Trên một khu vườn nhỏ ở Cai Lậy, chú Tư ngồi trầm ngâm nhìn những trái sầu riêng vừa thu hoạch. “Chắc bị sượng rồi, mấy thương lái chê”, chú nói, giọng buồn buồn. Trái sầu riêng, thứ quả từng được ví như “vua trái cây”, nay lại bị chính người mua quay lưng. Không phải vì không thơm, không đẹp, mà bởi bên trong, múi không chín đều, bị sượng, bị lạt. Người nông dân bao năm chăm bón, giờ phải gánh lấy hệ quả từ một chuỗi cung ứng thiếu kiểm soát.
Trên đường ra về cứ nghĩ mãi về câu chuyện của chú Tư, bởi đó không chỉ là chuyện một trái sầu riêng không đạt chuẩn, mà là chuyện của một nông dân, một ngành hàng, một nền nông nghiệp đang loay hoay đi tìm vị thế xứng đáng trong một nền nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mù mờ.

Chúng ta đã có những mùa sầu riêng thắng lớn. Giá tăng, nông dân hồ hởi, thương lái nhộn nhịp, doanh nghiệp mở rộng. Nhưng rồi, khi thị trường siết chặt tiêu chuẩn, đặc biệt là thị trường phía Bắc, chúng ta lại lúng túng đối phó. Hàng loạt lô hàng bị trả về, bị cảnh báo dư lượng, bị đánh giá chất lượng không đồng đều. Và đáng buồn thay, niềm tin bị suy giảm.
Không phải do đất không tốt, giống không hay, mà vì thu hoạch chưa đúng độ chín, vì ép tiến độ, vì thiếu kỹ thuật đồng bộ. Cũng không hẳn do nông dân thiếu cố gắng, mà vì thiếu những “đôi tay nối dài”, từ hợp tác xã, cán bộ kỹ thuật, thương lái, doanh nghiệp, để cùng nhau nâng chuẩn, giữ chất, bảo vệ thương hiệu trái cây Việt Nam.


Nếu coi trái sầu riêng là kết tinh cuối cùng của cả một chuỗi giá trị, thì mỗi mắt xích đều cần làm đúng, làm đủ và làm trách nhiệm. Và, mỗi người, nếu có bức xúc với câu chuyện sầu riêng sượng, thì cũng cần thấy mình không vô can, và thay vì chỉ trích hay phê phán thì hãy cùng nhau hành động.
○ Chính quyền cơ sở không chỉ là nơi cấp mã số vùng trồng hay kiểm tra hình thức, mà phải là “bệ đỡ” tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, tạo môi trường minh bạch cho liên kết chuỗi được hình thành và vận hành hiệu quả.
○ Ngành chuyên môn cần cập nhật quy trình kỹ thuật, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, hướng dẫn thời điểm thu hoạch phù hợp, chuyển giao tri thức sát thực tế canh tác.
○ Hội Nông dân phải trở thành người “kết nối niềm tin”, gắn nông dân lại với nhau, thúc đẩy tổ chức cộng đồng sản xuất, hình thành hợp tác xã, cùng nhau học hỏi và tuân thủ quy trình.
○ Cán bộ khuyến nông cộng đồng chính là người “thắp lửa” nơi ruộng vườn, không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, mà còn đồng hành, lắng nghe và truyền cảm hứng cho bà con giữ vững “đạo” làm nông.


○ Thương lái và nhà vựa, những người đầu tiên tiếp cận nông sản, không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận ngắn hạn. Nếu vì ép giá, vì mua hàng sượng, hái non, lách tiêu chuẩn, thì chính họ đang góp phần phá vỡ niềm tin thị trường. Họ cần được đào tạo, gắn trách nhiệm pháp lý và khuyến khích trở thành mắt xích kiểm soát chất lượng, thay vì tiếp tay cho sản phẩm kém.
○ Doanh nghiệp xuất khẩu phải là đối tác đồng hành, không chỉ mua hàng, mà còn đầu tư trở lại cho vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật, thiết lập quy trình truy xuất và bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn thị trường. Một thương hiệu mạnh cần xuất phát từ một chuỗi sản xuất có nền tảng vững chắc.
○ Hiệp hội rau quả, hiệp hội ngành hàng sầu riêng địa phương cần vượt khỏi vai trò hành chính, trở thành “nhạc trưởng” liên kết các thành phần trong chuỗi giá trị. Hơn lúc nào hết, các hiệp hội có thể đưa ra tiêu chuẩn, khuyến nghị cơ quan chức năng xây dựng quy trình, quy chuẩn, tham gia kiểm soát chất lượng. Các hiệp hội cũng cần. hỗ trợ xây dựng thương hiệu vùng trồng, định hướng thị trường, tổ chức tập huấn và đại diện cho tiếng nói của nông dân, doanh nghiệp trước cơ quan chức năng, thị trường và cả đối tác quốc tế.

Một sáng đầu mùa mưa, trở lại Cai Lậy nghe chú Tư khoe: “Năm nay tui làm theo kỹ thuật của tụi nhỏ khuyến nông chỉ, hái đúng độ chín, không thúc phân sớm… Sầu riêng ngon hơn hẳn!”. Giọng chú vui như gió lùa qua vườn cây rợp bóng. Tôi mừng hơn cả khi biết trái sầu riêng của chú được một doanh nghiệp đặt trước, giá tốt, bao tiêu nguyên mùa.
Thì ra, chỉ cần mỗi người thay đổi một chút, chính quyền sâu sát hơn, cán bộ gần dân hơn, hội đoàn năng động hơn, thương lái tử tế hơn, doanh nghiệp có tâm hơn, hiệp hội chủ động hơn, là trái sầu riêng đã có thể thơm hơn, ngon hơn, chín đều hơn. Và quan trọng nhất: được tin tưởng hơn!


Nông nghiệp không thể chạy theo giá cả ngắn hạn, mà phải hướng tới giá trị. Nông nghiệp phải chuyển từ cách tiếp cận “sản phẩm”, cái mình sản xuất ra được, sang cách tiếp cận “thương phẩm”, cái mà thị trường đặc định. Phải là một hành trình lâu dài của tri thức, kỹ năng và niềm tin. Mỗi quả sầu riêng chín đều hôm nay là kết tinh của trách nhiệm hôm qua và là niềm hy vọng cho ngày mai. Bởi, như một câu nói rất tâm đắc: “Niềm tin là thứ nảy mầm chậm, nhưng nếu gieo đúng cách, sẽ trổ hoa bền lâu hơn cả vụ mùa”.
Chúng ta không chỉ xuất khẩu trái cây, chúng ta đang xuất khẩu danh dự của một quốc gia nông nghiệp. Và để danh dự ấy chín đều như trái sầu riêng ngon, thì mỗi chúng ta, từ ruộng vườn đến thương trường, đều phải góp một phần lửa, một phần trách nhiệm và một niềm tin dài lâu.
Hãy góp thêm một ngọn lửa thay vì nguyền rủa bóng tối!