Đề xuất cơ chế đặc thù
Để thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) được giao làm chủ đầu tư phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện theo Quyết định số 2738/QĐ-BNN-XD ngày 6/8/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư xây dựng công trình.
Để thực hiện dự án, huyện Như Xuân phải di dời 119 hộ thuộc thôn Thanh Sơn (xã Thanh Hòa) và thu hồi đất của 110 hộ dân của thôn Đồng Trình (xã Xuân Hòa) để xây dựng khu tái định cư mới. Đến nay, huyện Như Xuân đã hoàn thành công tác kiểm kê diện tích nơi đi; lựa chọn xong nhà thầu tư vấn, khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công khu tái định cư trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và một số nội dung khác.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội giám sát việc thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Quốc Toản.
Tuy nhiên, hiện nay còn 107/110 hộ dân với diện tích khoảng 267 ha (chiếm 80% diện tích khu vực tái định cư của dự án) tại xã Xuân Hòa thuộc diện thu hồi đất để phục vụ tái định cư, nhưng không có hợp đồng giao khoán với công ty, nên quá trình thực hiện chi trả hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
“Đối với 107 hộ không đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ đặc thù. Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có báo cáo và đề nghị Thường trực HĐND tỉnh không chấp thuận đề xuất”, ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết.

Hội đồng GPMB hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư họp với các hộ dân triển khai phương án đền bù, thu hồi đất thực hiện dự án tại thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa. Ảnh: Quốc Toản.
Cũng theo lãnh đạo huyện Như Xuân, đối với khu vực lòng hồ (vùng bị ngập và chia cắt), Hội đồng GPMB đã hoàn thành kiểm kê 154 ha của 119 hộ dân tại thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (thuộc khu vực bị cô lập). Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành xác định giá bồi thường, hỗ trợ và lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phương án sẽ được niêm yết công khai, đồng thời tổ chức lấy ý kiến nhân dân để tiến hành phê duyệt và chi trả trước cho các hộ dân, nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng khu tái định cư.
Đối với khu vực tái định cư tại thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 1 cho 34 hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ tiền đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho 34 hộ gần 7 tỷ đồng, số kinh phí trên đã chi trả đầy đủ cho các hộ theo quy định; bồi thường về cây cao su cho Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa hơn 12 tỷ đồng (số tiền này đang gửi kho bạc, chờ Công ty Cao Su thống nhất với các hộ dân về tiền công chăm sóc cây trồng).
Khắc phục khó khăn, sớm khởi công dự án
Tại hội nghị xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khu tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, UBND huyện Như Xuân đề xuất 3 phương án cụ thể nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" đối với 107 hộ không có hợp đồng giao khoán, thuộc diện thu hồi đất phục vụ tái định cư dự án.
Phương án 1: Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành cơ chế hỗ trợ riêng về cây trồng, với mức hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường theo Quyết định số 75 của UBND tỉnh. Sau khi phương án được phê duyệt, UBND huyện sẽ tiến hành thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa.
Phương án 2: Đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để được quyết định theo thẩm quyền.
Phương án 3: Đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa và bàn giao về địa phương, để UBND huyện chủ động lập phương án bồi thường và thu hồi đất theo quy định pháp luật.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: QT.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm, được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm, thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ. Thời gian qua, huyện Như Xuân và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, phối hợp với các sở, ngành liên quan để sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để dự án sớm triển khai.
Đối với diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa nhưng bị người dân canh tác trái quy định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Như Xuân lập hồ sơ, gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường để làm căn cứ tham mưu cho tỉnh thực hiện thu hồi đất và giao cho huyện quản lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi được giao quản lý phần diện tích đất này, huyện Như Xuân sẽ chủ động lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân đang sử dụng đất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và Nhà nước. Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn huyện về hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định.
Đối với 34 hộ dân tham gia trồng và chăm sóc cây cao su có nguyện vọng được nhận hỗ trợ 40% trong tổng số hơn 12 tỷ đồng bồi thường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Như Xuân hoàn thiện hồ sơ gửi Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, để báo cáo Tập đoàn Cao su Việt Nam xem xét, giải quyết.
“Nếu cần thiết, lãnh đạo tỉnh, huyện sẽ làm việc trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam để trình bày ý kiến, đề xuất nguyện vọng của người dân. Số tiền 40% trong tổng 12 tỷ đồng đối với tập đoàn không phải số tiền lớn, nhưng đối với người dân thì rất có ý nghĩa”, ông Giang nói.