Hưởng ưu đãi gần 40 tỷ đồng
Báo Nông nghiệp và Môi trường vừa đăng tải bài viết phản ánh những vi phạm xảy ra tại Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu (nay thuộc xã Dương Hòa, TP. Hà Nội). Những vi phạm tại cụm công nghiệp này diễn ra ở quy mô lớn, trong thời gian dài và ở nhiều lĩnh vực như: quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng…
Đáng nói là những vi phạm này đến nay vẫn chỉ được giải quyết cho có lệ và các trường hợp vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp nhiều kết luận của cơ quan chức năng.
Không chỉ vậy, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư cụm công nghiệp này là Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương cũng đặt ra nhiều dấu hỏi, cần được rà soát, làm rõ.

Những công trình không rõ là nhà xưởng hay văn phòng như thế này xuất hiện rất nhiều tại cụm công nghiệp. Ảnh: QD.
Theo Thanh tra TP. Hà Nội, ngày 5/12/2018, UBND huyện Hoài Đức (cũ) có văn bản gửi chủ đầu tư xác nhận loại hình cụm công nghiệp và diện tích đất công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung trong Cụm công nghiệp Dương Liễu, trong đó có nội dung: Hiện nay diện tích đất được đăng ký thuê trong cụm công nghiệp là 55.462,2 m2, tỷ lệ đăng ký lấp đầy là 91,76% (trong đó doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề đăng ký thuê 43.484,2 m2, chiếm tỷ lệ đăng ký lấp đầy là 71,94%). UBND huyện Hoài Đức (cũ) xác định, chủ đầu tư đủ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ.
Căn cứ vào văn bản trên, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương đã lập hồ sơ (có xác nhận của UBND huyện Hoài Đức) trình Chi cục thuế huyện Hoài Đức (cũ) để xin được ưu đãi về tiền thuê đất, trong đó thể hiện: Tại thời điểm tháng 12/2018, có 69 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề đăng ký di dời vào sản xuất trong cụm công nghiệp với tổng diện tích 43.484,2 m2 và 16 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh ngoài làng nghề đăng ký thuê đất tại cụm công nghiệp với tổng diện tích đất thuê là là 11.978 m2.
Ngày 21/1/2019, Cục thuế TP. Hà Nội có quyết định miễn tiền thuê đất cho chủ đầu tư đối với diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong cụm công nghiệp. Diện tích đất thuê là 48.508 m2, thời gian miễn là gần 44 năm, số tiền thuê đất được miễn là hơn 18,1 tỷ đồng.
Ngày 1/2/2019, Cục thuế TP. Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định miễn tiền thuê đất cho chủ đầu tư đối với diện tích 60.440,2 m2 đất sản xuất trong cụm công nghiệp, thời gian miễn là 14,5 năm kể từ ngày 26/10/2018, số tiền thuê đất được miễn là hơn 21,6 tỷ đồng. Tổng cộng, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương được hưởng ưu đãi tiền thuê đất gần 40 tỷ đồng.

Các công trình bị biến tướng thành nhà hàng, quán ăn như thế này không hiếm. Ảnh: QD.
Đáng nói là, trong khi tổng số tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp một lần cho cả thời gian thuê đối với Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu chỉ có hơn 69,4 tỷ đồng thì tiền giải phóng mặt bằng nhà nước chi ra để thực hiện dự án này đã lên tới hơn 40,8 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà nước tiếp tục ưu đãi gần 40 tỷ đồng tiền thuê đất cho chủ đầu tư. Nếu làm một phép cộng đơn giản, nhà nước thu được 69,4 tỷ đồng tiền thuê đất thì phải bỏ ra hơn 80 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và ưu đãi thuế. Vậy mục đích giao 12,05 ha đất cho Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương thực hiện dự án là gì?
Yêu cầu rà soát việc miễn tiền thuê đất
Theo lý giải của Thanh tra TP. Hà Nội, tại thời điểm xin được ưu đãi về tiền thuê đất tháng 12/2018, chủ đầu tư lập danh sách 69 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề đăng ký di dời vào sản xuất trong cụm công nghiệp với tổng diện tích 43.484,2 m², chiếm tỷ lệ đăng ký lấp đầy là 71,94%.
Tuy nhiên, theo hồ sơ miễn giảm tiền thuê đất do Chi cục thuế huyện Hoài Đức (cũ) cung cấp thì danh sách chỉ thể hiện tên, địa chỉ, số điện thoại, vị trí lô đất, diện tích đăng ký thuê của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhưng không thể hiện rõ ngành nghề sản xuất kinh doanh trong làng nghề.

Quy hoạch sử dụng đất tại Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu không hề được phép làm nhà ở, văn phòng, nhà hàng, quán ăn. Ảnh: QD.
Thanh tra TP. Hà Nội đã kiểm tra danh sách 69 trường hợp nêu trên và phát hiện: 1 trường hợp không phải người trong làng nghề Dương Liễu (hộ bà Ngô Thị Thu ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cũ); 28 trường hợp có ngành nghề kinh doanh bao gồm cả thương mại và sản xuất; không có tài liệu xác minh 28 trường hợp này là sản xuất hay kinh doanh thương mại.
Kiểm tra hiện trạng các trường hợp này, cơ quan thanh tra thấy phần lớn là chuyển nhượng cho nhau (trong đó có 2 trường hợp là hộ bà Phí Thị Tính và hộ ông Đỗ Danh Hoàn sau khi nhận chuyển nhượng đã xây dựng công trình và sử dụng vào mục đích kinh doanh nhà hàng ăn uống); một số hộ chưa đưa đất vào sử dụng (chưa xây dựng công trình).
Chính vì thế, Thanh tra TP. Hà Nội cho rằng cần phải rà soát, làm rõ việc UBND huyện Hoài Đức (cũ) sử dụng danh sách 69 trường hợp này để làm căn cứ khẳng định “tỷ lệ đăng ký lấp đầy là 71,94%” và xác định chủ đầu tư đủ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ.
Thanh tra TP. Hà Nội sau đó kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao Cục thuế thành phố kiểm tra, rà soát lại căn cứ miễn tiền thuê đất cho chủ đầu tư đối với diện tích 60.440,2 m2 đất sản xuất trong Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu. Số tiền thuê đất được miễn cần được kiểm tra, rà soát lại là hơn 21,6 tỷ đồng.
Điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đối với cụm công nghiệp làng nghề
Điều 31, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp của Chính phủ quy định điều kiện ưu đãi, hỗ trợ như sau: “1. Nằm trong quy hoạch, được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp; 2. Số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề chiếm trên 60% so với số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã di dời hoặc đăng ký di dời vào cụm công nghiệp làng nghề; 3. Tính đến thời điểm xem xét hưởng ưu đãi, hỗ trợ, tỷ lệ đăng ký lấp đầy trên 80%, trong đó trên 60% của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề theo xác nhận của ủy ban nhân dân cấp huyện”.