| Hotline: 0983.970.780

Người J’rai cúng rừng

Thứ Bảy 22/03/2025 , 14:26 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 3, người J’rai ở tỉnh Gia Lai lại cùng nhau tổ chức lễ cúng rừng với mong muốn được thần Rừng che chở, mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngày 21/3, người đồng bào dân tộc J’rai ở làng O Grang (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức lễ cúng rừng. Đây là nghi lễ văn hóa đặc sắc với triết lý nhân văn về việc người dân sống dựa vào rừng và cùng ý thức chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Năm nay, làng O Grang tổ chức lễ cúng rừng ở ngọn núi cách trung tâm làng khoảng 5km, nơi có những loại cây gỗ to với tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Từ sáng sớm, người dân 2 làng O Grang và De Chí men theo lối nhỏ vào rừng. Tại đây, mọi nghi thức cho lễ cúng rừng được người dân trong làng chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ heo quay, gà nướng, thịt nướng, rượu cần…

Nghi thức lễ cúng rừng tại làng O Grang. Ảnh: Tuấn Anh.

Nghi thức lễ cúng rừng tại làng O Grang. Ảnh: Tuấn Anh.

Đúng 10 giờ 30 phút, trước sự chứng kiến của người dân, chính quyền địa phương và các cán bộ kiểm lâm huyện Ia Grai, lễ cúng rừng chính thức bắt đầu. Thay mặt người dân trong làng, già làng Siu Dơih trong bộ trang phục thổ cẩm đã nghiêm trang đọc lời thề khấn và cảm tạ thần Rừng và các thần khác về chứng giám và bảo vệ cho dân làng mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bình yên no đủ. Già làng cũng hứa với các vị thần sẽ cùng người dân bảo vệ những cánh rừng được bình yên.

Được biết, tại xã Ia Pếch có 2 làng giáp rừng là O Grang và De Chí thay nhau làm lễ cúng rừng. Sau nghi lễ cúng rừng, người dân trong làng cùng nhau chơi các trò chơi dân gian và tổ chức ăn uống ngay trong rừng. Đây cũng là lệ tục mà dân trong làng kế thừa từ bao đời nay được truyền lại cho con cháu như lời cảm ơn thần rừng đã giúp người dân có thêm sinh kế.

Từ sáng sớm, người dân đã chuẩn bị cơm lam đãi khách. Ảnh: Tuấn Anh.

Từ sáng sớm, người dân đã chuẩn bị cơm lam đãi khách. Ảnh: Tuấn Anh.

Già làng Siu Dơih cho biết, thông qua lê cúng rừng, người dân trong làng mong muốn những cánh rừng nơi đây sẽ giúp họ có cuộc sống no đủ, hạnh phúc hơn và đặc biệt phát triển kinh tế hiệu quả dưới tán rừng. “Thông qua lễ cúng rừng, chúng tôi cũng mong muốn con cháu hiểu được giá trị của rừng để cùng chung tay giữ rừng, tạo sinh kế dưới tán rừng, giúp đời sống người dân được nâng lên”, già làng Siu Dơih chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai cho biết, lễ cúng rừng của người đồng bào dân tộc J’rai mang lại rất nhiều ý nghĩa nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng. Thông qua lễ cúng rừng, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng lại được thấm nhuần. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn không xảy ra vụ phá rừng nào.

Già làng Siu Dơih cẩn thận đặt bình rượu cần tại vị trí làm lễ cúng rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Già làng Siu Dơih cẩn thận đặt bình rượu cần tại vị trí làm lễ cúng rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Ngô Khôn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Pếch cho biết, lễ cúng rừng là phong tục truyền thống mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng nhằm mục đích tuyên truyền cho người dân trên địa bàn nâng cao vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng của người dân 2 làng De Chí và O Grang được thực thi rất tốt. 

Cũng theo ông Tuấn, hàng năm chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho người dân 2 làng O Grang và De Chí tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với người dân 2 làng O Grang và De Chí phát huy công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn gửi gắm đến các thế hệ trẻ cần tiếp nối truyền thống để tiếp tục công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng theo đúng kế hoạch được giao khoán”, ông Tuấn chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ tự động hiện đại

QUẢNG NINH Trang trại gà Tân An ở thị xã Quảng Yên ứng dụng phần mềm FarmGo để quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất giúp kiểm soát mọi thông tin liên quan đến đàn gà.

Cần sớm có vaccine dịch tả lợn Châu Phi cho lợn nái, đực giống

Đây là mong muốn của địa phương và người chăn nuôi nhằm tạo miễn dịch khép kín toàn đàn, kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi (ASF) hiệu quả, giảm thiệt hại kinh tế.

Sơn La tìm giải pháp xây dựng vùng cà phê chè hữu cơ

Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La làm việc với Viện Bảo vệ thực vật nhằm tìm ra những giải pháp xây dựng vùng cà phê chè hữu cơ.

Xã vùng biên mỗi năm 200 hộ thoát nghèo: Người trẻ nghĩ khác ở Lao Khô

SƠN LA Giữa đại ngàn Tây Bắc, nơi núi rừng Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) tiếp giáp với nước bạn Lào có một bản nhỏ mang tên là Lao Khô.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

Những mùa cá xứ Tuyên: [Bài 1] Gắn bó với dòng Lô

Sông Lô, sông Gâm, sông Năng… - những dòng sông không chỉ gắn bó với tên đất, tên làng của xứ Tuyên mà còn cho những mùa cá, tôm đầy ăm ắp.

Bình luận mới nhất