| Hotline: 0983.970.780

Người được dúi 'trả lương' mỗi tháng hơn 20 triệu đồng

Thứ Hai 07/07/2025 , 21:11 (GMT+7)

'Vợ nhà nước trả lương, còn chồng thì được con dúi trả lương'. Bà con ở xã Tân Sơn mới, tỉnh Phú Thọ thỉnh thoảng lại tếu táo về anh Nguyễn Trung Nam như vậy.

Anh Nguyễn Trung Nam bên một con dúi má đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Trung Nam bên một con dúi má đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cú “quay xe” bất ngờ của anh tài xế

Anh Nguyễn Trung Nam vốn là lái xe khách nhưng lại có cú “quay xe” bắt ngờ sang nông nghiệp. Chuyện rằng, sau khi xem trên tivi thấy người ta nuôi dúi hay quá, lại thấy quê mình khí hậu mát mẻ, các loại thức ăn như bương, tre rất sẵn nên năm 2018 anh bắt đầu thử nghiệm nuôi.

Anh mua 50 con dúi mốc ở Sơn La về mất 30 triệu đ rồi cải tạo khu chuồng lợn cũ bỏ không bằng cách làm trần chống nóng, điều hòa nhiệt độ, dùng gạch men khổ 60x60cm xây ngăn thành từng ô. Năm đầu tiên anh nuôi dúi mà không để thất thoát một con nào:

“Thời thanh niên tôi từng đi đào dúi rừng nên cũng biết qua một số tập tính của nó như thích ở nơi tối, khô và mát. Mắt của dúi kém nhưng mũi rất thính, chúng hay ngửi theo hướng gió, chỉ cần có mùi lạ là kêu loạn lên, nhốn nháo. Có lần tôi mua được một con dúi rừng mới đào về là cả đàn dúi nhà vừa kêu vừa chạy, phải bỏ con dúi rừng ra chỗ khác mới yên”.

Cũng theo anh Nam, dúi có sức đề kháng tốt nhưng thi thoảng cũng mắc bệnh theo mùa. Vào mùa hoa xoan chúng thường thở khò khè, mồm chảy dãi nên để phòng phải bố trí chuồng trại thật khô thoáng, còn một khi đã bị thì điều trị thuốc thú y của chó mèo nhưng lúc được, lúc không. Ngoài bệnh hô hấp dúi còn dễ mắc tiêu chảy nên thức ăn phải để ráo nước, làm sạch tạp chất nhất là các con bọ trên thân cây mía.

Một cặp dúi giống đang ghép. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một cặp dúi giống đang ghép. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuối năm 2018, đàn dúi bắt đầu sinh sản, mỗi mẹ cho 3-4 con nhưng anh để gây giống tiếp mấy lứa rồi mới bán. Khi bán lứa dúi đầu tiên lãi được hơn 20 triệu đồng anh quyết định bỏ nghề lái xe khách đang cho thu nhập mỗi tháng 12-15 triệu đồng để chuyên tâm vào nghề mới. Năm 2022 anh mua thêm 10 cặp dúi má đào, mỗi cặp giá 5 triệu đồng về để nuôi thử nghiệm.

Cùng thời gian nuôi như nhau nhưng dúi má đào đẻ sai hơn dúi mốc, trung bình 5-7 con/lứa và quan trọng hơn là trọng lượng của con trưởng thành lên tới 4-5 kg. Điều kiện ăn uống của dúi má đào cũng khác với dúi mốc, chúng cần nhiều dinh dưỡng hơn nên ngoài tre, cỏ còn phải có ngô non.

Tính ra mỗi ngày mỗi con dúi má đào tiêu thụ 2.000-3.000đ thức ăn, trong khi dúi mốc chỉ 600-700 đ. Bù lại mỗi cặp giống dúi má đào loại 1 kg/con có giá 5 triệu đồng, không thay đổi sau mấy năm, nhưng mỗi cặp giống dúi mốc loại 1kg/con giá 1,3 triệu đồng, chỉ bằng ½ so với 3-4 năm trước dúi; mỗi kg dúi má đào thương phẩm có giá 600.000đ, còn dúi mốc chỉ 500.000đ.

Hiện anh Nam có 200 ô chuồng trong đó 140 ô nuôi dúi mốc mẹ, 30 ô nuôi dúi má đào mẹ; còn số dúi bố luân phiên nhau ghép cặp với dúi mẹ 10-15 ngày/lần, khi thấy biểu hiện chửa thì tách ra nên không cần phải có chuồng riêng. Dúi con bú mẹ trong khoảng 20 ngày rồi sau đó dúi mẹ tước vỏ mía, vỏ cỏ để một chỗ cho chúng nhấm nháp, tập ăn. Được khoảng 45 ngày thì cai sữa, tách dúi con ra nhốt riêng. Để chủ động về thức ăn anh Nam trồng 6 sào cỏ voi, 5 sào mía, bón hoàn toàn bằng phân dúi, còn tre thì mua theo búi rồi chặt dần, cưa vác về nhà.  

