Hiện thực éo le
Nhiều năm trở lại đây, 26 hộ dân tổ 7 của phường Đức Giang, quận Long Biên vẫn kiên trì gửi đơn tới các cơ quan hữu quan thể hiện sự phản đối, không đồng tình với phương án bồi thường, tái định cư liên quan đến Dự án xây dựng tuyến đường 40 m (nối từ trụ sở UBND quận Long Biên ra đường Ngô Gia Tự). Một trong những lý do người dân không đồng thuận là bởi chính quyền quận Long Biên dự kiến bố trí tái định cư cho họ sang tận huyện Đông Anh.
Bà Phạm Thị Tuyết, một trong 26 hộ dân kiên quyết phản đối phương án này vì: “Bao thế hệ gia đình chúng tôi sinh sống trên mảnh đất này, họ hàng thân thích, bà con lối xóm cũng ở đây. Giờ đưa chúng tôi sang mãi tận Đông Anh, bơ vơ mỗi người một nẻo, kế sinh nhai thế nào cũng chẳng biết thì thử hỏi dân đồng thuận làm sao được? Trong khi đó, quận Long Biên còn rất nhiều quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, tại sao không bố trí chúng tôi về đấy?”.

03 khối nhà tái định cư N3, N4 và N5 tại Khu đô thị mới Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên). Ảnh: PT.
Thắc mắc của bà Tuyết không phải không có cơ sở khi cách nhà bà chừng 2 km (theo đường chim bay) vẫn chình ình 2 dự án nhà tái định cư bỏ hoang hơn chục năm nay. Một thuộc đề án giãn dân phố cổ (phường Thượng Thanh) và một đang nằm trơ trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng).
Cụ thể, khu nhà tái định cư phục vụ đề án giãn dân phố cổ hoàn thành từ cuối năm 2017 nhưng do không nhận được đồng thuận của người dân phố cổ nên vẫn để không chục năm nay. Cách đó không xa, 3 khối nhà tái định cư N3, N4 và N5 tại Khu đô thị mới Sài Đồng (phường Phúc Đồng) cũng trong tình trạng tương tự. Khu nhà được xây dựng từ những năm 2004 và cơ bản hoàn thiện khoảng năm 2008 để phục vụ tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng mở rộng phố Sài Đồng. Tuy nhiên gần 20 năm đã trôi qua, những tòa nhà được xây dựng với bao kỳ vọng chỉ nằm trơ phơi nắng mưa và trở thành nơi để người dân trồng rau, tăng gia sản xuất.
Éo le hơn là trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hà (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy). Năm 2010, gia đình bà Hà cùng 14 hộ khác tại tổ 20 (tổ 31 cũ, phường Mai Dịch) phải bàn giao mặt bằng để nhà nước thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long - Cầu Diễn). Đến năm 2016, chính quyền địa phương tổ chức bốc thăm, chọn căn hộ tái định cư. Theo kết quả bốc thăm, 15 hộ dân nói trên được bố trí mua nhà tái định cư tại tòa CT4A, Dự án khu di dân tái định cư tập trung xã Phú Diễn (nay thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm). Nhưng, gần chục năm trôi qua, bà Hà cùng mười mấy hộ dân năm nào vẫn phải mòn mỏi đấu tranh để đòi nhà mà chưa được.
Lý do là bởi dự án này mặc dù đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng gần 10 tòa nhà từ năm 2013 nhưng do chưa được nghiệm thu nên không thể bố trí tái định cư cho người dân. Dự án cứ bỏ không từ đó đến nay mặc cho các hộ dân có nhu cầu phải chạy vạy khắp nơi để đòi quyền lợi.
Cách đó không xa, Dự án chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai) cũng rơi vào cảnh “đắp chiếu” hơn 20 năm vì UBND quận Bắc Từ Liêm không có quỹ đất để bố trí tái định cư cho 11 hộ gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng.

