| Hotline: 0983.970.780

Nông dân huyện đảo Lý Sơn áp dụng tưới tiết kiệm

Thứ Năm 03/04/2025 , 21:07 (GMT+7)

Công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng được người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) áp dụng vừa giảm chi phí nhân công và tiết kiệm nguồn nước.

Chuyên trồng và sản xuất các mặt hàng từ tỏi, năm 2022, anh Nguyễn Văn Nhật (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) bắt đầu bén duyên với công nghệ tưới tiết kiệm.

“Trung bình cứ mỗi sào 500m2 thì sử dụng 50 béc phun. Nếu như trước kia phải có người đỡ ống dây, người điều chỉnh hướng tưới thì nay dùng béc phun khỏe hơn rất nhiều, lượng nước phân bố đều và tiết kiệm hơn”- anh Nhật chia sẻ.

Tưới tiết kiệm đã được người dân Lý Sơn áp dụng rộng rãi. Ảnh: Văn Hà.

Tưới tiết kiệm đã được người dân Lý Sơn áp dụng rộng rãi. Ảnh: Văn Hà.

Nhiều năm qua, hành, tỏi là cây trồng chủ lực ở Lý Sơn, dù mang lại thu nhập chính cho cư dân huyện đảo nhưng những loại cây này lại tiêu tốn rất nhiều nước và đòi hỏi phải tưới thường xuyên để đảm bảo phát triển ổn định, năng suất cao.

Mỗi năm, người dân Lý Sơn trồng 1 vụ tỏi, 3 vụ hành tím. Vụ hành đầu tiên trong năm được xuống giống từ giữa tháng 4. Đây cũng là vụ hành chính trong năm và nằm trong khoảng thời gian nắng nóng gay gắt nhất và cần phải tưới nước thường xuyên. Tùy thời tiết, ruộng hành được tưới 1-2 lần mỗi ngày.

Trong khi đó, đảo Lý Sơn có thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước ngọt không dồi dào như những nơi khác. Trước đây, để cung cấp nước cho cây trồng, người dân Lý Sơn nhờ vào nước trời hay phải dùng ống nhựa dây bơm từ giếng lên để tưới. Khi tưới nước ít nhất cần 2 người, một người đỡ dây, một người điều chỉnh ống tưới. Nếu giếng xa phải cần 3-4 người đỡ dây nên tốn kém về nhân công, tiền của và cả tài nguyên nước.

Huyện đảo Lý Sơn đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng trên 100% diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: Văn Hà.

Huyện đảo Lý Sơn đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng trên 100% diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: Văn Hà.

Sau nhiều năm nỗ lực trong việc tuyên truyền, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ sử dụng béc phun tiết kiệm nước vào trong sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm này, hệ thống béc phun tiết kiệm nước đã được nông dân huyện đảo Lý Sơn sử dụng đại trà, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chống hạn.

Thực tế cho thấy tưới bằng dây ống nhựa, nước cung cấp cho cây trồng không đều, chỗ nhiều, chỗ ít thậm chí có nơi nước không đến, dòng nước phun ra rất mạnh, làm thân cây bị dập… ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng.

Hệ thống tưới phun có hạt nước nhỏ, nhẹ và đều khắp mặt đất, có thể điều chỉnh lượng nước tưới phun cho phù hợp với từng loại, vì thế cây trồng được an toàn, sinh trưởng đồng đều, năng suất tăng lên khoảng 20% so với cách tưới truyền thống.

Mặt khác tưới phun tiết kiệm lượng lớn nước tưới so với cách tưới truyền thống trước đây. Đây là điều rất quan trọng và là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, bởi nguồn nước ngọt ở đảo Lý Sơn vốn rất khan hiếm.

Công nghệ tưới tiếp kiệm giúp cây trồng phát triển ổn định, cho năng suất cao và tiết kiệm nước. Ảnh: Văn Hà.

Công nghệ tưới tiếp kiệm giúp cây trồng phát triển ổn định, cho năng suất cao và tiết kiệm nước. Ảnh: Văn Hà.

Bà Trương Thị Hạnh (thôn Đông An Hải) chia sẻ: “Trên cánh đồng có nhiều hộ xuống giống cùng lúc nên chúng tôi thỏa ước với nhau, tuần tự nhà này tưới xong thì đến nhà kia. Nhà nào xong thì đóng van lại, để nước sang đường ống ruộng nhà khác. Giờ tưới bằng hệ thống phun tiết kiệm nên tiết giảm đến 2/3 lượng nước so với trước kia”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, hiện người dân huyện đảo Lý Sơn đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng trên 100% diện tích đất nông nghiệp (hơn 300ha). Công nghệ tưới tiết kiệm giúp cây trồng trên đảo phát triển ổn định, cho năng suất cao, đồng thời giảm được chi phí nhân công và tiết kiệm nguồn nước.

Xem thêm
Đầu tư dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm trên 900 tỉ đồng

QUẢNG TRỊ Dự án có diện tích mặt đất, mặt nước dự kiến sử dụng trên 63 ha, công suất thiết kế 1.200 nái ông bà, 5.000 nái bố mẹ và 80.000 lợn thương phẩm.

Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh

HÀ TĨNH Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi.

Những hứa hẹn ở Quỳnh Nhai

SƠN LA 7 năm trôi qua, diện tích trồng cây mắc ca ở Quỳnh Nhai ngày càng mở rộng, sản lượng tăng dần, doanh nghiệp chế biến sâu đã liên kết đầu tư để nâng giá trị.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

PGS.TS Vũ Năng Dũng: Đất và nước đã hòa một mối

Khi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN-PTNT sáp nhập, hai yếu tố đầu vào quan trọng của nông nghiệp là đất và nước đã về một mối.

Sếu đầu đỏ Thái Lan đã về Tràm Chim

Đồng Tháp Tỉnh Đồng Tháp đã chính thức tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài chim quý hiếm tại Vườn quốc gia Tràm Chim.