Lời tòa soạn: Trước các quy định ngày càng ngặt nghèo của thị trường, sầu riêng phải được quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến thương mại, nâng cao chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam.
Với tinh thần đó, Báo Nông nghiệp và Môi trường khởi đăng loạt bài: Đưa sầu riêng trở lại "đường đua", cổ vũ toàn ngành, địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân sản xuất và kinh doanh sầu riêng có trách nhiệm, qua đó mở rộng và giữ vững thị trường, đảm bảo thương hiệu và uy tín quốc gia.
Từ niềm tự hào xuất khẩu đến cuộc sát hạch quốc tế
Những tháng đầu năm 2025, ngành sầu riêng Việt Nam đối mặt với giai đoạn chuyển tiếp đầy cam go: Từ trạng thái mở cửa thuận lợi sang kiểm soát gắt gao. Trên các cao nguyên Đắk Lắk đến đồng bằng Tiền Giang, trái sầu riêng không còn chỉ là niềm tự hào, mà đã trở thành tâm điểm của cuộc sát hạch chất lượng toàn diện từ phía thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của ngành, đã siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chất phụ gia, cũng như truy xuất nguồn gốc và hồ sơ mã số vùng trồng.

Tính đến đầu năm 2025, cả nước có hơn 700 mã số vùng trồng và 400 cơ sở đóng gói được phê duyệt xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: "Thị trường ngày càng khó tính, chỉ cần sai lệch nhỏ về dư lượng hóa chất hay truy xuất không đúng là vùng trồng có thể bị đình chỉ, doanh nghiệp mất quyền xuất khẩu". Việc giữ vững từng mã số vùng trồng giờ đây không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn.
Hôm nay (21/5), Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo quy trình hiện hành được quy định tại văn bản số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023, việc thẩm định, cấp và quản lý mã số vùng trồng được phân cấp về Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương. Các Sở chịu trách nhiệm cấp mã số, giám sát định kỳ, cập nhật dữ liệu và hướng dẫn nông dân sử dụng phần mềm Nhật ký đồng ruộng.
Tính đến đầu năm 2025, cả nước có hơn 700 mã số vùng trồng và 400 cơ sở đóng gói được phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương để xảy ra tình trạng mượn mã số, không cập nhật nhật ký hoặc khai báo sai sản lượng, dẫn đến bị trả hàng.
Ông Đạt nhấn mạnh: "Chúng tôi không chỉ kiểm tra trước thu hoạch, mà còn theo sát cả khâu vận chuyển, đóng gói và xuất cửa khẩu. Việc tái kiểm định sau vi phạm là bắt buộc". Trên thực tế, một số vùng trồng từng bị thu hồi mã số do không tuân thủ quy trình kỹ thuật và cập nhật dữ liệu không đầy đủ.
Trong khi đó, diện tích trồng sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2024. Sự phát triển bột phát này, theo đánh giá của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tiềm ẩn nhiều rủi ro như manh mún vùng trồng, khó kiểm soát chất lượng, thiếu nước tưới và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Diện tích trồng sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2024. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo xây dựng vùng trồng tập trung, khuyến khích trồng rải vụ để giảm áp lực thu hoạch đồng loạt, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về canh tác, thu hoạch và bảo quản trái cây, trong đó sầu riêng là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, Bộ đang soạn thảo các quy chuẩn mới về giới hạn dư lượng kim loại nặng trong đất, nước tưới và sản phẩm để tiệm cận các yêu cầu quốc tế.
Bài kiểm tra thực thụ về sầu riêng đông lạnh
Tháng 8/2024 đánh dấu bước ngoặt lớn khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Nếu như sầu riêng tươi đòi hỏi truy xuất rõ ràng và kiểm soát tồn dư hóa chất, thì sầu riêng đông lạnh còn nghiêm ngặt hơn về hạ tầng bảo quản, cấp đông chuẩn hóa và tiêu chuẩn đóng gói theo HACCP.
"Sầu riêng đông lạnh là phép thử lửa. Nếu không nâng cấp hạ tầng, không kiểm soát đầu vào thì doanh nghiệp tự loại mình khỏi cuộc chơi", ông Đạt cảnh báo. Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) yêu cầu hệ thống truy xuất chặt chẽ, dữ liệu đồng bộ từ vùng trồng đến cơ sở cấp đông và lưu trữ hồ sơ trực tuyến phục vụ hậu kiểm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với GACC hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, đồng thời duy trì cơ sở dữ liệu trực tuyến để doanh nghiệp tra cứu nhanh kết quả thử nghiệm. Đây không chỉ là điều kiện bắt buộc mà còn là thước đo đánh giá năng lực tuân thủ toàn ngành.
Không chỉ có Trung Quốc, các thị trường cao cấp khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU cũng đang theo dõi chặt chẽ tiến trình nâng cấp chuỗi cung ứng sầu riêng của Việt Nam. Những yêu cầu về HACCP, kiểm soát nhiệt độ, độ chín, cấu trúc sinh hóa… có thể khiến toàn bộ lô hàng bị từ chối nếu một khâu mắc lỗi.

