ tuyên truyền, vận động nông dân không mở rộng diện tích ồ ạt, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Xem thêm
Chuẩn hóa điều kiện xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc

Tây Ninh triển khai giám sát dịch bệnh chim yến, từng bước chuẩn hóa điều kiện sản xuất, chế biến tổ yến theo Nghị định thư 2025 phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Người tiên phong đầu tư giết mổ gia súc đạt chuẩn ở miền Tây

Mô hình giết mổ gia súc tại cơ sở giết mổ Phong Mai (tỉnh Tiền Giang) hướng đến thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Gieo 'hạt vàng' trên vùng đá đen

ĐẮK NÔNG Trên vùng đá đen Krông Nô, người M’nông cần mẫn bứng đá, gieo xuống những 'hạt vàng'.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Ứng dụng công nghệ tự động, trại gà đứng vững trước dịch bệnh

BÌNH DƯƠNG Nhờ áp dụng công nghệ tự động, trại gà Lê Thảnh đã vươn lên thành mô hình điển hình không chỉ về năng suất mà còn là điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh.

Chuỗi giá trị rong sụn: Nền tảng cho xuất khẩu bền vững

QUẢNG NINH Nuôi rong sụn đang từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín, hướng đến xuất khẩu bền vững nhờ ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Những khu 'rừng ma' ở Sơn La: [Bài 3] Bản vùng cao trăm năm không lũ dữ

Bản Lao Khô được đặt theo tên người đi khai phá vùng đất mới, ông Tráng Lao Khô. Tôi được chính người con trai của ông là Tráng Lao Lử dẫn vào 'rừng ma' ở ngay sau nhà.

Bình luận mới nhất