Dự án khu di dân tái định cư tập trung xã Phú Diễn (nay thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: PT.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND phường Phúc Diễn cũng từng phải thẳng thắn thừa nhận với phóng viên: “Trước đây, Thành phố Hà Nội đồng ý cho quận Bắc Từ Liêm sử dụng một phần các tòa nhà tái định cư để làm trụ sở làm việc. Tuy nhiên khi quận Bắc Từ Liêm chuyển về trụ sở mới năm 2021 thì khu nhà tiếp tục bỏ không. Theo thông tin tôi nắm được thì hiện nay vẫn chưa có phương án nào đối với các công trình này”.
Hà Nội bị vỡ kế hoạch
Tại Quyết định số 4962/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 về phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tái định cư giai đoạn 2021 – 2025, UBND TP Hà Nội đã đặt quyết tâm hoàn thành các dự án tái định cư bỏ hoang nhưng đến nay hầu hết đều “vỡ” tiến độ. Cụ thể, đối với tòa CT4 khu tái định cư tập trung Phú Diễn và tòa CT1, CT2 Khu tái định cư Xuân La, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023. Tuy nhiên thực tế không có nhiều thay đổi.
Tòa CT1 thuộc Dự án xây dựng Khu tái định cư Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố làm chủ đầu tư, được thi công từ năm 2014 và cơ bản hoàn thành vào năm 2020. Dự án được xây dựng 17 tầng nổi với 270 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chậm nghiệm thu là do công trình chưa hoàn thành hệ thống đấu nối xử lý nước thải và chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Đã 5 năm đã trôi qua nhưng khó khăn không được tháo gỡ, công trình thì ngày càng xuống cấp, nhiều hạng mục đã bị gãy hỏng.

Tòa CT2 thuộc Dự án xây dựng Khu tái định cư Xuân La được nghiệm thu từ năm 2023 nhưng chưa có người dọn về ở. Ảnh: PT.
Riêng tòa CT2 thuộc Dự án xây dựng Khu tái định cư Xuân La mặc dù được nghiệm thu và bố trí tái định cư từ năm 2023 nhưng đến nay số lượng hộ dân chịu nhận nhà và dọn về ở rất ít. Ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La xác nhận: “Dự án CT1 còn một số vướng mắc nên chưa thể nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Vì thế, hiện trạng công trình vẫn bỏ không, thành phố chưa thể bố trí tái định cư và đưa các hộ về sinh sống theo kế hoạch. Riêng dự án CT2 đã được nghiệm thu và bố trí tái định cư theo quy định. Hiện nay một số hộ dân đã bắt đầu dọn về sinh sống”.
Theo kế hoạch đã được ban hành, Thành phố Hà Nội phấn đấu đưa thêm 3 dự án bỏ hoang khác ở quận Hoàng Mai vào sử dụng trong năm 2023 gồm: Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại ô đất ký hiệu B10/ODK3 thuộc phường Yên Sở (nằm ở ngõ 156 Tam Trinh); Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1 thuộc phường Trần Phú (nằm ở ngõ 22 Khuyến Lương); Dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú (phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, nằm ở ngõ 587 Tam Trinh).
Tuy nhiên ghi nhận của phóng viên thấy rằng, tất cả dự án nêu trên hiện vẫn để không, chậm đưa vào sử dụng theo kế hoạch. Xung quanh dự án cây cối mục um tùm, người dân tận dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, làm bãi trông giữ xe. Thậm chí một số lao động nghèo còn “nhảy dù” vào ở trái phép. Các hạng mục như: bậc thang, hệ thống chiếu sáng, sảnh, lan can, mái che tầng hầm … đã hư hỏng, gãy đổ.
Những con số biết nói
Giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” của Quốc hội đã công bố con số giật mình. Theo đó, Thành phố Hà Nội còn 1.947 căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí. Trong khi đó, tại Quyết định số 4962/QĐ-UBND ngày 09/12/2022, UBND TP Hà Nội xác định giai đoạn 2021-2025, thành phố cần 7.117 căn hộ xây mới để phục vụ tái định cư (sau khi đã trừ các quỹ nhà hiện đã hoàn thành nhưng chưa có phương án sử dụng). Con số nêu trên đã phản ánh rõ thực trạng nơi thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu khi Hà Nội xây dựng và bố trí tái định cư.