Nếu Đồng Nai là tỉnh trọng điểm về ô nhiễm môi trường ở phía Nam thì ở phía Bắc "danh hiệu" ấy có lẽ thuộc về Phú Thọ. Đặc biệt ở TP Việt Trì- nơi tập trung nhiều NM công nghiệp thì ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động, mà NM Bột ngọtMiwon chỉ là một thủ phạm…
Bài 1: Ở thành phố bị ô nhiễm... bao vây
Sự kiệnCty Vedan lén lút xả nước thải ô nhiễm ra sông Thị Vải “bất ngờ” bị phát hiện đã làm nhiều người giật mình. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề mới, có mới chăng là ở sự lén lút giấu giếm của Cty Vedan. Giống như một kẻ phạm tội đang vụng về, cố tình che giấu hành vi của mình, Vedan bỗng trở nên "nổi bật" trong khi những đơn vị như Cty Miwon (Phú Thọ) từ hàng chục năm qua vẫn công khai xả thẳng chất thải ô nhiễm xuống sông Hồng thì không ai màng tới.
Dòng kênh hoá chất đang gây ô nhiễm cho cụm dân cư phường Bến Gót.
Phải chăng chúng ta đã quá quen với ô nhiễm? Không phải, hàng chục năm qua những người dân TP công nghiệp Việt Trì đã kêu cứu cũng như nông dân ven sông Thị Vải tố cáo Vedan nhưng tiếng kêu cứu của họ đều rơi vào vô vọng!
TP Việt Trì đã sớm hình thành KCN với nhiều nhà máy lớn như Cty Dệt Pangrim Noetex (Hàn Quốc), NM Mì chính Miwon (Hàn Quốc), NM Nhựa Eplastic, NM Giấy Việt Trì…Kinh tế phát triển nhưng đổi lại người dân địa phương đang phải trả một cái giá quá đắt đó là sức khỏe, là môi trường sống. Quả thực, môi trường nơi đây đã ô nhiễm đến mức không chịu đựng nổi, phía sau khu dân cư phường Bến Gót nơi tập trung nhiều NM liên doanh nước thải từ các công ty đã hình thành một dòng kênh đen kịt, nồng nặc mùi hóa chất. Dân phải lấp giếng khoan chuyển sang dùng nước máy. Nhiều giải pháp cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe được áp dụng nhưng vô hiệu bởi những nguồn sinh thủy cuối cùng đang dần bị hủy diệt.
Những dòng sông hóa chất đã tác động nghiêm trọng đến nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Chảy, sông Bứa...khi chảy qua địa phương này. Bên cạnh đó, hệ thống các đầm, ao, hồ nằm trên địa bàn TP Việt Trì cũng được coi như những cãi phễu hứng trọn vẹn nguồn nước thải đô thị và công nghiệp. Hiện nay, hệ thống này đều ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, có nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt quá nhiều lần giới hạn cho phép của Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt (TCVN 5942:1995). Các đầm, hồ trong thành phố Việt Trì phần lớn ở trạng thái phú dưỡng, nhiều hồ bị phú dưỡng đột biến và tái nhiễm bẩn hữu cơ.
Như Đầm Sen thuộc địa phận phường Thanh Miếu hứng nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn phía Nam Việt Trì như Cty Dệt Trí Đức, Cty TNHH Plastic, HTX Phú Cát… và nước thải sinh hoạt của khu dân cư. Chất lượng nước ở đây ô nhiễm nặng và gây mất cân bằng sinh thái. Nồng độ các chất hữu cơ như COD vượt 1,4 - 2lần, BOD5 vượt 1,2 – 2,1 lần, chất rắn lơ lửng vượt 1,1 – 1,4 lần, NH4+ vượt 1,6 – 1,8 lần, Coliform vượt 1,1 – 1,2 lần.
Tương tự, khu Đầm Gia thuộc địa phận phường Tiên Cát và đầm Cẩm Đội thuộc thuộc địa phận KCN Thụy Vân cũng chịu chung số phận. Nước ngầm phường Thanh Miếu do chịu tác động một phần của nước thải, khí thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp phía Nam Việt Trì cộng với nước thải sinh hoạt, nồng độ sắt có trong nước dưới đất tại khu phố Thanh Bình đã vượt tiêu chuẩn 1,1 – 1,2 lần. Đáng lo ngại là hiện có khoảng 60-70% dân số của TP dùng nước giếng…
Cống xả thải của NM Giấy Việt Trì.
Hiện nay, hầu hết nước dưới đất tại các vùng công nghiệp, đô thị ở thành phố này đều có dấu hiệu ô nhiễm về sắt, NH4+, Coliform, pH nằm ngoài giới hạn cho phép. Đặc biệt, ô nhiễm cục bộ tại một số địa điểm trong thành phố cao hơn tiêu chuẩn như: Bạch Hạc, KCN Thụy Vân. Qua phân tích 8 mẫu nước với tần xuất 4 lần/năm từ thượng lưu sông Hồng chảy về hạ lưu qua các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, TP Việt Trì (tại các vị trí bờ trái sông Hồng trên và dưới cửa xả của Cty Giấy Lửa Việt cự ly 100m, xuôi về Bến phà Ngọc Tháp, cầu Phong Châu là vị trí sau khi tiếp nhận nước thải của Cty Giấy Bãi Bằng và Cty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, xuôi về phường Bến Gót nơi tiếp nhận, chịu ảnh hưởng nước thải của các cơ sở sản xuất phía Nam Việt Trì như: Cty CP Hóa chất Việt Trì, Cty Pangrim Noetext, Cty TNHH Miwon Việt Nam,…) thì đa phần đều vượt tiêu chuẩn cho phép, khiến dòng sông vốn hiền hòa thơ mộng, nay trở nên ô nhiễm, mang mầm mống bệnh tật.
Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng tác động mạnh đến môi trường đất ở Việt Trì. Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thải ra ước tính 100 ngàn tấn/năm chủ yếu là xỉ than, phế phẩm, chất thải rắn…cùng với khoảng 60.000m3 rác thải sinh hoạt của khu dân cư mà khả năng thu gom chỉ đạt 65%. Do đó, lượng rác thải công nghiệp tồn đọng xung quanh các đơn vị sản xuất công nghiệp còn rất lớn. Mỗi khi trời mưa, hóa chất, chất thải rắn công nghiệp sẽ được cuốn trôi và phát tán rộng rãi và tiếp tục hủy hoại môi trường xung quanh.
Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Theo BS Lê Phương Loan, trưởng trạm y tế phường Bến Gót, trong năm 2006, khu phố Hồng Hà 1 có tới 15 người mắc bệnh ung thư, trong đó có 8 người đã chết. Có gia đình cả 2 bố con cùng bị ung thư. Hai năm 2005-2006, toàn phường có tới 14 người chết vì ung thư. Bệnh về đường hô hấp chiếm gần 2/3 các loại bệnh trên địa bàn, riêng khu Hồng Hà 1 có hơn 70% số dân mắc loại bệnh này.