Nhiều sơn nữ đã bỏ bản những mong chóng đổi phận. Họ ra đi mang theo nhan sắc mặn mòi của núi rừng và trở về xúng xính trong những bộ đồ thời trang phố thị lẫn những nỗi buồn bi ai…
Hương đồng gió nội bay đi hết rồi
Đến bản Lĩnh xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) giữa ngày hè oi bức. Những nếp nhà sàn của người Thái vương vít trong khói lam chiều. Phải thừa nhận trời phú cho con gái Thái ở bản Lĩnh nét đẹp mà các bản khác khó mà so bì được. Các sơn nữ nơi đây đẹp như những bông hoa rừng đang độ khoe sắc. Chỉ tiếc rằng những bông hoa rừng đó không toả ngát hương thơm nữa, giờ đây cái vẻ đẹp mộc mạc, nền nã đó đã bay đi quá nhiều.
Qua cây cầu treo bắc qua suối Nậm Pồn để vào sâu trong bản, dễ dàng gặp những cô gái ăn mặc váy ngắn, áo hở lưng, tung tăng đi lại quanh bản. Hoá ra những mốt mới nhất ở những thành phố đã được các sơn nữ cập nhật. Hỏi trưởng bản Lò Văn Thuận, ông nhìn tôi cười trừ. “Chà! Mấy năm gần đây gái bản Lĩnh ăn chơi ra trò. Cô nào cũng mặc đẹp lắm”.
Gái bản được ăn ngon mặc đẹp thì ai chẳng ủng hộ. Vậy mà trong câu chuyện của mình, trưởng bản chẳng lấy gì làm vui vẻ. Thường thì sơn nữ nơi đây bỏ học sớm. Ngoài những ngày lên nương, lên rẫy, họ chẳng có việc gì làm. Cách đây vài năm, một vài cô gái rời bản đi làm ăn xa. Nghe đâu đi làm giúp việc hay công nhân gì đó. Sau vài tháng về nhà, cô nào cũng có di động, mặc đẹp, lại có tiền biếu bố mẹ mua ti vi nữa chứ. Các sơn nữ khác nhìn thấy các chị đi “làm ăn xa” có mấy tháng mà đã “lột xác” hoàn toàn, nên cô nào cũng muốn đi.
Không bao lâu sau, các cô gái ở bản quyết tâm theo các chị để học cách “thoát nghèo”. Cô chị rủ cô em, cô dì rủ cô cháu, lâu dần họ dắt díu nhau về phố. Họ đi làm gì bố mẹ cũng không rõ, chỉ biết rằng cứ vài hôm các cô lại về bản một lần. Và mỗi lần như thế là có tiền đưa bố mẹ. Các phụ huynh thấy con cái mang tiền về là mừng rồi, nên cũng chẳng cần tra hỏi nó làm gì ra tiền cho mệt.
Lâu dần cái phong trào đi “làm ăn xa” trở thành cái kế sinh nhai của nhiều cô gái trẻ, đẹp nơi đây. Họ đi đâu? Làm gì? Là những câu hỏi chưa lời đáp. Họ cũng chẳng bao giờ khai báo tạm vắng với chính quyền. Chỉ biết rằng cô gái nào đi vài tuần về cũng có sự thay đổi rõ nét, đặc biệt là cách ăn mặc. Trang phục quen thuộc của người Thái áo cóm đính cúc bạc, vay nhung gắn xà tích… chẳng thấy cô nào mặc, thay vào đó là váy ngắn, áo tiết kiệm vải… Một sự đổi thay chóng vánh. Và cũng từ đây con “ết” theo chân sơn nữ về bản.
Cái chết tức tưởi của Lò Thị Hoa (một số nhân vật trong bài viết đã được đổi tên) ở bản Lĩnh khiến bà con dân bản bàng hoàng. Cách đây hai năm thôi Hoa còn là sơn nữ xinh đẹp. Hoa năng động, kiếm tiền nuôi cả nhà. Nhưng cuối năm ngoái tự nhiên Hoa sút cân nhanh chóng. Vài tháng sau thì Hoa mất. Người dân trong bản không biết nguyên nhân. Chỉ có các cán bộ ở Trung tâm phòng chống HIV/AISD của tỉnh Điện Biên biết Hoa có trong danh sách không được công bố.
Câu chuyện buồn về Hoa như báo hiệu một tai hoạ đang ập tới bản Lĩnh. Trong tổng số 47 người nhiễm HIV ở Mường Pồn thì có đến 2/3 số đó là người của bản Lĩnh. Buồn hơn, đa số những người bị nhiễm HIV của bản Lĩnh là những cô gái mới lớn, người trẻ nhất mới 19 tuổi. Đáng nói những người bị nhiễm HIV phát hiện được là do họ bị đau ốm, hoặc trong những lần công an truy quét các tụ điểm mại dâm bắt được rồi đưa đi xét nghiệm.
