| Hotline: 0983.970.780

Những dòng sông... trấu

Thứ Năm 23/04/2009 , 09:25 (GMT+7)

Những ngày này đi dọc các dòng sông lớn hay len lỏi sâu vào từng con kênh rạch vùng ĐBSCL nhìn đâu cũng thấy trấu trôi dập dềnh vàng cả mặt nước.

Những ngày này đi dọc các dòng sông lớn hay len lỏi sâu vào từng con kênh rạch vùng ĐBSCL nhìn đâu cũng thấy trấu trôi dập dềnh vàng cả mặt nước.

Trấu đổ tràn sông

Mùa thu hoạch lúa chưa dứt thì tình trạng trấu đổ ra sông đã trở thành nỗi ám ảnh. Trấu tràn trên mặt sông rạch, đóng vàng hai bên bờ thậm chí dưới lòng sông có nơi trấu dày cả thước. Các nhà máy xay xát lúa gạo vào mùa, mở hết tốc lực chạy ngày chạy đêm nên lượng trấu đổ ra không biết đẩy đi đâu ngoài sông hồ, kênh rạch.

Chúng tôi đội nắng giữa trưa chạy xe dọc bờ sông Ô Môn, rẽ qua các kênh Thị Đội, kênh Đứng, kênh Ngang…thuộc địa phận quận Ô Môn và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), tới đâu cứ nhìn xuống sông là thấy vỏ trấu nổi lều bều. Màu nước sông đục ngầu hoà lẫn bụi bặm cặn sình bốc lên rất khó chịu. Kênh rạch ô nhiễm nặng nề, dân hai bên bờ sông chỉ biết lắc đầu. Dòng nước không thể ăn uống đã đành, nay chuyện tắm giặt cũng không dám.

Ông Trần Văn Tư, ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai nhìn dòng sông ngán ngẩm: “Hồi trước sông Ô Môn êm đềm, nước trong veo. Mùa nóng đám trẻ tha hồ tắm táp. Bây giờ nhìn nước đục ngầu tui thấy phát ớn. Hơn 2 tháng qua mấy NM xay chạy liên tục, trấu tràn cả xuống sông. Hết nước lớn vào rồi nước ròng chảy ra, vỏ trấu cứ lặng lờ tới lui ngày này qua ngày khác. Nói hổng phải than chứ nhà tui nghèo chưa đóng được cây nước để xài, nên hầu như sinh hoạt trong gia đình đều lấy nước dưới sông lên dùng. Nước uống tui gánh lên cho vào lu, lóng phèn nấu ăn. Còn nay nhìn dòng nước thế này phải sang các nhà lân cận xin nước cây về xài”.

Tránh nắng trưa như đổ lửa trên mái tôn, vợ chồng bà Trần Thị Lệ ra ven bờ kênh Thị Đội hóng gió. Quanh chuyện trấu trôi sông, bà Lệ cười buồn: “Bà con lên tiếng phàn nàn dữ dằn chuyện mấy nhà máy chà gạo lén lút ban đêm thổi trấu xuống kênh. Ở khắp ấp Thới Phong A, xã Thới Lai này ai mà hổng bực tức khi nhìn thấy xác trấu trôi đầy mặt sông. Mấy đứa con tôi tắm sông, đứa nào cũng nổi mẩn ngứa đầy mình. Tôi đưa tới BV Da liễu Cần Thơ điều trị tốn hơn 500 ngàn đồng". Chồng bà Lệ , ông Lê Văn Tám góp thêm: “Bây giờ dòng kênh bị bồi lắng dữ dội, nước ròng ghe tàu tới lui đều mắc cạn”.

Cá chết vì trấu

Mùa lúa năm nay nông dân trúng mùa, thị trường lúa gạo gặp thuận lợi nên các NM xay xát được dịp làm ăn. Máy chạy suốt ngày đêm, thải ra  một lượng trấu quá lớn. Trước đây ghe lái chở trấu từ miệt Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang về bán cho các lò nung gạch, lò gốm, lò nấu cồn…nay ở đó trấu xài không hết thì cần gì phải chạy về miệt Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng thu gom. Trấu dư thừa đã gây hoạ.

Chúng tôi đến nhà ông T. người nuôi hai ao cá tra ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Giọng ông đau đến tận tim gan: “Ao cá tôi nuôi được 2 tháng, nguồn nước lấy ngoài kênh vào. Trước đây nước trong, tháng rồi thấy trấu trôi đầy sông tôi đã lo nhưng bí nước đành phải mở cống. Cẩn thận, tôi cho nước vào ao lắng xử lý sau đó mới bơm vô ao cá. Nhưng cũng chẳng thoát, nước vô ao 4 ngày thì hầm cá bắt đầu cá nổi bụng, trồi đầu. Ngày nào tôi cũng vớt hàng chục ký cá đem chôn”. Mấy ngày qua dân nuôi cá dọc theo kênh Bà Đầm, kênh Đứng, kênh Thị Đội bụng dạ như có lửa đốt khi thấy cá bị nhiễm bệnh chết. Ở xã Trường Xuân, nhiều người dân đã báo với chính quyền xã nhờ can thiệp. Nhưng mấy anh cán bộ im re.

Ở huyện đầu nguồn Tân Châu (An Giang), nạn trấu trôi sông đã làm nhiều người dân mất ăn mất ngủ. Người thì nhiễm bệnh ngoài da, đau mắt, còn cá nuôi bè cứ nối đuôi nhau chết hết bè này đến bè khác. Bà Nguyễn Thị Loan, dân ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hòa nói: “Hơn nửa tháng qua, chỉ vì trấu trôi sông đã làm xáo trộn mọi sinh hoạt của người dân. Hàng ngày bà con có nhà ở quanh NM xay lúa gạo Thái Trung chỉ hít bụi bặm đã...no bụng".

Ông Phan Văn Dũng, Chánh văn phòng UBND huyện Tân Châu cho rằng: “Nhất định không thể kéo dài tình trạng xả trấu xuống sông rạch. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý”. Còn huyện Thới Lai (Cần Thơ) gần như chưa có biện pháp gì ngăn chặn trấu. Ông Lê Văn Hiệp, trưởng ban ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai đốp chát: “Bà con trong ấp phản ánh lên HĐND xã. Xã phản ánh lên huyện. Đến cấp huyện thì không thấy hồi âm gì. Bà con càng thất vọng hơn khi chủ nhà máy xay xát bảo rằng: Trấu đầy kho bãi, hết chỗ chứa phải đổ xuống sông thôi, có phạt bao nhiêu cũng chịu".

Xem thêm
Hà Nội đối mặt nhiều thách thức về an toàn thực phẩm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội, hàng loạt vấn đề nổi cộm đã được đặt trong công tác quản lý ATTP.

Bình luận mới nhất