Với thức ăn tinh bột cho dúi, anh thường bổ sung thêm ngô hạt nhưng là loại trồng tại địa phương, không có chất bảo quản, để một thời gian là sinh mọt, còn loại ngô để lâu không bị mọt thì không dám dùng. Sở dĩ phải cầu kỳ như thế vì năm 2019 anh mua ngô hạt từ một đại lý về cho dúi ăn, chẳng hiểu sao cả đàn đều đau bụng sau đó hàng chục con bị chết.

Anh Nguyễn Trung Nam đang cho dúi ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Trung Nam đang cho dúi ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lời khuyên cho những người mới

Tôi hỏi anh Nam có lời khuyên nào cho những người đang có ý định nuôi dúi. Chẳng hề giấu giếm anh trả lời ngay rằng: “Thứ nhất là chuồng trại, thứ nhì là giống thuần, thứ ba là thức ăn tự chủ hoặc chọn được nguồn thức ăn sạch. Trong quá trình nuôi dúi không được tiết kiệm tiền làm chuồng trại hay tiền điện chạy điều hòa. Người có thể chịu nóng, lạnh được nhưng dúi thì không.

Nhiệt độ thích hợp nhất để nuôi dúi là từ 22-28 độ C, độ ẩm từ 60-70%, nếu trên mức này thì cần làm mát bằng điều hòa, còn dưới mức này thì dùng bóng sưởi hoặc kết hợp với điều hòa hai chiều. Nuôi dúi trong chuồng kín như tôi sẽ không có côn trùng nên đỡ bị mắc bệnh.

Mua dúi về ăn thì nhiều người thích dúi rừng vì thịt săn chắc và thơm hơn nhưng mua giống về nuôi thì phải dúi thật thuần mới dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế. Khi chuẩn bị đẻ dúi mẹ sẽ tự tước vỏ tre, vỏ mía, vỏ cỏ ngọt để lót ổ cho con nhưng tôi vẫn phải lót thêm rơm vào. Dúi nuôi thịt, trước thời điểm xuất bán nên giảm chế độ ăn tinh bột, tăng chế độ ăn thô như tre, cỏ ngọt trong khoảng 2 tháng để thịt nạc và thơm.

Mỗi loại dúi có một lợi thế riêng như mỗi năm một con dúi mốc nuôi để lấy thịt ăn hết 200.000đ thức ăn, lúc xuất bán nặng 1,5 kg là được 700.000đ trong đó lãi 500.000đ; còn dúi má đào nuôi để lấy thịt ăn hết 600-700.000đ thức ăn, lúc xuất bán nặng 4 kg là được 2,4 triệu đ trong đó lãi 1,7-1,8 triệu đ.

Một đàn dúi đang tuổi lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một đàn dúi đang tuổi lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu ai có nhiều vốn nên nuôi dúi má đào, nếu ít vốn nên nuôi dúi mốc hoặc có thể kết hợp nuôi cả hai như tôi nhưng để có lãi thì phải nuôi số lượng từ trên 50 mẹ trở lên mới bằng lương của công nhân 8-10 triệu đ/tháng. Những nhà xây to ở đất Tân Sơn này đa số là người đi xuất khẩu lao động mang tiền về. Những người trẻ bỏ đi Hà nội làm thuê hết chứ không chú ý đến nông nghiệp. Làm nông nghiệp tôi thấy không gì lãi bằng nuôi dúi cả”…

Đàn dúi mấy trăm con nhưng chỉ cần một lao động chính là anh Nam, còn vợ anh thì sau thời gian lên lớp chỉ về phụ giúp thêm vào. Mỗi ngày anh dọn phân dúi một lần để đỡ tích tụ gây lên men, sinh bệnh và cho chúng ăn một bữa cố định vào 5 giờ chiều.

Trước đó anh đi lấy cỏ, mía, tre kéo về nhà rồi ngồi chặt, cưa, cắt chia theo khẩu phần của từng con dúi. Tính chi ly ra chỉ mất khoảng 4-5 giờ lao động mỗi ngày nhưng đàn dúi lại đang cho gia đình khoản lãi mỗi năm 300-400 triệu đồng. Đúng như lời anh Nam khẳng định, trong nông nghiệp không gì nhàn mà lãi bằng nuôi dúi.

Xem thêm
Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng

Tại các địa phương từ Nghệ An đến TP Huế, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang gia tăng do thời tiết thuận lợi cho sinh vật hại phát triển.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững

Hưng Yên đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư phát triển trang trại theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm giá trị nông sản.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Biến vùng đất sâu, trũng thành 'vựa' cá Koi tiền tỷ

HẢI PHÒNG Từ bỏ lối canh tác truyền thống, anh Vũ Văn Quân táo bạo chuyển đổi sang nuôi cá Koi Nhật Bản kết hợp kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị bất ngờ.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - tương lai du lịch xanh

HÀ TĨNH Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Vũ Quang, giai đoạn 2025 - 2030.

Bình luận mới nhất