| Hotline: 0983.970.780

Thanh niên Khmer bỏ lương nghìn đô về trồng dưa lưới

Thứ Sáu 25/12/2020 , 16:44 (GMT+7)

Có bằng kỹ sư, làm việc ở nước ngoài với mức lương nghìn đô nhưng anh Lâm Bao vẫn quyết bỏ về trồng dưa lưới để giúp bà con trong Sóc cùng làm giàu.

Chứng minh làm nông nghiệp không nghèo

Anh Lâm Bao, một người con dân tộc Khơme (Khmer), sinh ra và lớn lên tại xã Nha Bích, một xã khó khăn bậc nhất của huyện Chơn Thành (Bình Phước) với phần đông là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bằng ý chí và nghị lực, sau khi tốt nghiệp trường đại học Nông Lâm với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp loại ưu, anh được công ty cao su Đồng Phú – Kratia tuyển dụng vào làm việc.

Sau mười năm phấn đấu, được công ty tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách, vị trí, chức vụ khác nhau, từ phó phòng kỹ thuật nông nghiệp đến trưởng phòng tổ chức hành chính, Giám đốc nông trường Sambo II tại Campuchia với mức lương cả nghìn đô. Thế nhưng, năm 2018, anh Lâm Bao quyết xin nghỉ việc để về quê thực hiện hóa ước mơ làm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao đã ấp ủ từ lâu, đồng thời chứng minh cho bà con trong Sóc hiểu được làm nghiệp không nghèo.

Anh Lâm Bao đã chứng minh với bà con dân tộc làm nông nghiệp đúng hướng sẽ không nghèo.

Anh Lâm Bao đã chứng minh với bà con dân tộc làm nông nghiệp đúng hướng sẽ không nghèo.

Nhận thấy dưa lưới có giá trị kinh tế cao, thị trường rộng mở, sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật trồng, cũng như khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu tại địa phương, từ số vốn tích lũy được từ trước, anh Lâm Bao quyết định phá bỏ 1.000 m2 hồ tiêu để tiến hành xây dựng nhà lưới và trồng thử nghiệm 2.000 cây dưa lưới.

Đất không phụ lòng người, trải qua không ít lần điêu đứng, đến nay vườn dưa lưới của anh đã phát triển xanh tốt. Vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình anh Lâm Bao thu trên 3 tấn trái, với giá bán dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, công chăm sóc, phân bón… lợi nhuận thu về gần 50 triệu đồng. Đây là kết quả đáng mừng cho anh và cũng là niềm khích lệ để anh tiếp tục nhân rộng thêm diện tích, số lượng cây với quy mô lớn hơn. 

Chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa lưới, anh Lâm Bao cho biết, dưa lưới đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phải thường xuyên theo dõi, lơ là một tí là hỏng cả vụ. Ở giai đoạn phát triển mà cây dưa lưới ra hoa không đều, hoặc cây dưa lưới bị bệnh không khắc phục được phải nhổ bỏ để trồng mới. Nếu cố để những cây dưa lưới lại sẽ không đạt năng suất, tốn công chăm sóc dẫn đến lỗ vốn. “Người trồng không nên quá tham, mỗi cây dưa lưới chỉ cần để lại một quả thì mới cho chất lượng, ngon và ngọt”, anh Lâm Bao tiết lộ.

Thành quả của anh Lâm Bao.

Thành quả của anh Lâm Bao.

Mặt khác, dưa lưới cần nhiều nhân công, để tiết kiệm chi phí sản xuất, người trồng cần đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động. “Chỉ cần bật công tắc, phân bón hay các chất dinh dưỡng đều hòa chung vào nước tưới để nuôi cây, nhờ vậy cây sinh trưởng phát triển và cho năng suất ổn định. Hơn hết, trang thiết bị đầu tư một lần có thể sử dụng được trong nhiều năm”, anh Lâm Bao chia sẻ.

Thêm hướng đi mới cho bà con dân tộc

Theo anh Lâm Bao, cái lợi của trồng dưa lưới trong nhà màng là mỗi năm thu hoạch được 4 vụ, trung bình từ 35 - 45 ngày/vụ, mỗi quả dưa lưới có trọng lượng từ 1,2- 1,5/kg là đạt. So với cà phê, hồ tiêu thì dưa lưới có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Thấy mô hình hay, nhiều bà con nông dân đã đến vườn dưa lưới của anh Lâm Bao để tìm hiểu và học hỏi. “Hiện nay đầu ra cho quả dưa lưới rất ổn, phần lớn mình bán ngay tại vườn, hoặc bán số lượng lớn cho khách hàng đặt từ xa ở khắp mọi miền cả nước. Trước mắt mình sẽ hoàn thành chứng nhận sản phẩm dưa lưới sạch, rồi dần dần liên hệ đầu ra cho dưa lưới ở các hệ thống siêu thị để việc tiêu thụ dưa lưới ổn định, bền vững hơn”, anh bày tỏ.

Các kiến thức ở đại học Nông Lâm giúp anh Lâm Bao thành công trong mô hình dưa lưới công nghệ cao.

Các kiến thức ở đại học Nông Lâm giúp anh Lâm Bao thành công trong mô hình dưa lưới công nghệ cao.

Lâm Bao đang ấp ủ thời gian tới có nhiều hộ dân tại xã Nha Bích nói chung và huyện Chơn Thành nói riêng phát triển thêm nhiều mô hình trồng dưa lưới để đủ điều kiện thành lập hợp tác xã dưa lưới Chơn Thành. Đây cũng là cơ sở, điều kiện để đăng ký thương hiệu, tên sản phẩm và có chỗ đứng trên thị trường.             

Ông Võ Quốc Hân, Chủ tịch UBND xã Nha Bích, Huyện Chơn Thành cho biết, Nha Bích có khoảng 35% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Khơ me. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, đời sống bà con ngày một nâng lên, tuy nhiên vẫn còn không ít hộ khó khăn. Có thể khẳng định, so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao này rất hiệu quả, có thể nhân rộng cho nhiều hộ dân.

Nhiều bà con dân tộc đã đến học hỏi mô hình và tự tin làm theo anh Lâm Bao.

Nhiều bà con dân tộc đã đến học hỏi mô hình và tự tin làm theo anh Lâm Bao.

“Mặc dù đầu tư nhà màng khá tốn kém, nhưng ngược lại giá bán cao, đặc biệt có thể sản xuất an toàn, khép kín, thời gian tới địa phương sẽ cân nhắc việc đưa sản phẩm dưa lưới vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm mở ra cơ hội chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh hồ tiêu bị dịch bệnh, rớt giá, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”, ông Hân nói. 

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh

HÀ TĨNH Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng

CẦN THƠ Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.

Nữ tỷ phú cá tra ở vùng đất Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thị Lý trở thành tỷ phú nhờ liên kết doanh nghiệp và nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, xây dựng quy trình nuôi cá tra xuất khẩu.

Không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách

TS Hà Công Tuấn cho rằng, chính sách khoán đất lâm nghiệp nên chuyển từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.