Trưởng công an xã Lò Văn Pâng buồn bã: “Bản Lĩnh có hơn 100 nóc nhà, nhưng hiện có đến 26 đối tượng nghiện ma tuý (100% là chích heroin), gần ba chục cô gái bỏ nhà “đi làm xa”. Khi đi, họ cũng chẳng thèm xin giấy tạm vắng và chẳng ai biết các cô đi đâu. Nhà bữa đói bữa no, nên các gia đình cũng đành phó mặc con gái, miễn khi quay về có chút tiền giúp bố mẹ trang trải nợ nần là tốt rồi. Không ít cô sau khi đem cái hồng nhan bán rẻ nơi xứ lạ, trở về vẫn có thể lấy chồng tử tế”.
Những tưởng đó là một kết thúc có hậu khi các cô muốn làm lại cuộc đời, nhưng đôi khi niềm hạnh phúc đó lại khởi đầu cho nỗi bất hạnh, bởi nhiều cô “hoàn lương” với mầm bệnh HIV trong người.
Liệu ở bản Lĩnh còn có bao nhiêu người bị nhiễm HIV nữa thì chưa ai dám chắc. Chỉ biết rằng nhiều người trong số họ đã bị nhiễm “ết”, nhưng vẫn hành nghề mại dâm một cách đều đặn.
“Chợ tình” bên cầu Mường Thanh
Nắng chiều vừa tắt, bóng tối đã bao trùm cả phố núi. Dẫy đèn cao áp hắt những tia sáng yếu ớt về phía cầu Mường Thanh. Đó cũng là lúc một số cô gái Thái từ các bản đổ về đây “kiếm ăn”. Mỗi cô gái một cái túi dết đứng bên vệ đường. Thỉnh thoảng có ai đi qua thì các cô vẫy gọi hoặc đi cùng bắt chuyện. Họ gặp nhau rồi ngã giá. Khi đôi bên đã “tâm đồng ý hợp”, các cô gái sẽ chủ động tìm địa điểm hoặc tuỳ “đối tác” thích đi đâu tuỳ ý.
Cứ như thế cái “chợ tình” bên cầu Mường Thanh càng khuya càng sôi động. Cô gái nào chưa kiếm được khách thì mặt buồn xo. Cô nào vừa “đi khách” về thì mặt hớn hở, tiếp tục kiếm “đối tác” khác. Họ gặp nhau để ca thán về một “ca” làm việc. Thường thì mỗi tối đi khách họ kiếm được đôi trăm nghìn. Theo tính toán của các cô gái, đi bán củi 10 ngày mới hy vọng kiếm được một khoản tiền như thế. Tuy bị người ta gọi là “gái ăn sương” vẫn còn sướng chán so với những cô gái khác lọ mọ đi nhặt từng thanh củi.
Mỗi cô gái tham gia “chợ tình” đều có muôn vàn lý do khác nhau. Họ họp mặt ở đây có đủ các thành phần, có người là sinh viên, có người bị mất chồng và có cả những cô gái không kiếm được việc gì khác thì mới chọn cái “nghề” này. Chị Hoàn là người Thái ở một bản thuộc thành phố Điện Biên Phủ có hoàn cảnh éo le. Chồng chị bị nghiện mấy năm. Bao nhiêu của nả trong nhà anh ta mang bán sạch để mua thuốc. Khi chồng đổ bệnh rồi mất cũng là lúc căn nhà chị chẳng còn gì đáng giá. Mình chị phải lo cho 2 đứa con. Ruộng ít, nương không có, nghề nghiệp cũng không, chị chưa biết tìm cách gì lo cho ba miệng ăn. Đói đầu gối phải bò, chị đánh liều tham gia “chợ tình”. Mỗi lần đi khách chị kiếm đủ gạo ăn cho cả nhà. “Ngày đầu còn ngượng ngùng. Giờ chẳng biết ngại nữa. Vì con, vì cái mình bỏ qua mọi thứ…”, Hoàn tâm sự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “chợ tình” Mường Thanh họp cũng đã lâu. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần dẹp bỏ. Nhưng dẹp được vài hôm thì mọi chuyện lại đâu vào đó. Bởi lẽ ở cái “chợ tình” này có biết bao phận người đã gửi gắm cuộc sống và cả niềm hy vọng. (Hết)