
ĐBSCL đang chuyển mình mạnh mẽ với mô hình nuôi tôm giảm phát thải, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ mới, kiểm soát giống, thức ăn để phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Nuôi tôm tiên tiến, thân thiện với môi trường
Ngành nuôi tôm tại ĐBSCL đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện cả nước hiện có hơn 750.000ha nuôi tôm thì đã có trên 200.000ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp, như tôm - rừng, tôm - lúa… Trong đó, có hàng chục nghìn ha tôm nuôi theo hướng này được các tổ chức quốc tế chứng nhận và sản phẩm xuất khẩu đã tỏ rõ những ưu thế tại nhiều thị trường lớn và khó tính.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững (Hội Thủy sản Việt Nam), nhấn mạnh, việc giảm phát thải trong nuôi tôm không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, cần áp dụng các mô hình nuôi tôm tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản.
Còn về việc kiểm soát chất lượng con giống đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản - Cục Thủy sản và Kiểm ngư, nhận định, con giống chất lượng kém có thể dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, tăng sử dụng thuốc và hóa chất, gây ô nhiễm môi trường nước. Do đó, việc đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, ông Khôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng thức ăn và thuốc thú y thủy sản. Sử dụng thức ăn chất lượng cao, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm sẽ giúp giảm lượng thức ăn dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi. Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú y cần tuân thủ đúng hướng dẫn, tránh lạm dụng để ngăn ngừa tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Kiểm soát chất lượng con giống đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đột phá công nghệ nuôi tôm
Ông Chen Jiun Jhang, Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật Thủy sản, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, đã giới thiệu mô hình nuôi tôm "3 tốt" kết hợp với thiết bị hút xác tôm tự động CDSS. Mô hình này tập trung vào ba yếu tố: con giống tốt, quản lý tốt và môi trường tốt.
Trong đó, thiết bị CDSS tự động giúp loại bỏ xác tôm chết khỏi ao nuôi một cách kịp thời, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, kiểm soát chất lượng nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo, có hơn 400 bộ thiết bị CDSS đã được lắp đặt trên khắp cả nước, mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nuôi tôm.
Ông Alexandros Samartzis, Giám đốc Dinh dưỡng và Hỗ trợ Thủy sản châu Á, Tập đoàn De Heus, chia sẻ, De Heus đã phối hợp với các đối tác để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, hỗ trợ người nuôi chuyển đổi sang hệ thống RAS (Recirculating Aquaculture System) nhằm kiểm soát tác động đến môi trường. Hệ thống RAS giúp tuần hoàn và tái sử dụng nước, giảm thiểu lượng nước thải và ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, De Heus còn đầu tư vào các nhà máy sản xuất thức ăn chuyên biệt cho tôm, cung cấp các công thức thức ăn chất lượng với giá thành hợp lý, giúp người nuôi giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.

Việc giảm phát thải trong nuôi tôm không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Kỹ thuật toàn quốc - Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam, cho biết: ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm các dịch bệnh nguy hiểm như WSSV, EHP, EMS và TPD, cùng với chi phí sản xuất tăng cao. Để giải quyết những khó khăn này, Grobest Việt Nam đã triển khai "Giải pháp tối ưu dinh dưỡng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh với sản phẩm Advance Pro". Sản phẩm này có độ đạm tối ưu 36%, giúp giảm thiểu lượng thức ăn dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và tăng tính bền vững cho nuôi tôm.
Tại Cà Mau, mô hình nuôi tôm thâm canh tuần hoàn nước đã được công ty triển khai, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường. Với diện tích hơn 6.000m2 hệ thống ao nuôi được thiết kế liền kề với ao lắng tuần hoàn, cho phép xử lý và tái sử dụng nước, giảm thiểu ô nhiễm và đạt năng suất lên đến 50 tấn/ha/vụ.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm Ngư, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý I/2025 đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, EU). Việc triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tận dụng tốt chính sách của các thị trường, có thể là cơ hội cho tôm Việt bứt phá trong năm 2025.