Mỗi độ đầu hè, khi những chùm mận tam hoa chuyển dần từ xanh sang đỏ thắm cũng là lúc vùng cao Sơn La rộn ràng bước vào chính vụ thu hoạch. Mận tam hoa có đặc điểm quả nhỏ, khi xanh có vị chua thanh và giòn, khi chín chuyển sang màu đỏ đậm, ngọt mát, thơm dịu. Bởi thế loại quả này được người dân ví như “cherry Sơn La”. Những trái mận căng tròn, mọng nước theo chân bà con xuống chợ sớm, mang theo hương vị của núi rừng và hi vọng một vụ mùa bội thu.

Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La hối hả thu hái mận. Ảnh: Nguyễn Nga.
Thoát nghèo từ cây mận
Trước đây, gia đình bà Tòng Thị Thanh ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La) thuộc diện khó khăn nhưng nhờ mạnh dạn phát triển cây ăn quả, đặc biệt là mận tam hoa, gia đình bà đã có thu nhập ổn định hơn. Với gần 2ha mận đã cho quả hơn 10 năm, năng suất khoảng 8 tấn/ha, cây mận trở thành “cần câu cơm” vững chắc.
“Ban đầu mình trồng tự nhiên, không chăm sóc nên quả mận nhỏ, bán rẻ lắm. Từ năm 2021, sau khi đi học hỏi ở huyện Yên Châu, gia đình tôi đầu tư hệ thống tưới tự động, bón phân hữu cơ, tỉa cành tạo tán đúng kỹ thuật. Nhờ đó, quả mận năm nay to, mọng nước, bán được giá hơn, ước sản lượng khoảng 12 tấn quả, lãi 150 triệu đồng”, bà Thanh phấn khởi.
Ông Lò Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La) cho biết, toàn xã hiện có gần 800ha mận, sản lượng khoảng 5.600 tấn/vụ, trong đó 280ha là mận tam hoa. Vào chính vụ, thương lái khắp nơi đổ về thu mua. Nhờ quả mận, đời sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, mỗi mùa mận chín, bản làng như có hội.

Người dân hái mận mang xuống bán tại các chợ ở thành phố Sơn La. Ảnh: Nguyễn Nga.
Quà quê lên phố
Tại các chợ trung tâm thành phố Sơn La những ngày này, không khí mua bán mận nhộn nhịp. Mận tam hoa được ưa chuộng bởi độ tươi, vị ngọt, giá cả phải chăng. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều năm nay, cứ vào chính vụ, bà Điêu Thị Xiên ở tổ 3, phường Chiềng An (thành phố Sơn La) đều tranh thủ dậy sớm lên nương hái mận mang ra chợ bán.
"Mận năm nay chín đều, quả giòn, ăn rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhiều hộ gia đình đã đặt hàng chục kg mận để mang về Hà Nội làm quà", bà Xiên khoe. Trong khi đó, mận hậu mới vào đầu vụ, quả còn xanh, giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg nên tiêu thụ chậm hơn.
Để phát triển bền vững, cây mận tam hoa đã được quy hoạch thành vùng trồng tập trung. Thành phố Sơn La hiện có 2.246ha mận, trong đó 1.000ha là mận tam hoa, năng suất 8 - 10 tấn/ha, sản lượng gần 10.000 tấn/năm. Vào chính vụ, nhiều hộ dân tập trung toàn bộ nhân lực để thu hái, vận chuyển và tiêu thụ, đảm bảo chất lượng quả mận.

Những trái mận căng tròn, mọng nước mang theo hương vị núi rừng. Ảnh: Nguyễn Nga.
Ông Nguyễn Văn Thản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết, Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các xã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng mận, khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học và mở rộng kênh tiêu thụ.
Nhờ giữ được giá, mận tam hoa không còn là cây trồng chơi mà đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa nghèo cho nhiều gia đình vùng cao Sơn La.