Không chỉ có Trung Quốc, các thị trường cao cấp khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU cũng đang theo dõi chặt chẽ tiến trình nâng cấp chuỗi cung ứng sầu riêng của Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trước các áp lực đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chủ động hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật mới, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ bảo quản, cơ sở hạ tầng lạnh và mô hình canh tác bền vững. Cơ quan này cũng đang triển khai các khóa tập huấn cập nhật kiến thức cho cán bộ địa phương và doanh nghiệp về các quy định nhập khẩu mới nhất, đảm bảo năng lực đáp ứng ngay cả khi chính sách thay đổi đột ngột chỉ trong 3-4 ngày.
Giữ chất lượng là giữ thị trường
Trong giai đoạn từ nay đến 2030, mục tiêu lớn nhất của ngành không còn là mở rộng diện tích mà là nâng cao độ tin cậy. Đó là lý do Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đẩy mạnh áp dụng mô hình giám sát rủi ro, xử lý nghiêm các vùng trồng, cơ sở vi phạm, bao gồm việc thu hồi mã số, dừng cấp phép, kiểm tra đột xuất và phối hợp với nước nhập khẩu để thực thi hậu kiểm tại gốc.
Các địa phương cũng được yêu cầu tổ chức thanh tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư hóa chất, kiểm tra định kỳ đất trồng và cải tạo đất tại các vùng có nguy cơ nhiễm kim loại nặng. Chỉ khi đạt ngưỡng an toàn, vùng trồng mới được phục hồi mã số và trở lại chuỗi xuất khẩu.
"Giữ từng vùng trồng như giữ nền móng cho một tòa nhà. Nền không chắc, tầng trên không thể vững", ông Đạt nhấn mạnh. Với sự chuyển động đồng bộ từ trung ương tới địa phương, ngành sầu riêng đang đứng trước cơ hội định hình lại chính mình, không chỉ để giữ thị phần tại Trung Quốc mà còn làm nền tảng tiến ra các thị trường cao cấp khác.
Sầu riêng là loại trái cây tạo ra bước chuyển lớn về kim ngạch xuất khẩu nông sản cho Việt Nam, kể từ khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này với Trung Quốc. Điều đó biến “vua của các loại trái cây” trở thành biểu tượng cho sự hội nhập của nông sản Việt - vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, ngành sầu riêng không chỉ giữ được chất lượng mà còn giữ được vị thế trên bản đồ xuất khẩu trái cây toàn cầu.

Sầu riêng là loại trái cây tạo ra bước chuyển lớn về kim ngạch xuất khẩu nông sản cho Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng tươi Việt Nam được tiêu thụ trên 20 thị trường khác như Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Sỹ, EU, Nhật Bản…); sầu riêng đông lạnh có mặt tại hơn 20 thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kong, Kazakstan….
Tính riêng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,4 triệu tấn sầu riêng, trong đó chủ yếu là sầu riêng tươi. Một số thị trường như Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, EU không yêu cầu mở cửa. Họ cho phép nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam, dù không có yêu cầu về mã số xuất khẩu, nhưng thường đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.